ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI TỔ CHỨC HỘI THẢO VỀ VẤN ĐỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI VÀ LAO ĐỘNG DI CƯ

05/08/2020

Thực hiện chương trình làm việc năm 2020, sáng ngày 05/8, Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức Hội thảo về vấn đề Bình đẳng giới và lao động di cư nhằm phục vụ cho việc chỉnh lý dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh tham dự Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Bùi Sỹ Lợi và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nguyệt đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có các đồng chí Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề Xã hội, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các chuyên gia về lĩnh vực giới – gia đình, đại diện các Bộ, ngành, tổ chức quốc tế có liên quan.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lê Thị Nguyệt cho biết Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) đã được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9, trong đó đặc biệt chú ý khắc phục tình trạng phụ nữ lao động di cư gặp nhiều hình thức bạo lực, quấy rối hoặc phân biệt đối xử về giới, về quốc tịch. Hội thảo là cơ hội để cùng nhìn lại những chính sách đối với lao động di cư dưới lăng kính giới, điều chỉnh chính sách để đem lại lợi ích tốt nhất cho lao động di cư, phát triển kinh tế xã hội phù hợp với nguyên tắc, các công ước quốc tế mà Việt Nam đã phê chuẩn.

Trình bày tham luận tại Hội thảo về một số vấn đề liên quan đến sửa đổi các nội dung liên quan đến bình đẳng giới trong dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Bùi Sỹ Lợi quan tâm đến một số nội dung liên quan đến chính sách đảm bảo bình đẳng giới; chính sách của Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đảm bảo việc bảo vệ tốt cho người lao động nói chung và bảo đảm bình đẳng giới nói riêng được quy định trong dự thảo Luật.

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi trình bày tham luận tại Hội thảo.

Theo Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi, dự Luật đã tiếp thu, chỉnh lý theo hướng quy định bảo đảm bình đẳng về cơ hội làm việc, không phân biệt đối xử trong hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; bổ sung thêm quyền cho người lao động; làm rõ hơn về nội dung của hợp đồng cung ứng lao động; giới hạn tổng mức tiền dịch vụ tối đa mà người lao động phải đóng; bổ sung quy định trách nhiệm của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ; quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc quản lý số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài…

Trình bày tham luận qua điểm cầu trực tuyến, bà Deepa Bharathi, Cố vấn trưởng Chương trình An toàn và Bình đẳng: Hiện thực hóa quyền và cơ hội cho nữ lao động di cư tại khu vực ASEAN, đã trích dẫn Nghiên cứu định tính về nữ lao động di cư do Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng (GFCD) thực hiện, từ đó đưa ra phân tích pháp lý theo giới, đề xuất sửa đổi Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài của Chính phủ Việt Nam.

Bà Deepa Bharathi khuyến nghị Việt Nam cần hoàn thiện các quy định liên quan đến các cơ quan tuyển dụng nói chung và công tác đào tạo cũng như bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi đi làm việc ở nước ngoài nói riêng; xóa bỏ các nghĩa vụ phải trả các loại chi phí nhất định nhằm tăng cường nguyên tắc dựa trên quyền và có trách nhiệm giới của luật; bảo đảm quyền của lao động di cư được trở về nước hoặc thay đổi công việc trong trường hợp có vi phạm quyền lao động hoặc quyền con người.

Bà Deepa Bharathi, Cố vấn trưởng Chương trình An toàn và Bình đẳng: Hiện thực hóa quyền và cơ hội cho nữ lao động di cư tại khu vực ASEAN, trình bày tham luận qua điểm cầu trực tuyến.

Theo bà Deepa Bharathi, Việt Nam cần bảo đảm các quy định liên quan đến dịch vụ hỗ trợ việc làm và tạo việc làm sau khi trở về cũng như các dịch vụ tái hòa nhập cộng đồng là dựa trên quyền, có trách nhiệm giới và có thể được tiếp cận như nhau giữa lao động nam và nữ, đặc biệt có thể đáp ứng nhu cầu của người lao động bị bạo lực và quấy rối.

Phát biểu tại Hội thảo, một số đại biểu cho biết người lao động di cư Việt Nam thường không được tiếp cận với những thông tin trung thực và đầy đủ về điều kiện công việc tại nước ngoài trước khi xuất ngoại, vì vậy, Luật cần quy định chặt chẽ về quyền tiếp cận thông tin của người lao động di cư.

Liên quan đến vấn đề tuyên truyền thông tin trong việc bảo vệ người lao động di cư Việt Nam, một số ý kiến đề xuất thiết lập đường dây nóng khẩn cấp để hỗ trợ lao động di cư khi gặp phải các vấn đề về bạo lực, quấy rối, phân biệt đối xử… đồng thời xây dựng hệ thống kết nối cộng đồng lao động di cư để có thể phối hợp chặt chẽ, tương trợ lẫn nhau.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng cần nâng cao vai trò giám sát của Quốc hội và các cơ quan dân cử đối với người lao động di cư Việt Nam, đối với các doanh nghiệp môi giới, các chủ lao động cũng như hoạt động của các cơ quan ngoại giao ở nước ngoài.

Tham gia góp ý tại Hội thảo, một số đại biểu đề nghị cần có biện pháp quản lý chặt chẽ, xác định rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức môi giới việc làm tại nước ngoài; có các biện pháp chăm sóc sức khỏe tinh thần, tư vấn tâm lý cho lao động nữ di cư trước, trong và sau quá trình làm việc tại nước ngoài; xây dựng các chính sách an sinh xã hội, tạo cơ hội làm việc, hỗ trợ thông tin và hòa nhập xã hội cho người lao động sau khi về nước.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lê Thị Nguyệt phát biểu kết luận Hội thảo.

Kết luận Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lê Thị Nguyệt trân trọng cảm ơn các báo cáo viên, chuyên gia trong nước và quốc tế đã tích cực tham gia chia sẻ thông tin và đưa ra các khuyến nghị hoàn thiện pháp luật về lao động di cư. Phó Chủ nhiệm Lê Thị Nguyệt khẳng định Ủy ban sẽ tiếp thu những ý kiến, khuyến nghị xác đáng của các đại biểu tham dự Hội thảo, chỉnh lý, hoàn thiện việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV./.

Bùi Hùng