MỘT SỐ HÌNH ẢNH HỘI THẢO “PHÒNG, CHỐNG XÂM HẠI TRẺ EM TRÊN MÔI TRƯỜNG MẠNG VÀ CƠ SỞ GIÁO DỤC”

13/01/2020

Sáng ngày 13/01, tại Hà Nội, Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” tổ chức hội thảo “Phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và cơ sở giáo dục”. Phó Trưởng Đoàn giám sát- Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình chủ trì hội thảo.

Tham dự hội thảo có: các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; đại diện các Bộ, ngành có liên quan cùng các chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực trẻ em.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, mặc dù sự xuất hiện của internet ở Việt Nam chậm hơn so với khởi đầu của thế giới khoảng chừng 7-8 năm và chậm hơn so với một số nước trong khu vực khoảng 3-4 năm, nhưng Việt Nam đã nhanh chóng trở thành quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng internet nhanh nhất trong khu vực và nằm trong số quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng internet cao nhất thế giới.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội xin giới thiệu một số hình ảnh tại hội thảo:

Toàn cảnh hội thảo

Theo tài liệu của Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, từ 3,1 triệu người dùng internet năm 2003 thì tính đến tháng 6/2019 có 64.541.344 người sử dụng. Hiện nay, Việt Nam có 68 triệu người dùng mạng xã hội, trong đó số tài khoản Facebook là 63 triệu. Hơn 1/3 trong số người sử dụng internet ở Việt Nam trong độ tuổi từ 15-24

Trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin cùng với những diễn biến phức tạp của tội phạm công nghệ cao khiến trẻ em ngày càng đứng trước nhiều nguy cơ bị xâm hại, trong khi đó việc xây dựng, cải thiện môi trường mạng an toàn đối với trẻ em chưa được đầu tư thích đáng.

Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, các quy định pháp lý liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng còn thiếu và chưa đồng bộ. Chưa có các văn bản quy định việc nhận dạng, dẫn đến khó khăn trong quản lý đối tượng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng; chưa có cơ chế thu thập, giám sát dữ liệu, báo cáo và chuyển tuyến, thông qua các đường dây nóng nhằm báo cáo các tài liệu trực tuyến bị nghi ngờ là bất hợp pháp, bao gồm cả các tài liệu xâm hại tình dục trẻ em’ quy định về trách nhiệm, quyền hạn của các ngành, các cấp trong công tác phòng ngừa, tiếp nhận thông tin, can thiệp sớm, bảo vệ khẩn cấp, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em bi xâm hại, bóc lột, trẻ em bị mua bán... trên môi trường mạng còn chưa cụ thể, rõ ràng.

Để bảo vệ trẻ em tốt hơn trên môi trường mạng, các đại biểu cho rằng, trong thời gian tới, chúng ta cần rà soát, bổ sung quy định của pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Trong đó, cần phân công cụ thể cơ quan, đơn vị chủ trì ở Trung ương để quản lý các vấn đề liên quan đến sự an toàn của trẻ em trên môi trường mạng nhằm điều phối các bộ, ngành và thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan của Chính phủ và khu vực tư nhân nhằm tăng cường bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Ngoài ra, cần tăng cường vai trò của các doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông trong việc tạo dựng một môi trường mạng an toàn cho trẻ em. Thực hiện các cài đặt riêng tư mặc định để thu thập, xử lý, lưu trữ, buôn bán và công bố các dữ liệu cá nhân của trẻ em và áp dụng công nghệ xác thực độ tuổi để bảo đảm tuân thủ các quy định về bảo vệ dữ liệu đối với trẻ em, hạn chế truy cập những nội dung, tài liệu chỉ dành cho những người thành niên. Thực hiện phân loại các nội dung trên mạng bao gồm: các trò chơi trực tuyến, các ứng dụng, trang web và video...

Phát biểu kết thúc nội dung hội thảo, Phó Trưởng Đoàn giám sát- Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình khẳng định, vấn đề xâm hại trẻ em trên môi trường mạng là một vấn đề phức tạp. Qua khảo sát thực tế ở một số địa phương cho thấy, vấn đề này có khuynh hướng phát triển.  Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình cho rằng, các ý kiến của các đại biểu tại hội thảo sẽ giúp Đoàn Giám sát có những đánh giá đa chiều vấn đề này, chúng ta không nên từ chối mặt tích cực mà mạng xã hội mang đến, không lên án mạng xã hội, mà cần cần nhìn nhận đúng mặt tích cực của nó. Bên cạnh đó, phát triển bản lĩnh, khả năng bảo vệ và cơ chế bảo vệ trẻ em khỏi mặt tiêu cực của mạng xã hội.

Thu Phương

Các bài viết khác