THẨM TRA SƠ BỘ BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ VỀ KẾT QUẢ 06 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 76/2014/QH13 CỦA QUỐC HỘI VỀ ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN MỤC TIÊU GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG ĐẾN NĂM 2020

28/08/2020

Thực hiện chương trình công tác năm 2020, sáng 28/8, Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức phiên họp thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ về kết quả 06 năm thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh chủ trì Phiên họp.

 

Toàn cảnh Phiên họp

Tham dự Phiên họp có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện Đoàn ĐBQH một số tỉnh/ thành phố; đại diện lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và một số Bộ, ngành hữu quan.

Báo cáo tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, thực hiện Nghị quyết 76/2014/QH13 của Quốc hội đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động, phân công trách nhiệm cho các Bộ, ngành, địa phương; xác định rõ lộ trình thực hiện. Chính phủ triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo thông qua các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020.

Các Bộ, ngành, địa phương nhìn chung đã tích cực, chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao; khuôn khổ văn bản pháp lý về giảm nghèo được xây dựng, ban hành khá kịp thời, đầy đủ, toàn diện để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; cơ chế quản lý điều hành, phân công phân cấp, phối hợp, lồng ghép trong tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo đã từng bước được hình thành và đi vào nền nếp; các mục tiêu giảm nghèo đều đạt và vượt so với Nghị quyết đề ra.

Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, ước đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn khoảng 2,75%. Như vậy sau 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm khoảng 1,43%/năm, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao; đối với tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn 27,85%, bình quân trong 4 năm giảm 5,65%/năm, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao giảm bình quân 4%/năm; ước cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo bình quân các huyện nghèo còn khoảng 24%.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội Lê Văn Thanh báo cáo một số nội dung

Cũng theo Thứ trưởng, đã có 8/64 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn đạt 12,5% và 14/30 huyện nghèo  hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn. Dự kiến đến cuối năm 2020 khoảng 32 huyện thoát khỏi huyện nghèo, đạt chỉ tiêu đề ra . Điều kiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của khu vực nông thôn, nhất là khu vực nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc đã có sự thay đổi rõ rệt; đời sống của người nghèo được cải thiện cả về vật chất và tinh thần; kết quả giảm nghèo và cách tiếp cận giải quyết vấn đề nghèo đói ở nước ta thời gian qua tiếp tục được các đối tác phát triển, cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Theo Thứ trưởng, vẫn còn những tồn tại, hạn chế như việc rà soát, tích hợp văn bản chính sách về giảm nghèo cũng như việc chuyển đổi phương thức hỗ trợ người nghèo từ hỗ trợ cho không sang hỗ trợ có điều kiện, có thời hạn triển khai còn chậm; các chính sách giảm nghèo đã được tích hợp bước đầu nhưng vẫn còn dàn trải, thiếu tính hệ thống.  Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt. Tỷ lệ tái nghèo trong 4 năm (2016 - 2019) bình quân 4,09%/năm so với tổng số hộ thoát nghèo (giai đoạn trước tỷ lệ tái nghèo khoảng 12%/năm); tỷ lệ hộ nghèo phát sinh tương đối lớn, trung bình giai đoạn 2016 - 2019 bằng 21,8% so với tổng số hộ thoát nghèo.

Cũng tại Phiên họp, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã báo cáo về kết quả 06 năm thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 đối với những công việc thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ.

Cho ý kiến tại Phiên họp, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề và các đại biểu tham dự đánh giá, việc thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 đã đạt được những kết quả nhất định; ghi nhận sự nỗ lực thực hiện các mục tiêu của Bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên vẫn còn có những tồn tại, vướng mắc. Cụ thể như vấn đề chênh lệch giàu nghèo, điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, việc làm. Sự phân hóa giàu nghèo trong các tầng lớp dân cư có xu hướng gia tăng qua số liệu về chênh lệch thu nhập.

Bên cạnh đó, một số ý kiến chỉ ra rằng, mặc dù tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%; tỷ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm trên 58,53% tổng số hộ nghèo trong cả nước.

Về vấn đề nguồn lực đầu tư, có ý kiến nêu rõ, nguồn lực đầu tư cho các địa bàn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc và miền núi tuy đã được ưu tiên nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu; việc phát triển công nghiệp dịch vụ phục vụ nông nghiệp cho các huyện nghèo chưa được chú trọng, chưa kết nối sản xuất với thị trường, nhất là hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập; việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, tiến độ giao rừng, cho thuê rừng gắn liền với giao đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp còn chậm.

Các đại biểu cho ý kiến tại Phiên họp

Ngoài ra, một số ý kiến nhận định công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội nhằm khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo và huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm ngèo bền vững còn nhiều bất cập, chưa tạo được chuyển biến trong đội ngũ cán bộ cơ sở và người dân về những thay đổi chính sách và cách tiếp cận mới trong giảm nghèo.

Liên quan đến công tác giáo dục đào tạo, một số ý kiến cho rằng, cần đánh giá rõ vấn đề tỷ lệ người nghèo được đưa đi học nghề và thực hành nghề đó để thoát nghèo có hiệu quả là bao nhiêu? Nguồn lực rất lớn giáo dục đào tạo nhưng cần đánh giá giữa nguồn lực và hiệu quả thực tế. Hơn nữa, cần quan tâm đến vấn đề chất lượng lao động, đặc biệt là lao động công nghệ cao phải chú trọng hơn. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc nâng cao trình độ, chất lượng lao động của Việt Nam sẽ có vai trò quan trọng.

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Bùi Sỹ Lợi phát biểu tại Phiên họp

Kết luận một số nội dung làm việc, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Bùi Sỹ Lợi đánh giá qua các báo cáo có thể thấy các Bộ, ngành đã thể hiện một tâm huyết cao, trách nhiệm lớn trong việc thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020.

Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu tích hợp chính sách, nâng mức kinh phí hỗ trợ cho phát triển đa dạng hóa sinh kế, tạo thu nhập, giảm chênh lệch giàu nghèo, thức đẩy hiệu quả giải quyết mục tiêu đất ở, tăng cường công tác quản lý sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương để thực hiện tốt các mục tiêu giảm nghèo trong các giai đoạn sau./.

Hồ Hương- Trọng Quỳnh

Các bài viết khác