Luật Dược được QH thông qua ngày 14.6.2005, sau khi có hiệu lực đã góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về dược, bảo đảm quyền của người dân được sử dụng thuốc có chất lượng, hợp lý và an toàn. Tuy nhiên, sau 8 năm thực hiện, một số quy định của Luật chưa được triển khai trên thực tế như: quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền định kỳ công bố giá tối đa đối với các loại thuốc do ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế chi trả. Hiện nay, số lượng thuốc sản xuất lưu hành trong nước khá nhiều, có khoảng hơn 25.000 mặt hàng, với trên 1.500 hoạt chất; mỗi hoạt chất có nhiều chủng loại, hàm lượng, quy cách đóng gói, dạng bào chế, nhà sản xuất khác nhau. Do vậy, việc xác định mức giá tối đa cho các mặt hàng trên là không khả thi. Bộ Y tế cũng chưa ban hành được văn bản hướng dẫn quy định việc kê khai và kê khai lại giá thuốc không cao hơn giá thuốc tại các nước trong khu vực có điều kiện y tế, thương mại tương tự như Việt Nam do khó xác định danh sách các nước trong khu vực có điều kiện y tế, thương mại tương tự như Việt Nam. Trong lần sửa đổi này, Ban soạn thảo đề nghị QH xem xét bỏ các quy định nêu trên để bảo đảm tính khả thi của Luật.
Cơ bản đồng tình với đề nghị của Ban soạn thảo, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng, nên sửa đổi Luật theo hướng quy định về quản lý giá thuốc có trọng tâm, trọng điểm hơn, với các biện pháp quản lý cụ thể, phù hợp với nguyên tắc thị trường. Đó là, thực hiện các biện pháp bình ổn giá đối với các thuốc thuộc Danh mục thuốc thiết yếu theo quy định của Luật Giá; kê khai giá đối với thuốc của cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuộc Danh mục thuốc thiết yếu và thuốc do Quỹ bảo hiểm y tế chi trả trước khi lưu hành trên thị trường; đấu thầu thuốc theo quy định của Luật Đấu thầu đối với các thuốc sử dụng tại cơ sở y tế do ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm y tế chi trả và các nguồn thu hợp pháp khác của các cơ sở y tế nhà nước...