Chuyên gia kỳ vọng: Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2022 cung cấp căn cứ khoa học cho các quyết sách của Quốc hội
Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2022 sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 18/9 tới. Chương trình sẽ góp phần bổ sung thêm luận cứ khoa học, thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tham vấn các chuyên gia trong và ngoài nước. Từ đó có phân tích, dự báo, kịp thời đề xuất các giải pháp chính sách giảm thiểu tác động tiêu cực, nắm bắt các cơ hội, thời cơ, đặc biệt là đối với chính sách tài khóa, tiền tệ, chính sách an sinh - xã hội... Đồng thời có cơ chế kiểm tra, giám sát để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững.
Đặc biệt, trong nội dung chương trình, các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách sẽ thảo luận về vấn đề thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững. Chia sẻ về Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2022, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan mong rằng Diễn đàn sẽ mang tới cái nhìn tổng thể, khách quan, đã chiều, qua đó có thể định hình lại những hệ thống các chính sách xã hội, an sinh xã hội cho tốt hơn, phù hợp hơn với tình hình mới.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan
Phóng viên: Diễn đàn Kinh tế năm 2021 đã được tổ chức thành công tốt đẹp, để lai nhiều dấu ấn, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. Trong lần tổ chức này, chương trình mang cái tên mới là Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022. Theo đại biểu, việc đổi tên này có ý nghĩa như thế nào?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan: Việc đổi tên Diễn đàn Kinh tế - Xã hội lần này có ý nghĩa rất quan trọng. Năm 2021, chủ đề của chương trình cũng liên quan đến phát triển bền vững, nghĩa là dựa trên ba trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường. Tuy nhiên, trong năm 2022 này, nhiều vấn đề xã hội đã nổi lên, lĩnh vực này cũng được lãnh đạo Quốc hội, đặc biệt là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng Ủy ban Kinh tế và các cơ quan có liên quan quan tâm sâu sắc. Tầm quan trọng của việc giải quyết các vấn đề xã hội trong phục hồi và phát triển kinh tế xã hội sau đại dịch là hết sức cấp bách và quan trọng. Do vậy, vấn đề xã hội đã trở thành một chủ đề chính trong Diễn đàn Kinh tế Xã hội năm 2022.
Tôi cho rằng, việc đưa các nội dung, chủ đề liên quan đến các lĩnh vực xã hội vào chương trình sẽ góp phần giúp chúng ta nhận diện rõ hơn các chính sách xã hội trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch, để có thể nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô.
Phóng viên: Diễn đàn Kinh tế Xã hội năm 2022 sẽ thảo luận về nhiều nội dung quan trọng. Với các nội dung do Ủy ban Xã hội phụ trách, đâu sẽ là vấn đề các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách tập trung bàn thảo, thưa đại biểu?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan: Đúng như chủ đề Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022: “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế xã hội”, vấn đề phục hồi và phát triển nền kinh tế là nội dung trọng tâm được các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà quản lý đặc biệt quan tâm, nghiên cứu. Trong lĩnh vực xã hội, Ủy ban Xã hội cùng với các chuyên gia, nhà khoa học tham dự diễn đàn sẽ tập trung đánh giá về các vấn đề xã hội nổi lên sau đại dịch như: vấn đề an sinh xã hội, đặc biệt là việc hỗ trợ, đảm bảo an sinh xã hội cho các nhóm xã hội, người lao động, việc thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội được đảm bảo trong dịch bệnh và phục hồi, phát triển sau đại dịch như thế nào.
Toàn cảnh Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2021
Ngoài ra, chúng tôi cũng đánh giá rõ về các vấn đề liên quan đến phục hồi thị trường lao động. Sau đại dịch, việc phục hồi thị trường lao động là hết sức quan trọng, góp phần thúc đẩy và tăng trưởng kinh tế. Chúng tôi cũng quan tâm đến các vấn đề về bảo trợ xã hội cho các nhóm yếu thế. Đây là nhóm người chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, các nhóm yếu thế như người già, người khuyết tật… gặp rất nhiều khó khăn, nhiều trẻ em trở thành trẻ mồ côi trong đại dịch, những di chứng tâm lý, các vụ bạo lực, tự tử, các vấn nạn liên quan đến bình đẳng giới đều gia tăng. Vì vậy nên công tác bảo trợ xã hội cho nhóm yếu thế là hết sức quan trọng. Chúng tôi sẽ tổng hợp những góc nhìn đa chiều, đánh giá lại kết quả cải thiện các vấn đề xã hội, trên cơ sở đó nhìn nhận tổng thể các chính sách xã hội trong đại dịch đã có bước tiến như thế nào, đưa ra các giải pháp phù hợp để góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững kinh tế, xã hội và môi trường.
Phóng viên: Đại biểu có kỳ vọng như thế nào về chương trình Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022? Kết quả của sự kiện sẽ có ý nghĩa như thế nào với Ủy ban Xã hội trong việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4 tới đây?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan: Tại Kỳ họp thứ 4 tới, Ủy ban Xã hội sẽ phối hợp cùng Ủy ban Kinh tế tham gia thẩm tra báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước. Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2022 sẽ là một dịp trao đổi thẳng thắn, thiết thực để nhìn nhận, đánh giá lại các vấn đề xã hội đã thực hiện trong 8 tháng đầu năm 2022, từ đó ước tính kết quả thực hiện của cả năm, trên cơ sở đó đề ra phương hướng, các giải pháp để thực hiện tốt hơn trong năm 2023.
Bên cạnh đó, tôi kỳ vọng Diễn đàn sẽ cung cấp góc nhìn đa chiều, góp phần đánh giá những kết quả thực hiện các nhiệm vụ về lao động, việc làm, an sinh xã hội trong Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, để nhìn nhận, đánh giá đúng về kết quả, hiệu ứng, tác dụng của các chính sách này trên thực tế đời sống. Theo tôi, hiện nay các chính sách này đã có những cái kết quả tương đối rõ ràng, cụ thể, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Qua rà soát lại các chính sách đã ban hành, tôi mong rằng qua Diễn đàn có thể định hình lại những hệ thống các chính sách xã hội, an sinh xã hội cho tốt hơn, phù hợp hơn với tình hình mới.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!