XÂY DỰNG HỆ THỐNG THIẾT CHẾ VĂN HÓA, ĐẢM BẢO MÔI TRƯỜNG LÀNH MẠNH, AN TOÀN CHO TRẺ EM PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

18/08/2023

Sáng 18/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp cùng Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) tổ chức Hội thảo về phát triển toàn diện trẻ em dưới 6 tuổi. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ cùng Phó Trưởng đại diện UNICEF Lesley Miller đồng chủ trì Hội thảo.

ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC TỔ CHỨC HỘI THẢO VỀ PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN TRẺ EM DƯỚI 6 TUỔI

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có đại diện Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đại diện Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Hội đồng nhân dân một số địa phương cùng đại diện một số cơ quan hữu quan.

Hoàn thiện hệ thống giám sát theo dõi đánh giá dinh dưỡng cho trẻ em

Báo cáo tại Hội thảo, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa cho biết, thời gian qua, việc xây dựng hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về trẻ em nói chung, phát triển toàn diện trẻ em nói riêng, được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành địa phương quan tâm thực hiện cơ bản đầy đủ kịp thời. Nhìn chung, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phát triển toàn diện trẻ em hiện nay đã cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện trẻ em. Các chính sách, pháp luật, chương trình, mục tiêu phát triển toàn diện trẻ em được triển khai thực hiện rộng rãi trên toàn quốc.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chung toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, kinh tế suy thoái, thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đang gặp khó khăn, thách thức, làm cản trở việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững nói chung cũng như các chỉ tiêu phát triển toàn diện trẻ em nói riêng. Còn nhiều vấn đề, nội dung cần được tiếp tục quan tâm, xem xét để có thể giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra và đạt được các mục tiêu đề ra trong phát triển toàn diện trẻ em.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa tại Hội thảo

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa cho rằng, cần giải quyết những vướng mắc bất cập trong vấn đề chăm sóc dinh dưỡng, tiếp cận giáo dục mầm non, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, và việc thực hiện quy định của luật trẻ em năm 2016 về trách nhiệm của Hội đồng nhân dân các cấp. Theo đó, về chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em dưới 6 tuổi, cần ưu tiên phân bổ kinh phí trung ương, địa phương để thực hiện các kế hoạch hành động dinh dưỡng, chú trọng đầu tư cho các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bên cạnh đó, cần có lộ trình cụ thể thực hiện chủ trương tiến tới phổ cập giáo dục mầm non dưới 5 tuổi, sớm ban hành Đề án thí điểm phổ cập mẫu giáo 3,4 tuổi, bố trí sắp xếp mạng lưới trường lớp theo hướng chuẩn hóa để thực hiện. Lồng ghép phòng chống thương tích trẻ em trong chiến lược tiếp cận toàn diện nâng cao sức khỏe và sự phát triển của trẻ em, thực hiện hiệu quả các công tác truyền thông, nâng cao năng lực phối hợp liên ngành, thực hiện nghiêm túc các quy định về xây dựng môi trường an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích trong các cơ sở giáo dục mầm non…

Tham gia ý kiến về việc bảo đảm dinh dưỡng cho trẻ em, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em Trần Đăng Khoa cho rằng, cần xây dựng chính sách để đưa các can thiệp dinh dưỡng thiết yếu và bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, đảm bảo nguồn tài chính chi trả; đổi mới cơ chế tài chính cho hoạt động dinh dưỡng, trong đó tập trung xây dựng cơ chế xã hội hóa một số hoạt động dinh dưỡng mà người dân có khả năng đóng góp.

Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em cũng cho rằng, cần hoàn thiện hệ thống giám sát theo dõi đánh giá dinh dưỡng để thu thập đầy đủ các thông tin, nhất là các dữ liệu còn thiếu liên quan đến độ bao phủ của các chương trình, tình trạng dinh dưỡng của các nhóm đối tượng, xu hướng tiêu thụ lương thực thực phẩm, đầu tư và chi tiêu tài chính cho dinh dưỡng. Tổ chức giám sát trọng điểm để tầm soát phát hiện sớm trẻ em bị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính đưa vào điều trị và giám sát trọng điểm sau quá trình chăm sóc điều trị tại các cơ sở y tế.

Các đại biểu tại Hội thảo

Bàn về hệ thống giáo dục mầm non, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non Nguyễn Bá Minh cho biết, giáo dục mầm non đang gặp một số hạn chế khó khăn như: mạng lưới trường lớp chưa đáp ứng nhu cầu huy động trẻ đi học; cơ sở vật chất thiết bị vùng khó khăn chưa đủ điều kiện đổi mới chất lượng giáo dục mầm non; đội ngũ giáo viên thiếu nhiều và chất lượng chưa bảo đảm; cơ chế chính sách chưa đủ và thiếu thông thoáng; chính sách đối với trẻ em vùng khó khăn dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo chưa bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục mầm non.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non cho rằng, cần rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách phát triển, sửa đổi bổ sung chính sách đầu tư phát triển giáo dục mầm non, chính sách đối với trẻ em mầm non, đối với đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và đối với cơ sở giáo dục mầm non. Cùng với đó, cần bố trí, sắp xếp mạng lưới trường lớp, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các địa phương, phối hợp giữa nhà trường gia đình và cộng đồng trong việc phát triển giáo dục mầm non.

Cần phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cho trẻ em

Quan tâm đến việc phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cho trẻ em, bảo đảm quyền vui chơi giải trí cho trẻ em, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình Khuất Văn Quý cho biết, các thiết chế phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của trẻ em phần lớn được xây dựng tại thành phố đô thị lớn, chỉ có duy nhất hệ thống các Cung/Nhà thiếu nhi là thiết chế chuyên ngành dành cho trẻ em, các thiết chế khác có hoặc dành thời lượng chưa tương xứng phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí cho trẻ em. Trong những năm gần đây, các địa phương chưa thật sự quan tâm đầu tư xây dựng các cơ sở văn hóa, vui chơi, giải trí dành cho trẻ em, nhiều nơi quỹ đất để xây dựng còn bị chiếm dụng, hoặc sử dụng vào mục đích khác.

Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình nêu rõ, để góp phần phát triển hệ thống thiết chế văn hóa phục vụ trẻ em vui chơi, giải trí, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp như: xây dựng cơ sở vật chất, bộ máy tổ chức, tổ chức hoạt động, đào tạo cán bộ; tăng cường quản lý nhà nước về vấn đề phát triển mạng lưới và tổ chức hoạt động của các cơ sở văn hóa vui chơi giải trí cho trẻ em; phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý nhà nước giữa các bộ ngành liên quan; nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với việc đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của trẻ em.

Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình Khuất Văn Quý tham gia thảo luận

Bàn về vấn đề phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em ở cơ sở giáo dục mầm non, nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến điều kiện bảo đảm chất lượng công tác bảo đảm an toàn cho trẻ để thỏa mãn các điều kiện thành lập và hoạt động đối với nhóm lớp mầm non độc lập. Tăng cường việc kiểm tra, giám sát thực thi các chính sách quy định về bảo đảm an toàn phòng chống bạo hành trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non; tiếp tục triển khai và chỉ đạo việc nâng cao năng lực cho đội ngũ trong công tác bảo đảm an toàn, phòng chống bạo hành trẻ bằng các hình thức như: tập huấn, phổ biến tài liệu về hướng dẫn xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực…

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, các địa phương cần chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non, chú trọng việc giáo dục trẻ các kỹ năng bảo đảm an toàn kỹ năng thoát hiểm, phòng, chống xâm hại trong tổ chức các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ hàng ngày tại các cơ sở giáo dục mầm non; thực hiện nghiêm túc các quy định về xây dựng cơ sở giáo dục mầm non, an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích, phòng, chống bạo hành trong trong các cơ sở, bảo đảm đủ số lượng giáo viên đứng lớp theo quy định. Nêu cao vai trò cán bộ quản lý giáo viên, nhân viên, phụ huynh, cộng đồng về phòng chống bạo hành trẻ, phát hiện, thông báo, tố giác, ngăn ngừa và can thiệp kịp thời đối với các hành vi bạo hành trẻ.

Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em Vũ Thị Kim Hoa cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần triển khai quyết liệt và hiệu quả các chương trình của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nội dung công tác phòng chống đuối nước trẻ em. Cần đẩy mạnh đổi mới truyền thông phổ biến kiến thức, kĩ năng về phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước trẻ em cho cha mẹ trẻ em, phổ biến các sản phẩm truyền thông đến từng người dân, hộ gia đình, lớp học, cộng đồng dân cư và thông qua môi trường mạng, các kênh báo chí.

Thêm vào đó, cần triển khai các chiến dịch truyền thông theo chủ đề, truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng, tăng cường tư vấn hướng dẫn cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em, giáo viên mầm non các kiến thức, kỹ năng về phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước trẻ em, tăng cường việc trông giữ giám sát trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ, đảm bảo trẻ em lứa tuổi mầm non được đến trường, cha mẹ người chăm sóc trẻ luôn trông giữ giám sát trẻ.

Ngoài ra, cần xây dựng môi trường an toàn phòng chống tai nạn thương tích trẻ em tại gia đình, trường học và cộng đồng, bảo đảm thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn, chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật về bảo đảm an toàn trẻ em khi tham gia giao thông đường bộ, đường thủy, xây dựng nhà ở an toàn, phòng chống cháy nổ, an toàn thực phẩm. Tăng cường phối hợp liên ngành về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, phòng chống đuối nước trẻ em, bảo đảm can thiệp mang tính đa ngành, đa lĩnh vực.

PCN Tạ Văn Hạ phát biểu kết luận

Kết luận nội dung hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ đánh giá cao những ý kiến sâu sắc, thiết thực, tâm huyết và trách nhiệm của các đại biểu. Những ý kiến thảo luận, đóng góp của các đại biểu, chuyên gia, nhà nghiên cứu đã đưa ra cái nhìn tổng quan, đa chiều về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển toàn diện trẻ em trong thời gian qua, đồng thời cũng đã làm rõ những vướng mắc, bất cập, phân tích nguyên nhân, đề xuất giải pháp cụ thể, khả thi để đảm bảo thực hiện tốt hơn công tác này.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhấn mạnh, ý kiến của các đại biểu trong Hội thảo sẽ được tổng hợp đầy đủ, xem xét kỹ lưỡng để làm cơ sở quan trọng cho quá trình tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với lĩnh vực bảo vệ, phát triển toàn diện trẻ em trong thời gian tới. 

Một số hình ảnh tại hội thảo:

Quang cảnh Hội thảo

Các đại biểu dự Hội thảo

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết, hệ thống pháp luật, chính sách của Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện để trẻ em phát triển toàn diện cả về trí, thể, mỹ. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ, tạo điều kiện phát triển cho trẻ em trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đáng ghi nhận

Phó Trưởng đại diện UNICEF Lesley Miller cho rằng, những năm đầu đời có ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, hạnh phúc và thành công của trẻ em trong tương lai. Các bằng chứng khoa học cho thấy, thức ăn, sự kích thích, sự chăm sóc dành cho trẻ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển não bộ của trẻ

Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em Trần Đăng Khoa cho rằng, cần xây dựng chính sách để đưa các can thiệp dinh dưỡng thiết yếu và bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân

Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non Nguyễn Bá Minh cho biết, giáo dục mầm non đang gặp một số hạn chế khó khăn như: mạng lưới trường lớp chưa đáp ứng nhu cầu huy động trẻ đi học; cơ sở vật chất thiết bị vùng khó khăn

Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình Khuất Văn Quý cho rằng, để góp phần phát triển hệ thống thiết chế văn hóa phục vụ trẻ em vui chơi, giải trí, cần tăng cường quản lý nhà nước về vấn đề phát triển mạng lưới và tổ chức hoạt động của các cơ sở văn hóa vui chơi giải trí cho trẻ em

Phó Cục trưởng Cục Trẻ em Vũ Thị Kim Hoa cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần triển khai quyết liệt và hiệu quả các chương trình của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nội dung công tác phòng chống đuối nước trẻ em

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ nhấn mạnh, ý kiến của các đại biểu trong Hội thảo sẽ được tổng hợp đầy đủ, xem xét kỹ lưỡng để làm cơ sở quan trọng cho quá trình tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với lĩnh vực bảo vệ, phát triển toàn diện trẻ em trong thời gian tới

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo./.

Hồ Hương - Nghĩa Đức