Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại cuộc làm việc
Cùng đi có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phạm Thúy Chinh; Ủy viên thường trực Ủy ban Xã hội Đinh Ngọc Quý; Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội Phạm Trọng Nghĩa; lãnh đạo Vụ Xã hội...
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là bệnh viện đa khoa trực thuộc trường Đại học Y Hà Nội, được thành lập từ năm 2007. Vừa qua theo quyết định của Bộ Y tế, Bệnh viện điều trị Covid-19 đã được thành lập, trực thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Giám đốc Bệnh viện có trách nhiệm huy động nguồn nhân lực y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, của TP Hà Nội và các nguồn hợp pháp khác để phục vụ việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Bệnh viện điều trị Covid-19 sẽ tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh Covid-19 nặng, nguy kịch do các cơ sở y tế chuyển đến, bảo đảm an toàn, hiệu quả, tuân thủ theo các hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật của Bộ Y tế.
Theo Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Lân Hiếu, hiện nay bệnh viện điều trị Covid-19 đã đi vào hoạt động, nhưng cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã có hiệu lực. Đây là Nghị quyết có tính chất quyết định trong việc thay đổi hoạt động của hệ thống y tế trong phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn mới. Tuy nhiên, Chính phủ chưa ban hành Nghị định để hướng dẫn thực hiện Nghị quyết này. "Nếu chỉ có Nghị quyết, không có hướng dẫn thì chưa thể làm được", Giám đốc Bệnh viện nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Lân Hiếu cũng nêu thực tế hiện đang rất khó khăn trong việc dự toán, thanh, quyết toán kinh phí điều trị Covid-19 và chi phí phòng, chống dịch do chưa có Nghị định hướng dẫn. Mặt khác, nguồn lực con người cũng đang vướng mắc. Đơn cử, Bệnh viện điều trị Covid-19 có 500 giường bệnh, thì ít nhất cần có 500 bác sỹ, điều dưỡng, trong khi chính sách chỉ cho phép huy động, điều động bác sỹ, điều dưỡng - đây là giải pháp trong ngắn hạn; trường hợp nhận thêm cán bộ làm việc trong các bệnh viện điều trị Covid-19, thì khi kết thúc đại dịch, những y, bác sỹ này sẽ như thế nào (?) Do đó, theo Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nên chăng phải có lộ trình để biến Covid-19 thành bệnh lý chuyên khoa, khám chữa bệnh thông thường, không còn dịch bệnh nữa thì bệnh viện điều trị Covid-19 sẽ là cơ sở y tế mang tính chất dịch vụ. Qua đó, cũng huy động thêm y tế tư nhân tham gia vào công tác phòng, chống dịch.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến phát biểu rất thực tiễn và khoa học của Bệnh viện. Chủ nhiệm UB Nguyễn Thúy Anh cho biết, tại Phiên họp thứ Tám vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội và giao Ủy ban Xã hội chịu trách nhiệm thẩm tra. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh ghi nhận, tiếp thu các ý kiến đóng góp, vướng mắc từ thực tiễn của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội về khung giá, chống bạo hành y tế, hướng tới xây dựng nền y tế tự chủ…; khẳng định những đóng góp trực tiếp từ các cơ sở khám, chữa bệnh - đối tượng chịu sự tác động của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) này, sẽ là cơ sở quan trọng để Ủy ban tiếp tục hoàn thiện dự án Luật.
Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh thân thiết gửi gửi lẵng hoa chúc mừng cán bộ, lãnh đạo cùng toàn thể đội ngũ bác sỹ, nhân viên y tế đang công tác tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; chúc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phát triển ngày càng vững mạnh, xứng tầm là bệnh viện trường đại học hàng đầu của cả nước, thực hiện tốt công tác đào tạo học viên, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.