Toàn cảnh Hội nghị
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đồng chủ trì Hội nghị.
Tham dự hội nghị còn có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Nội Vụ; Bộ Xây dựng, Bộ Quốc Phòng, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao; một số chuyên gia, nhà nghiên cứu có quan tâm đến lĩnh vực giới.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, sau nhiều năm triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới và các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đã có 93 luật, pháp lệnh được lồng ghép quy định về giới. Tại hội nghị hôm nay, qua báo cáo của các bộ, ngành, bên cạnh việc cung cấp thông tin, các đại biểu tham dự sẽ đánh giá hoạt động lồng ghép bình đẳng giới trong các dự án Luật, chỉ rõ những thành tựu đã đạt được cũng như những khó khăn, vướng mắc để đưa ra các giải pháp cụ thể, cơ chế phối hợp hữu hiệu trong thời gian tới.
Đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội báo cáo tại Hội nghị
Báo cáo tại hội nghị, đại diện một số Bộ, ngành cho biết, công tác đánh giá tác động xã hội và tác động giới trong các dự án luật, pháp lệnh đã được triển khai tương đối cụ thể. Theo đó, đại diện Bô Lao động, Thương binh và Xã hội nêu rõ, bình đẳng giới là việc nam nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Bình đẳng giới là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sự phát triển của một xã hội, một đất nước, tự nó là mục tiêu của sự phát triển và là yếu tố hỗ trợ, nâng cao khả năng tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội của quốc gia. Thực hiện các nhiệm vụ về công tác bình đẳng giới, cơ quan chủ trì nghiên cứu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã chủ động nghiên cứu, đánh giá tác động về giới theo quy định. Thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đã rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ trong chính sách ưu đãi người có công trong Pháp lệnh Ưu đãi với người có công với cách mạng; Luật Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng chỉ rõ, trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Đê điều đã tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định của 03 Luật hiện hành để tháo gỡ những vướng mắc lớn phát sinh trong thực tiễn, quá trình soạn thảo dự án Luật, Ban soạn thảo đã thực hiện đúng quy trình về lồng ghép giới và các quy định trong Luật Bình đẳng giới, trong đó đặc biệt đảm bảo các quy định liên quan đến Điều 11 và Điều 14 của Luật về đảm bảo bình đẳng giới theo đó đảm bảo nam, nữ bình đẳng trong việc tham gia lực lượng chuyên trách phòng, chống thiên tai và được hướng dẫn, đào đạo về công tác phòng, chống thiên tai. Đóng góp vào việc thiết lập cơ chế bảo đảm bình đẳng giới thực sự trong việc tham gia quản lý nhà nước, tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội theo quy định của Luật Bình đẳng giới.
Đại diện Bộ Ngoại giao cho biết, trong quá trình lập đề nghị xây dựng Luật Thỏa thuận quốc tế với các hoạt động và hoàn thiện Hồ sơ, Bộ Ngoại giao với tư cách là cơ quan chủ trì soạn thảo đã quan tâm, thực hiện đầy đủ việc lồng ghép bình đẳng giới, phù hợp với quy định của Luật Bình đẳng giới.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, đây là năm thứ 33 tổ chức thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với vấn đề lồng ghép giới; tuy nhiên nhận thức về bình đẳng giới chưa thật sự sâu sắc; hồ sơ đánh giá tác động xã hội và tác động về giới còn chưa sâu, chủ yếu đánh giá dưới khía cạnh về kinh tế, nặng về suy đoán, phụ thuộc nhiều về yếu tố chủ quan; kiến thức về giới, kỹ năng, trình độ thẩm định hồ sơ về giới của cán bộ, chuyên viên vẫn còn yếu.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị các bộ, ngành chú trọng đến khâu xây dựng chính sách, trong đó có đánh giá tác động về giới và tác động xã hội; tổ chức các hội thảo chuyên ngành về vấn đề giới; giám sát chặt chẽ quá trình quy phạm hóa các chính sách về giới. Đồng thời Bộ Tư pháp sẽ phối hợp chặt chẽ các bộ ngành trong việc lập hồ sơ báo cáo đánh giá tác động; áp dụng các biện pháp nâng cao chất lượng thẩm định.
Cũng tại phiên thảo luận, một số đại biểu cho rằng, từ lâu, khái niệm bình đẳng giới vốn được hiểu là sự đối xử công bằng về mặt luật pháp, cũng như vị thế xã hội giữa nam và nữ giới. Nhưng ngày nay, trong thời kỳ kinh tế quốc tế phát triển đa màu sắc thì bình đẳng giới không chỉ thể hiện bằng việc tuyên truyền loại trừ các vấn nạn nghiêm trọng mà phụ nữ hiện vẫn phải đối mặt mà còn được mở rộng ra hầu như gần hết khía cạnh của cuộc sống xã hội. Ngoài ra, phụ nữ còn gặp phải những vấn đề khác như bạo lực gia đình, nạn nhân của buôn bán người, bóc lột lao động, xâm hại tình dục… Do đó, vấn đề nhận thức giới, lồng ghép giới trong các Dự án luật là hết sức quan trọng.
Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh phát biểu kết luận tại Hội nghị
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh trân trọng cảm ơn những ý kiến quý báu, tâm huyết của các đại biểu tham dự. Chủ nhiệm Ủy ban nêu rõ, hội nghị là buổi tiếp cận thông tin sơ bộ, qua ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự, đề nghị các cơ quan soạn thảo, các bộ, ngành xác định rõ vấn đề giới với những thông tin, số liệu đầy đủ để có những đánh giá tác động giới nghiêm túc, chính xác, hiệu quả, khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình thực thi pháp luật về bình đẳng giới trong thực tiễn hiện nay./.