Tại buổi làm việc đầu tiên, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Lao động. Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước 2015; kế hoạch và dự toán ngân sách 2016 trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
Trình bày báo cáo, đại diện Bộ Lao động thương binh và xã hội cho biết, bước vào năm 2015, Bộ đã nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2 năm 2015-2016; các nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ và các chỉ đạo khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thông qua các chương trình, kế hoạch và giao trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị, địa phương thực hiện.
Quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng, trong công tác xây dựng văn bản, Bộ đã cụ thể hóa thành cơ chế, chính sách pháp luật: xây dựng và trình Quốc hội thông qua Bộ luật lao động (sửa đổi), Luật việc làm, Luật giáo dục nghề nghiệp, Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật an toàn, vệ sinh lao động; trình Quốc hội phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền của người khuyết tật…
Hệ thống luật pháp, chính sách về lao động, người có công và xã hội mới ban hành đã thể chế hóa được quan điểm, đường lối của Đảng và chiến lược phát triển kinh tế- xã hội, tạo lập khuôn khổ pháp lý về lao động, người có công và xã hội, góp phần hoàn thiện thể chế nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm phát triển kinh tế gắn với sự công bằng và tiến bộ xã hội.
Đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nhấn mạnh, kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về người lao động, người có công và xã hội trong 8 tháng đầu năm cũng đạt được nhiều thành tựu, trong đó: giải quyết việc làm cho trên 1.114 nghìn lao động, tăng so với cùng kỳ năm trước 3,9%; thực hiện quy định mức tiền lương tối thiểu đối với các doanh nghiệp, theo đó mức lương tối thiểu tăng thêm bình quân 250-400 nghìn đồng/tháng; tỷ lệ hộ nghèo cả nước cuối năm 2014 giảm còn 5,97%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 5,62%; tuyển mới dạy nghề trên 874 nghìn người, cả nước có 1463 cơ sở dạy nghề từng bước gắn liền với nhu cầu thị trường lao động, tiếp tục các giải pháp mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; công tác giải quyết chính sách đối với người có công được kịp thời, 98% xã phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công…
Bên cạnh những thành công nêu trên, báo cáo cũng cho biết vẫn còn một số tồn tại trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Cụ thể, tình trạng chậm đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội diễn ra ở nhiều doanh nghiệp; kết quả giảm nghèo chưa bền vững, đời sống một bộ phận nhân dân thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ; số trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực và bị tai nạn thương tích có chiều hướng giảm nhưng mức độ và tính phức tạp gia tăng, tệ nạn nghiện ma túy chưa được ngăn chặn hiệu quả, tái nghiện vẫn còn cao, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Để khắc phục những tồn đọng trên, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020. Theo đó Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các huyện nghèo, xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đánh giá, báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã phản ánh khá đầy đủ, khách quan về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước 2015. Các đại biểu cho biết, qua tiếp xúc, nhiều ý kiến cử tri ca ngợi, đánh giá cao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có nhiều giải pháp, chính sách tốt trong việc giải quyết các vấn đề xã hội.
Về lĩnh vực dạy nghề, nhiều đại biểu cho biết, hiện nay vấn đề dạy nghề ở nông thôn còn hạn chế, tình trạng người thất nghiệp trong khi đã học xong 7, 8 chứng chỉ vẫn gia tăng. Các đại biểu đề xuất, Bộ nên chủ trương giảm bớt các lớp dạy nghề ở địa phương, nhưng đầu tư thêm thời gian cho mỗi khóa học để nâng cao chất lượng của học viên, đảm bảo học viên xin được việc làm sau đào tạo.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị Bộ thống kê cụ thể con số những trung tâm dạy nghề hoạt động chưa có hiệu quả để có những giải pháp xử lý hợp lý.
Tại buổi thảo luận, có ý kiện đại biểu đề nghị tách mục “Bình đẳng giới” thành một mục lớn riêng, để đầu tư đánh giá chi tiết, kỹ hơn về vấn đề này, bởi cho rằng đây là một vấn đề lớn, nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội. Đồng thời, đề nghị Bộ đưa ra những định hướng trong lĩnh vực này trong năm tới.
Góp ý về các con số chỉ tiêu kế hoạch ngành, các đại biểu cho biết, các con số trong báo cáo mới chỉ thể hiện được một phần của tình hình lao động. Để có thể so sánh trình độ lao động giữa các quốc gia trên thế giới thì con số đó phải phản ánh được năng suất lao động. Chính vì vậy, các số đại biểu đề xuất Bộ nghiên cứu thêm để có thể đưa ra con số chỉ tiêu thể hiện được năng suất lao động.
Chủ nhiệm Ủy ban Trương Thị Mai cũng cho rằng, các con số chỉ tiêu của Báo cáo nên tập trung hướng đến chỉ tiêu đầu ra, chứ không nên tập trung cho chỉ tiêu đầu vào, như vậy mới có thể đánh giá được hiệu quả, giá trị thực của các chính sách và bắt kịp xu thế tiến bộ của thế giới.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cảm ơn và tiếp thu các ý kiến của Ủy ban, khẳng định các ý kiến của Ủy ban sẽ giúp ích cho Bộ rất nhiều trong việc hoàn thiện các chính sách.
+ Dự kiến phiên họp toàn thể lần thứ 12 của Ủy ban Về các vấn đề xã hội kéo dài từ 21- 24/9.