ỨNG PHÓ VỚI DỊCH BỆNH COVID-19 TRONG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

18/10/2021

Chiều ngày 18/10, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức tọa đàm tham vấn chuyên gia về “giải pháp ứng phó với dịch bệnh Covid-19 trong giáo dục và đào tạo”. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thị Mai Hoa chủ trì tọa đàm.

 

Tham dự hội thảo có: các thành viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và các nhà quản lý, chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Dịch Covid-19 sẽ còn tác động lâu dài

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, mặc dù tình hình dịch Covid- 19 bắt đầu có những tiến triển tích cực, tuy nhiên để cuộc sống hoàn toàn về lại bình thường thì còn là một hành trình dài. Do vậy, trên tinh thần đó, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức tọa đàm tham vấn ý kiến chuyên gia về “giải pháp ứng phó với dịch bệnh Covid-19 trong giáo dục và đào tạo” làm cơ sở để đề xuất những giải pháp hữu hiệu hơn, lâu dài hơn để đảm bảo an toàn trong môi trường giáo dục, cũng như các chỉ tiêu giáo dục trong thời gian tới.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa tại tọa đàm

Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, qua 3 đợt chống dịch trước đây, chúng ta đã làm rất tốt nhưng sau đó lại xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, do đó, đợt dịch lần thứ 4 phức tạp hơn, khó kiềm chế hơn và gây hậu quả lớn hơn đợt dịch trước. Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 tại Việt Nam rất khốc liệt với biến chủng Delta cực kỳ nguy hiểm - biến chủng đã làm đảo ngược các thành quả phòng chống dịch trên thế giới và làm thay đổi mọi thứ trong công tác phòng chống dịch ở Việt Nam. Mọi mặt, mọi lĩnh vực trong đời sống đều gặp phải những khó khăn, thách thức, trong đó có giáo dục, đào tạo.

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp của Covid-19, có khá nhiều vấn đề được đặt ra đối với giáo dục và đào tạo, tuy nhiên các đại biểu cho rằng, nhìn chung các vấn đề về bảo đảm việc học liên tục cho học sinh; hỗ trợ người học thiếu kỹ năng học độc lập; bảo đảm sự hạnh tồn cho học sinh; hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên; bảo đảm sự hạnh tồn cho giáo viên; bảo đảm chăm sóc y tế đối với giáo viên bị nhiễm Covid-19; bảo đảm chăm sóc y tế đối với học sinh bị nhiễm Covid-19; hỗ trợ phụ huynh và người giám hộ trong việc kèm cặp học sinh được phần lớn các hệ thống giáo dục nhận định là vừa quan trọng nhất vừa thách thức nhất.

Theo nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Đỗ Nhật Tiến, đối với ngành giáo dục, tác động của đại dịch Covid-19 không chỉ là trước mắt mà còn lâu dài. Ngay trong đợt dịch đầu tiên, khi Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội trên quy mô toàn quốc thì ngày 8/4/2020 tất cả 63 tỉnh, thành đã cho học sinh, sinh viên nghỉ ở nhà. Còn trong đợt dịch thứ 4, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo đến ngày 10/10/2021, cả nước có 23 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tiếp; 31 tỉnh, thành phố dạy học trực tuyến và 9 tỉnh kết hợp giữa các phương thức. Học sinh Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành khác đã phải ở nhà, học trực tuyến từ năm học trước kéo dài sang năm học này và ngày trở lại trường vẫn đang phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh. Đại biểu nhấn mạnh, đại dịch đã tác động đến mọi mặt của giáo dục và mọi chủ thể của giáo dục.

Cần thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch

Việt Nam, cũng như tất cả các nước trên thế giới, đã phải đưa ra những quyết định chính sách về kinh tế - xã hội nói chung, giáo dục nói riêng, trong bối cảnh kiến thức về đại dịch Covid-19 còn rất thiếu, chưa hoàn chỉnh và không ngừng thay đổi.

Vì thế, mặc dù các bài học kinh nghiệm luôn được rút ra, các khuyến nghị chính sách luôn được các tổ chức quốc tế đúc kết và công bố, nhưng bất kỳ hệ thống giáo dục nào cũng phải đương đầu với nhiều vấn đề mới nảy sinh khi mà đại dich Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến khó lường.

Toàn cảnh tọa đàm

Do vậy, các đại biểu cho rằng, trước yêu cầu tiếp tục thực hiện thành công việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29 khi mà chiến lược phòng, chống dịch đã chuyển sang giai đoạn mới, giáo dục cũng cần phải luôn thay đổi, thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19.

Dạy học trực tuyến là xu thế tất yếu của giáo dục

Ngày 30/3/2021 Bộ GDĐT ban hành Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT quy định về quản lí và tổ chức dạy học trực tuyến trong các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, trong đó qui định dạy học trực tuyến là một phương pháp dạy học, có thể  hỗ trợ hay thay thế dạy học trực tiếp. Thông tư này đã chỉ đạo kịp thời, hướng dẫn rõ ràng giúp các trường và thày cô giáo tháo gỡ khó khăn, mạnh dạn bước đi trên con đường mới, củng cố niềm tin cho cha mẹ học sinh, tức là củng cố lòng dân, nhằm đạt tới sự đồng lòng, đồng thuận trong xã hội, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ năm học trong mọi hoàn cảnh. Thông tư đã khẳng định phương thức dạy học trực tuyến là một phương pháp dạy học chính thức trong nhà trường, dạy học trực tuyến có thể thay thế dạy học trực tiếp.

Theo Nhà sáng lập BigSchool & VinaSchools Lê Thống Nhất, các phương thức dạy học trực tuyến hay trên truyền hình không phải chỉ là đối phó với hoàn cảnh đại dịch Covid – 19 mà đây là xu hướng phát triển tất yếu của giáo dục trong kỷ nguyên 4.0. Trong thời qua, với cuộc chiến chống đại dịch Covid – 19 đã thúc đẩy nhanh hơn, mạnh hơn sự cấp thiết của xu thế công nghệ đi vào các hoạt động giáo dục. Do vậy, đại biểu đề nghị, từ những kinh nghiệm chỉ đạo dạy và học trong đại dịch lần này, ngành giáo dục sẽ làm rõ ra lộ trình chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo trong những năm tới.

Đại biểu phát biểu tại tọa đàm

Tuy nhiên các ý kiến cũng chỉ ra rằng, các điều kiện để dạy và học trực tuyến vẫn có những vấn đề cần tiếp tục giải quyết: cơ sở vật chất đang còn chưa đáp ứng kịp thời, tuy đã có phong trào “Máy tính và sóng” do Thủ tướng phát động; nhiều đơn vị giáo dục còn lúng túng trong việc lựa chọn nền tảng dạy học trực tuyến, bồi dưỡng giáo viên phương pháp dạy học trực tuyến (điều mà các trường sư phạm chưa trang bị); nhiều gia đình còn lúng túng trong việc hỗ trợ con em học trực tuyến, ngoài những yếu tố về phương tiện học tập; chất lượng các dữ liệu chưa được chuẩn hoá: ngân hàng đánh giá kiểm tra, bài giảng video…

Đề xuất các giải pháp tổ chức các phương pháp dạy học hướng tới chuyển đổi số trong giáo dục thời gian tới, các đại biểu cho rằng, chúng ta cần phát huy điểm mạnh đã làm tốt trong chỉ đạo của ngành giáo dục trong 2 năm qua, coi dạy học trực tuyến là một phương pháp dạy học chính thức trong nhà trường. Đây là phương pháp có ưu thế rất lớn  trong thời đại hiện nay. Là giải pháp tối ưu cho giáo dục trong điều kiện học sinh không đến trường nhưng nhà trường không dừng dạy học. Đó là phương pháp giúp học sinh, người học thực hiện học mọi lúc, mọi nơi, mọi lứa tuổi, học suốt đời.

Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, học sinh đi học trong trạng thái bình thường mới, việc coi dạy học trực tuyến là một phương pháp dạy học được thực hiện đồng thời, đan xen, hỗ trợ các phương pháp dạy học trực tiếp, truyền thống sẽ nâng cao hiệu quả dạy học, nâng cao năng lực thích ứng của học sinh và thày cô giáo. Thực hiện chuyển đổi số trong các trường học, xây dựng trường học thông minh, coi đây là một biện pháp cốt yếu không thể thiếu trong quá trình nâng cao chất lượng giáo dục.

Đồng thời, đẩy mạnh cuộc vận động “Sóng và máy tính cho em”; Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện sớm và quyết liệt kế hoạch phủ sóng mọi miền phục vụ dạy học trực tuyến. Để học sinh, nhất là các học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có điều kiện học tập bình đẳng trong tiếp cận học tập.

Phát biểu kết thúc phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thị Mai Hoa ghi nhận và đánh giá cao các ý của các đại biểu tại phiên họp. Trên cơ sở này, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ tổng hợp, tiếp thu một cách tối đa để có những đề xuất phù hợp trong thời gian sắp tới./.

Thu Phương