HÌNH ẢNH HỘI THẢO ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO HIỆU QỦA GIÁM SÁT CỦA CƠ QUAN DÂN CỬ ĐỐI VỚI THỰC THI CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ AN SINH XÃ HỘI

12/02/2020

Sáng ngày 12/02, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức Hội thảo khoa học “Đổi mới và nâng cao hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử đối với thực thi chính sách pháp luật về an sinh xã hội ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030”.

Tham dự Hội thảo có ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; ông Nguyễn Sỹ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; ông Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, cùng các đại biểu thuộc 2 đơn vị tổ chức Hội thảo và các chuyên gia ở ngành Y tế, Lao động, Thương binh và Xã hội...

Năm 2017, trên cơ sở tổng kết 70 năm Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam kế thừa đổi mới và phát triển, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với Đại học Kinh tế quốc dân đề xuất và được Bộ khoa học và Công nghệ quyết định giao nhiệm vụ nghiên cứu Đề tài cấp nhà nước mã số KX01.24/16-20 về “Nâng cao hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử đối với việc thực thi chính sách, pháp luật về an sinh xã hội ở Việt Nam”.

Sau hơn 2 năm triển khai nghiên cứu, đề tài đã tiến hành điều tra khảo sát, tổ chức toạ đàm tại 6 tỉnh, thành phố và tổ chức hai cuộc hội thảo tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 12/02 là lần thứ 3 hội thảo về đề tài này được tổ chức nhằm mục tiêu hoàn thiện cơ sở lý luận và cung cấp các căn cứ thực tiễn cho việc đổi mới và nâng cao hiệu quả, hiệu lực giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân đối với thực thi chính sách, pháp luật an sinh xã hội ở nước ta.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Hội thảo:


Tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia đều cho rằng: Để thực hiện tốt các mục tiêu về an sinh xã hội đề ra cần tăng cường hoạt động giám sát trong việc thực thi chính sách, pháp luật.

Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sơn - Vụ trưởng Vụ Phục vụ hoạt động giám sát, Văn phòng Quốc hội, cho rằng cần có khung giám sát thực thi chính sách pháp luật về an sinh xã hội và cần nhận thức đúng đắn về bộ máy giúp việc với tính chất là một cơ quan có chức năng tham mưu cho hoạt động giám sát. 


Ông Nguyễn Sỹ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nêu quan điểm: Quốc hội ban hành luật thì phải giám sát việc tuân thủ luật. Theo đó, đối tượng trước tiên cần phải tuân thủ chính là những người dân. Vì vậy, Quốc hội phải giám sát cả nhân dân trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về an sinh xã hội.

Ông Mai Sỹ Diến - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, cho rằng: Việc giám sát cần thực hiện đúng theo hoạt động của cơ quan dân cử. Phải bổ sung nội dung thời điểm và chủ thể đánh giá hoạt động giám sát đối với thực thi chính sách, pháp luật về an sinh xã hội.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng- nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội nêu quan điểm: Cần nâng cao chất lượng giám sát chuyên đề về an sinh xã hội với các chủ đề giám sát cụ thể, thiết thực. Bên cạnh đó là chú trọng giám sát hiệu quả việc sử dụng ngân sách Nhà nước đã được Quốc hội phân bổ và sự đóng góp của người dân theo tinh thần xã hội hoá cho thực thi các chính sách, chương trình an sinh xã hội.

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng: Giám sát phải thực chất, tránh hiện tượng hình thức. Trong hoạt động này cần phải nêu bật được hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử. Ngoài ra, cần phải có khung giám sát ở các tuyến, cơ quan khác nhau đối với việc thực thi chính sách, pháp luật về an sinh xã hội.​

Bà Nguyễn Thị Lan Hương- nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động Xã hội: Cần phải đưa ra giải pháp, công cụ để giám sát thực thi chính sách, pháp luật về an sinh xã hội cần. Theo đó, việc giám sát phải dựa trên hệ thống công nghệ mới và dân chủ hóa hoạt động giám sát.

Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đánh giá cao sự đóng góp ý kiến của các đại biểu đối với đề tài cũng như vào việc đổi mới và nâng cao hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử đối với thực thi chính sách pháp luật về an sinh xã hội ở Việt Nam. Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội và Đại học Kinh tế Quốc dân mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý, đề xuất của các chuyên gia về công tác giám sát của cơ quan dân cử để thực hiện tốt hơn vấn đề tăng trưởng kinh tế gắn với công bằng xã hội và an sinh cho người dân./.

Bích Lan