CHỦ NHIỆM ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC NGUYỄN ĐẮC VINH DỰ TỌA ĐÀM "VAI TRÒ CỦA NỮ TRÍ THỨC VỚI PHONG TRÀO “GIỎI VIỆC NƯỚC ĐẢM VIỆC NHÀ”

08/03/2024

Chiều ngày 8/03, tại Hà Nội, Công đoàn Văn hóa, Giáo dục tổ chức Tọa đàm Vai trò của Nữ trí thức với phong trào “Giỏi việc nước đảm việc nhà”. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh tham dự Tọa đàm.

THƯỜNG TRỰC ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC LÀM VIỆC VỚI BÁO NHÂN DÂN

Toàn cảnh Tọa đàm

Tham dự Tọa đàm còn có: các thành viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; các thành viên Vụ Văn hóa, Giáo dục; Ủy viên Ban chấp hành, Trưởng ban Nữ công, Công đoàn cơ quan Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Hải Minh.

Với 124 năm truyền thống của Quốc tế Phụ nữ, phụ nữ Việt Nam cũng đã và đang góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Chia sẻ về vai trò, sự đóng góp của phụ nữ Việt Nam, trong đó có vai trò của đội ngũ nữ trí thức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng: Lực lượng đội ngũ nữ trí thức ngày càng đông đảo hùng hậu, và có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp phát triển đất nước. Nữ trí thức là những người có trình độ, được đào tạo nghiêm túc, có kiến thức sâu rộng về một lĩnh vực nào đó, có vị trí khoa học, đóng góp phát triển đất nước.

Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động năm 1989. Trong những năm qua, phong trào này đã trở thành nét đẹp truyền thống trong nữ công nhân, viên chức, lao động, góp phần nâng cao vị trí vai trò của người phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực công tác, xã hội và gia đình. Đến nay, phong trào trở thành động lực để phụ nữ, đặc biệt là nữ trí thức phấn đấu, phát huy vai trò, tiềm năng trong công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng gia đình no ấm – bình đẳng - tiến bộ - hạnh phúc, góp phần phát triển kinh tế xã hội và mục tiêu bình đẳng giới.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa

Tại Tọa đàm, các đại biểu cho rằng, nữ trí thức có cơ hội được khẳng định vị thế, có nhiều cơ hội trong tiếp cận bình đẳng, thăng tiến, được làm chủ xã hội, gia đình và bản thân, có nhiều dịch vụ hỗ trợ. Tuy nhiên, nữ trí thức cũng đối mặt với nhiều thách thức: áp lực “vai trò kép” giữa việc nước, việc nhà; luôn có sự giằng co “thiên chức” và “xã hội chức”; có nguy cơ mất việc làm cao; định kiến giới, vai trò giới là rào cản…

Những ý kiến của nữ cán bộ, công đoàn viên tại Tọa đàm đã làm rõ hơn về vai trò của phụ nữ nói chung, nữ trí thức nói riêng trong xã hội hiện nay, đặc biệt là vai trò quan trọng của nữ cán bộ, công chức, nữ công đoàn Văn hóa, Giáo dục đối với các hoạt động của Quốc hội, của Ủy ban. Nhiều ý kiến cũng tập trung thảo luận trong bối cảnh kinh tế - xã hội ngày càng có nhiều áp lực lớn hơn, đòi hỏi nữ trí thức ngày càng nâng cao năng lực, phấn đấu và ý thức tự tôn để thực hiện được nhiệm vụ chính trị, hài hòa công việc và gia đình. Bên cạnh đó, đòi hỏi có sự hỗ trợ trong công việc giữa các thành viên trong gia đình, giữa các đồng nghiệp trong cơ quan.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, vai trò của nữ trí thức có vai trò lớn không chỉ phát triển xã hội mà còn có hạnh phúc của mỗi gia đình. Trong khoa học, có thời kỳ khó tìm ra gương mặt phụ nữ… Điều này không có lợi không chỉ với khoa học mà còn với các vấn đề của đời sống xã hội. Bởi rõ ràng, nam và nữ giới thường có cách tiếp cận khác nhau trong cùng một vấn đề. “Khi phụ nữ có vai trò nhiều hơn trong chính trị, khoa học, xã hội... và gia đình, sẽ có nhiều cách tiếp cận trong cùng vấn đề để thế giới hài hòa hơn”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu ý kiến.

Để phụ nữ, đặc biệt là nữ trí thức tiếp tục phát huy vai trò của mình, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa đề xuất cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của nữ trí thức. Bên cạnh đó, hoàn thiện cơ chế, luật pháp, chính sách về bình đẳng giới và đội ngũ trí thức; tạo môi trường làm việc bình đẳng, thân thiện; hành động để thay đổi định kiến giới; tăng cường dịch vụ hỗ trợ…

Cùng với đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, về phía gia đình, cần điều chỉnh nhận thức vai trò giới; hiểu và thông cảm, tạo cơ hội, chia sẻ trách nhiệm. Với nữ trí thức, muốn có sự cống hiến lâu bền, cần cân bằng công việc – gia đình; tự giải phóng bản thân và biết san sẻ, luôn sống tích cực…

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh

Phát biểu tại Tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, thời kỳ trước kia, chế độ mẫu hệ tồn tại bởi phụ nữ phát huy vai trò hơn trong gia đình, xã hội. Khi kinh tế phát triển, xã hội thay đổi, nam giới gánh nhiệm vụ tiên phong, có tiếng nói hơn. Tuy nhiên, trong thời đại trí thức, vai trò của nam – nữ cân bằng, bình đẳng hơn, phụ nữ có cơ hội phát triển trong sự nghiệp, đủ sức cạnh tranh vị trí công tác với nam giới...  Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh kỳ vọng, thời gian tới, nữ trí thức phát huy tốt nhất vai trò của mình, đóng góp nhiều nhất cho công việc chung, giỏi việc nước, đảm việc nhà.

Một số hình ảnh tại Tọa đàm:

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh tham dự Tọa đàm Vai trò của Nữ trí thức với phong trào “Giỏi việc nước đảm việc nhà”

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa

Các đại biểu tại Tọa đàm

Các đại biểu phát biểu tại Tọa đàm

Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh kỳ vọng, thời gian tới, nữ trí thức phát huy tốt nhất vai trò của mình, đóng góp nhiều nhất cho công việc chung, giỏi việc nước, đảm việc nhà

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Thu Phương - Nghĩa Đức

Các bài viết khác