Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến
Tham dự Phiên họp còn có: đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh; đại diện một số Bộ, ngành hữu quan.
Theo Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, Chính phủ đã thể chế hóa kịp thời chủ trương lớn của Trung ương về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu thông qua việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành Bộ luật Lao động năm 2019, trong đó có nội dung về lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Trên cơ sở quy định của Bộ luật Lao động, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 về tuổi nghỉ hưu có hiệu lực tổ chức thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2021; Kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thi hành Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Việc làm, Bộ luật Lao động tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tổ chức thực hiện.
Mặc dù, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn ra hết sức phức tạp trong năm 2020, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, kết quả phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tiếp tục giữ được đà tăng, đặc biệt phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung làm rõ một số nội dung
Hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, BHTN có nhiều chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng. Hình thức tuyên truyền được đổi mới, tăng cường các hoạt động tuyên truyền theo hướng đối thoại chính sách với người lao động và người sử dụng lao động, tọa đàm trực tuyến, trả lời qua cổng thông tin điện tử hoặc hòm thư công vụ để tăng hiệu quả tương tác giữa cơ quan nhà nước và đối tượng tham gia, thụ hưởng chính sách; Chỉ đạo cơ quan BHXH thực hiện đúng theo lộ trình thay thế sổ BHXH bằng thẻ BHXH thông qua việc triển khai ứng dụng VssID.
Bên cạnh những kết quả đạt được, số người tham gia BHXH bắt buộc, BHTN giảm, số tiền chậm đóng BHXH tiếp tục tăng so với năm 2019. Nguyên nhân là do số người hưởng BHXH một lần tiếp tục tăng, ảnh hưởng không nhỏ khả năng phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc trong năm 2020. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh dẫn đến tình trạng chậm đóng, tạm dừng đóng BHXH tăng cao. Nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động trong việc tham gia BHXH vẫn còn hạn chế, đặc biệt là ở các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHTN gặp nhiều hạn chế dẫn đến việc triển khai đề án Đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH theo Quyết định số 1676/QĐ-TTg phê duyệt ngày 21/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ trong năm 2020 gặp nhiều khó khăn, chưa phát huy được hiệu quả. BHTN chưa thực thực sự là công cụ quản lý thị trường lao động, việc hỗ trợ người lao động tiếp tục quay trở lại thị thường lao động sau khi bị mất việc làm chưa thực sự hiệu quả.
Ủy ban Xã hội đưa ra ý kiến thẩm tra
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Xã hội đánh giá Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, BHXH Việt Nam và một số cơ quan có liên quan đã rất chủ động, tích cực trong việc sửa đổi, ban hành các văn bản kịp thời vừa đáp ứng công tác quản lý điều hành, vừa để điều chỉnh, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn đối với các đối tượng thụ hưởng chế độ, tiếp cận chính sách BHXH, BHTN cũng như hỗ trợ cho người sử dụng lao động, người lao động, nhất là những đối tượng trực tiếp chịu sự tác động của đại dịch Covid-19; Cơ bản các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm, Luật An toàn, vệ sinh lao động đã được ban hành và bảo đảm việc triển khai đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định của các Luật. Tuy nhiên, một số nội dung đã được Ủy ban chỉ ra trong nhiều năm nhưng do là những nội dung khó, ý kiến còn khác nhau nên Chính phủ chưa ban hành được văn bản hướng dẫn.
Ủy ban Xã hội chỉ ra rằng, hoạt động thanh tra của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và ngành bảo hiểm xã hội đã có nhiều tích cực, hiệu quả. Tuy nhiên cần đánh giá tổng quan lại kết quả, nhất là đối với việc thanh tra tại các doanh nghiệp, đơn vị để từ đó xác định cụ thể việc chấp hành pháp luật của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động. Hoạt động thanh tra việc thực hiện quản lý tài chính về BHXH của Bộ Tài chính chưa được tổng hợp, nêu rõ. Việc thanh tra này mới được triển khai thông qua hình thức thẩm định các báo cáo tài chính hàng năm của ngành BHXH.
Theo Ủy ban Xã hội, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH năm 2020 đạt 95,71% chỉ tiêu đề ra là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn. Tuy nhiên, cần phải nhìn vào thực chất, về tổng quan cho thấy việc phát triển lực lượng lao động tham gia BHXH còn thấp, nếu không có tác động của COVID-19 và Tổng cục Thống kê thay đổi cách tính lực lượng lao động thì sẽ không đạt được mục tiêu theo Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Thảo luận tại Phiên họp các thành viên Ủy ban và các đại biểu tham dự chỉ ra rằng, số nợ đóng, chậm đóng dự báo có thể tiếp tục có xu hướng gia tăng trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Do đó cần tính toán về hệ quả pháp lý đối với chính sách tạm dừng đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội, khi triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ với các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trong trường hợp doanh nghiệp không có khả năng đóng bù sau khi hết thời hạn được tạm dừng đóng.
Các đại biểu thảo luận tại phiên họp
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, mặc dù ngành BHXH thời gian qua đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ Ốm đau, thai sản nhưng tình trạng này vẫn tồn tại, nhất là việc lập khống, làm giả hồ sơ để hưởng chế độ. Quỹ Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp vẫn chi chủ yếu vào một số chế độ nhất định; chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động chưa thực hiện được kể từ khi Luật Việc làm có hiệu lực thi hành.
Kết luận một số nội dung Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trân trọng cảm ơn những ý kiến toàn diện, xác đáng, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các thành viên Ủy ban.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nêu rõ, tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban cơ bản đồng tình với báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội; quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020. Trên cơ sở các ý kiến thảo luận của đại biểu và giải trình từ phía Bộ, ngành, Ủy ban sẽ hoàn thiện báo cáo thẩm tra. Đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành cần tiếp tục làm rõ thực trạng của việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phân tích nguyên nhân của việc nợ đọng bảo hiểm xã hội, giải pháp đột phá để chống lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội trong thời gian tới./.