TỌA ĐÀM CHUYÊN GIA VỀ HỘI THẢO DU LỊCH 2021

26/11/2021

Sáng ngày 26/11, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức Tọa đàm chuyên gia về ''Hội thảo Du lịch năm 2021 với chủ đề: Du lịch Việt Nam – phục hồi và phát triển trong bối cảnh mới", dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 12/2021. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh chủ trì buổi tọa đàm.

 

Toàn cảnh tọa đàm

Tham dự tọa đàm có: các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; đại diện Tổng cục du lịch và các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực pháp luật và du lịch.

Trước diễn biến phức tạp, kéo dài của đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp, toàn diện đến các hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó Du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Theo đó, từ giữa năm 2019 đến thời điểm hiện tại, du lịch quốc tế đóng cửa, du lịch nội địa cũng không thể triển khai khiến toàn bộ chuỗi cung ứng dịch vụ cho hoạt động du lịch ngưng trệ, “đóng băng” nhà hàng, khách sạn, vận chuyển, khu nghỉ dưỡng... hướng dẫn viên du lịch, người lao động trực tiếp, gián tiếp trong ngành không có việc làm, không có thu nhập; nhiều doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, lưu trú cạn kiệt nguồn lực phải giải thể... Thời gian qua, các Bộ, ngành đã đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ chấp thuận bằng những quyết sách kịp thời nhằm hỗ trợ doanh nghiệp có thể duy trì và từng bước khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, những khó khăn đối với ngành du lịch còn rất nặng nề, nhiều điểm nghẽn” cần sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, sự chung tay của cộng đồng để tháo gỡ, đưa du lịch phục hồi, phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị.

Đại diện Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết, Hội thảo du lịch năm 2021 với chủ đề “Du lịch Việt Nam – phục hồi và phát triển trong bối cảnh mới” là một hoạt động nằm trong Chương trình hành động của Tổ Đảng Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Chương trình công tác năm 2021. Hội thảo dự kiến tổ chức vào cuối tháng 12 năm 2021. Trong điều kiện tình hình dịch bệnh được kiểm soát, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ tổ chức Hội thảo theo hình thức trực tuyến tại tỉnh Nghệ An; nếu dịch bệnh chưa được kiểm soát sẽ  tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu Hà Nội (Nhà Quốc hội).

Hội thảo du lịch năm 2021 với chủ đề “Du lịch Việt Nam – phục hồi và phát triển trong bối cảnh mới” là diễn đàn để các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các tổ chức du lịch trong nước và quốc tế trao đổi, đánh giá tác động của dịch bệnh COVID-19 đến ngành du lịch, cơ hội và thách thức đặt ra đối với du lịch Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; thảo luận về quan điểm, định hướng, giải pháp để phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới; đồng thời kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, quyết định những chính sách đột phá để phục hồi và phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới.

Đại biểu phát biểu tại tọa đàm

Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng du lịch Việt Nam đã và đang có vai trò ngày càng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Du lịch đóng góp vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế, cải thiện cuộc sống của người dân, phát huy có hiệu quả các giá trị di sản văn hóa và nâng cao hình ảnh đất nước và con người Việt Nam trên trường quốc tế. Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã thể hiện quyết tâm chính trị ở cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước ta nhằm phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng của đất nước. Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2030, du lịch Việt Nam thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, trong gần 2 năm qua, do tác động rộng lớn từ dịch COVID-19 mà du lịch thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam đã, đang và vẫn sẽ là một điểm đến hấp dẫn hàng đầu châu Á. Các tổ chức du lịch thế giới luôn đánh giá cao về thị trường du lịch của Việt Nam với những dự báo hết sức lạc quan. Năm 2020, bất chấp “cơn bão COVID-19” tàn phá nhiều trung tâm du lịch nổi tiếng trên thế giới, du lịch Việt Nam vẫn ghi dấu bằng loạt giải thưởng quốc tế uy tín và có mặt thường xuyên trên các tạp chí lữ hành uy tín của thế giới như Giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA) trao tặng là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới; Tạp chí du lịch nổi tiếng của Australia Lonely Planet cũng đã lựa chọn Việt Nam là điểm đến có ẩm thực tốt nhất cho chuyến du lịch cá nhân. Bên cạnh đó, Việt Nam còn được bình chọn là Điểm đến Văn hóa, Điểm đến Di sản và Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á, cùng với danh hiệu Điểm đến Golf tốt nhất châu Á. Nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch của Việt Nam cũng được trao tặng các giải thưởng quốc tế danh giá, như Tập đoàn Sun Group, Vin Group, Vietnam Airlines, Viet Travel…

Do vậy, các đại biểu cho rằng, Hội thảo du lịch năm 2021 với chủ đề “Du lịch Việt Nam – phục hồi và phát triển trong bối cảnh mới” của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục là một sự kiện hết sức kịp thời để tập hợp các ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý và cộng đồng doanh nghiệp bàn luận về những thách thức, khó khăn, làm rõ những cơ hội, lợi thế và giải pháp hiệu quả tháo gỡ những điểm nghẽn, nhằm phục hồi, phát triển nhanh chóng ngành du lịch Việt Nam sau khi dịch bệnh được kiểm soát và đất nước chính thức mở cửa đón khách du lịch quốc tế trở lại.

Các đại biểu cũng cho rằng, nội dung thảo luận của Hội thảo cần tập trung phân tích, đánh giá được thực trạng du lịch Việt Nam, làm rõ những vấn đề khó khăn, thách thức của ngành du lịch nước ta hiện nay, đặc biệt là những khó khăn mà các doanh nghiệp du lịch đang cần giải quyết cấp bách trong bối cảnh đại dịch COVID-19; nghiên cứu vấn đề chính sách Nhà nước hỗ trợ phục hồi, phát triển du lịch trong và sau đại dịch COVID-19; đề xuất các định hướng, giải pháp lâu dài và kiến nghị nhằm phục hồi, phát triển du lịch trong thời gian tới; đồng thời thảo luận về định hướng phát triển du lịch trong thời gian tới, như: Quan điểm, định hướng phát triển du lịch để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế; Phân tích xu hướng phát triển du lịch mới hiện nay nhằm thích nghi với tình hình dịch bệnh diễn ra toàn cầu; Sự  chuẩn bị cho sự phục hồi của ngành du lịch (về nhân lực, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp, ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch...). Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị Bộ Y tế cần có bài tham luận cụ thể đóng góp cho Hội thảo.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh tại tọa đàm

Phát biểu kết thúc tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến phát biểu. Theo Chủ nhiệm Uỷ ban, những ý kiến thảo luận của các đại biểu tại tọa đàm hôm nay sẽ là nguồn thông tin tham khảo, gợi mở quan trọng để Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tiếp tục chuẩn bị cho việc tổ chức nội dung Hội thảo Du lịch 2021 trong thời gian tới. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh cho biết, sau buổi tọa đàm hôm nay, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ tiếp tục làm việc với nhóm chuyên gia để thiết kế lại nội dung Hội thảo theo hướng tập trung sâu hơn về việc tháo gỡ những "điểm nghẽn" của ngành du lịch, giúp phục hồi và định hướng phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian tới./.

Thu Phương – Nghĩa Đức