ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA ỦY BAN XÃ HỘI LÀM VIỆC VỚI BỘ CÔNG AN VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG MA TÚY, MẠI DÂM

08/09/2023

Sáng 08/9, tại trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Đoàn Giám sát chuyên đề của Ủy ban Xã hội đã làm việc với Bộ Công an về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy và phòng, chống mại dâm. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, Trưởng Đoàn giám sát chủ trì cuộc làm việc.

ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA ỦY BAN XÃ HỘI LÀM VIỆC VỚI BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN PHÒNG, CHỐNG MA TÚY, MẠI DÂM

Tham dự cuộc làm việc có các Phó Trưởng đoàn và thành viên Đoàn giám sát của Ủy ban Xã hội, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi, đại diện Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng đại diện một số cơ quan hữu quan.

Toàn cảnh cuộc làm việc

Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, thời gian qua, Đoàn Giám sát của Ủy ban Xã hội đã tổ chức giám sát theo Kế hoạch tại 08 địa phương bao gồm Bến Tre, An Giang, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Quảng Bình, Quảng Trị, Hải Phòng và Bắc Giang; yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng báo cáo theo chức năng, nhiệm vụ; tiến hành làm việc với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và các bộ ngành có liên quan về nội dung giám sát chuyên đề. Đoàn giám sát của Ủy ban Xã hội tiếp tục làm việc với Bộ Công an và các bộ có liên quan về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy và phòng, chống mại dâm.

Báo cáo tình hình thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống ma túy, đại diện Bộ Công an cho biết, ngay sau khi Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 được thông qua, Bộ Công an đã chủ động chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu xây dựng và ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật tương đối đồng bộ, đầy đủ, kịp thời và có tính khả thi; tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, góp phần nâng cao tính chủ động trong công tác phòng, chống ma túy.

Thời gian qua, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở các nước trên thế giới và trong khu vực rất phức tạp, có chiều hướng gia tăng cùng với chính sách hợp pháp hóa một số chất ma túy tại một số quốc gia, ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Trong nước, các đối tượng phạm tội về ma túy hoạt động với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, manh động, sẵn sàng sử dụng các loại vũ khí, phương tiện để chống đối quyết liệt các lực lượng chức năng. Tình hình tội phạm trên các tuyến Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc miền Trung - Tây Nguyên, Tây Nam; tuyến hàng không, bưu điện, đường biển diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Theo đại diện Bộ Công an, việc phòng, chống ma túy còn vướng mắc do kinh phí, điều kiện hoạt động cho hoạt động của Tổ công tác liên ngành trung ương và các địa phương còn hạn chế. Trung tâm Dữ liệu kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy hiện nay chưa hoạt động trở lại nên không thực hiện được các nội dung công tác kiểm soát trên hệ thống. Việc ban hành được văn bản pháp luật để đưa vào các Danh mục chất ma túy và tiền chất do Chính phủ ban hành để quản lý mất nhiều thời gian. Đa số các vụ việc vi phạm trong lĩnh vực kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy chi xử lý hành chính, chưa có tác dụng răn đe, phòng ngừa các hành vi.

Các đại biểu tại cuộc làm việc

Đối với công tác phòng, chống mại dâm, Bộ đã đẩy mạnh phong trào quần chúng tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, tệ nạn mại dâm. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động và kết quả đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn mại dâm; tổ chức các cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư không có tệ nạn xã hội; rà soát, lập danh sách các cơ sở kinh doanh dịch vụ có biểu hiện nghi vấn hoạt động mại dâm, lập hồ sơ quản lý nghiệp vụ đối với các đối tượng có biểu hiện chứa, môi giới mại dâm.

Lực lượng Công an cũng đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai nhiều phương án, kế hoạch đấu tranh, xử lý có hiệu quả với tội phạm, vi phạm pháp luật về mại dâm. Số vụ được phát hiện còn ở mức cao, nhất là số vụ mại dâm thông qua việc sử dụng mạng xã hội để hoạt động có dấu hiệu gia tăng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, đại diện Bộ Công an cho biết, công tác phòng ngừa, ngăn chặn người Việt Nam ra nước ngoài hoạt động mại dâm còn hạn chế, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc triển khai và tổ chức thực hiện công tác phòng ngừa và chống mại dâm có lúc, có nơi còn thiếu quyết liệt để tồn tại các điểm hoạt động mại dâm gây dư luận xấu tại một số địa bàn, nhất là địa bàn giáp ranh, khu du lịch.

Đánh giá việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống ma túy, mại dâm thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Công an, nhiều ý kiến cho rằng, công tác ban hành các văn bản chi tiết, hướng dẫn thực hiện Luật Phòng, chống ma túy có một số bất cập. Cụ thể, một số nghị định, thông tư ban hành chậm so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành. Một số quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật chưa thống nhất, phù hợp hoặc chưa điều chỉnh vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn.

Các đại biểu cho rằng, về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực  phòng chống ma túy, Bộ Công an cần rà soát, đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 144 bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định phòng, chống và kiểm soát ma túy cho lực lượng Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển Việt Nam.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan tại cuộc làm việc

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan nêu rõ, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy tại cấp cơ sở chưa được thường xuyên, liên tục, còn hình thức; nội dung, hình thức tuyên truyền còn dàn trải; việc tuyên truyền đến các đối tượng có nguy cơ cao, người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ngoài xã hội, tuyên truyền đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm ngăn chặn  hành vi, vi phạm pháp luật về ma túy còn hạn chế.

Để khắc phục những tồn tại này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nêu rõ, cần rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực phòng, chống ma túy, bảo đảm thống nhất, đồng bộ và có tính khả thi, chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác cai nghiện ma túy bắt buộc, cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng. Đồng thời, cần bố trí nguồn lực cho công tác phòng, chống ma túy, đặc biệt là công tác thống kê quản lý người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy và sau cai nghiện ma túy.

Đối với công tác phòng, chống mại dâm, các đại biểu cho rằng, sự quan tâm, chỉ đạo công tác này của một số bộ, ngành, địa phương còn hạn chế, vai trò của người đứng đầu chưa được phát huy. Hoạt động mại dâm hầu hết dưới dạng trá hình, tập trung trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, dễ bị lợi dụng, tệ nạn mại dâm ngày càng tinh vi hơn, với nhiều hình thức biến tướng mới, sử dụng công nghệ thông tin hiện đại nên khó phát hiện, khó quản lý.

Các đại biểu cũng nêu nhiều vấn đề, vướng mắc có liên quan như: Công tác dạy nghề, vay vốn, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người hoạt động mại dâm hoàn lương còn khó khăn. Chế tài xử phạt đối với người bán dâm sau khi bị bắt giữ, chỉ bị phạt tiền, hiệu quả răn đe không cao, hầu hết người bán dâm vẫn tái vi phạm. Kinh phí dành cho hoạt động phòng, chống mại dâm còn thấp, nhiều địa phương không được bố trí kinh phí hoặc bố trí kinh phí thấp, không tự cân đối được ngân sách để đáp ứng nhu cầu đảm bảo thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm; đội ngũ cán bộ phòng, chống tệ nạn xã hội chưa đáp ứng so với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

Các đại biểu đề nghị sớm xây dựng Luật về Phòng, chống mại dâm, làm cơ sở cho việc thực hiện các biện pháp, giải pháp về phòng, chống mại dâm cho phù hợp với thực tiễn hiện nay, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thực hiện tốt các chính sách về bảo trợ xã hội; đảm bảo tính thống nhất, tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu kết luận 

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao nội dung báo cáo của Bộ Công an cùng các ý kiến phát biểu thẳng thắn, trách nhiệm, toàn diện và sâu sắc của các đại biểu. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nêu rõ, những ý kiến này sẽ là cơ sở để Đoàn giám sát hoàn thiện dự thảo Báo cáo giám sát, xin ý kiến thành viên Ủy ban tại Phiên họp toàn thể lần thứ 10, dự kiến xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 26 và hoàn thiện để gửi Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 sắp tới.

Hồ Hương

Các bài viết khác