Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với UBND tỉnh An Giang về vấn đề “Thực hiện chính sách pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012-2018”
Báo cáo với đoàn, UBND tỉnh An Giang cho biết thời gian qua, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của tỉnh giảm đáng kể; theo đó giai đoạn 2012-2015, hộ nghèo giảm bình quân 1,34%/năm, cận nghèo giảm 0,62%/năm; còn giai đoạn 2016-2018 hộ nghèo giảm 1,59%. Trong giai đoạn 2012-2018, tổng nguồn vốn đầu tư cho Chương trình giảm nghèo bền vững là trên 173 tỷ đồng, được tài trợ 1 dự án hợp tác quốc tế về giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số ở 2 xã Núi Tô và Văn Giáo với kinh phí 5 tỷ đồng để đầu tư cho giao thông nông thôn. Chính sách hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề cũng được đầu tư, quan tâm thực hiện và trong giai đoạn này đã thực hiện cho vay tín dụng đối với các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài với số tiền hơn 8 tỷ đồng cho 131 lao động.
Tại buổi làm việc, các thành viên trong Đoàn giám sát yêu cầu tỉnh An Giang làm một số vấn đề như công tác tuyên truyền thực hiện chính sách, hỗ trợ vốn, thu hút kêu gọi đầu tư trong thời gian qua; đồng bào khmer cũng như người dân tộc Chăm được thực hiện chính sách như thế nào, các dân tộc sống chủ yếu ở địa phương nào? Đồng thời cần làm rõ kết quả giảm nghèo đối với hộ cận nghèo, hộ nghèo dân tộc thiểu số ở địa phương, việc thực hiện chính về giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh trong thời gian thực hiện hiệu quả như thế nào?
Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh kết luận buổi làm việc
Phát biểu kết luận buổi làm việc, bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá cao kết quả thực hiện Chương trình thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững của tỉnh An Giang và ghi nhận các ý kiến, kiến nghị cũa lãnh đạo tỉnh đặt ra với đoàn giám sát và sẽ có báo cáo đối với Quốc hội, Chính phủ. Bà Nguyễn Thúy Anh cũng đề nghị UBND tỉnh An Giang cần quan tâm đến các giải pháp giảm nghèo nhanh và bền vững; thực hiện lồng ghép các chương trình giảm nghèo để phát tiển kinh tế - xã hội đạt hiệu quả; công tác tuyên truyền, cần đẩy mạnh tuyên truyền phù hợp với văn hóa tập tục của từng dân tộc, đặc biệt đẩy mạnh công tác nêu gương để có sức lan tỏa trong công tác giảm nghèo. Ngoài ra, UBND tỉnh cần đánh giá hiệu quả chương trình giảm nghèo để có những đề xuất điều chỉnh cho phù hợp thực tế, lồng ghép hiệu quả các chương trình, dự án, tránh chồng chéo và huy động mọi nguồn lực trong nhân dân để đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững./.