Phiên họp thứ Tám của UBTVQH

24/04/2008

*Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ KT-XH, triển khai thực hiện nhiệm vụ KT-XH năm 2008: Quan trọng nhất vẫn là chất lượng của tăng trưởng kinh tế *Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2007 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2008: Cơ cấu thu ngân sách chưa bền vững

    *Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2006: Còn khoảng cách khá rộng giữa dự toán ngân sách trung ương phân giao và kế hoạch ngân sách do HĐND tỉnh thông qua.  

 

      Ngày 22.4, tiếp tục Phiên họp thứ Tám của UBTVQH, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, UBTVQH đã nghe Chính phủ và các UB liên quan của QH báo cáo bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ KT-XH năm 2007; Tình hình thực hiện nhiệm vụ KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2008; Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2006.

 

      Báo cáo bổ sung tình hình KT-XH năm 2007 và triển khai thực hiện nhiệm vụ KT-XH năm 2007 và triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2008 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc trình bày. Theo đó, trừ 4 chỉ tiêu về giá trị tăng thêm của ngành nông, lâm, ngư nghiệp, tốc độ tăng tổng kim ngạch nhập khẩu, tốc độ tăng giá tiêu dùng và mức giảm tỷ lệ sinh là không đạt kế hoạch, 19 chỉ tiêu còn lại đều đạt và vượt kế hoạch. Tuy nhiên, từ cuối năm 2007, giá dầu thô và nhiều loại vật tư, lương thực trên thị trường thế giới tăng đột biến, nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm trên quy mô toàn cầu. Chịu tác động tiêu cực của nền kinh tế thế giới, trong quý I năm nay mặc dù, nền kinh tế trong nước vẫn giữ được mức tăng trưởng khá, nhưng thấp hơn so với mục tiêu kế hoạch đề ra; Một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô không ổn định; Chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục tăng; Thị trường chứng khoán giảm sút; Nhập siêu tiếp tục tăng cao; Đầu tư phát triển gặp nhiều khó khăn...  Khẳng định không thể đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế và kiềm chế tốc độ tăng giá tiêu dùng năm 2008 như Nghị quyết của QH, Chính phủ xin được điều chỉnh hai chỉ tiêu này.

 

      Trình bày ý kiến thẩm tra của UB Kinh tế, Chủ nhiệm UB Hà Văn Hiền cho rằng: Chỉ số giá tiêu dùng tăng quá cao, ngoài những nguyên nhân khách quan mà Chính phủ chỉ ra, còn do những hạn chế trong cơ cấu thu chi ngân sách; Bội chi ngân sách vẫn nằm trong giới hạn cho phép của QH nhưng thực chất năm sau cao hơn năm trước đã tích lũy nguy cơ bất ổn về tiền tệ; Chính sách tỷ giá hối đoái giữa đồng Việt Nam với đồng đô la Mỹ chưa linh hoạt cũng góp phần làm cho nền kinh tế nước ta lạm phát ở mức cao hơn so với các nước có cùng điều kiện. Về xuất, nhập khẩu và tình trạng nhập siêu tiếp tục ở mức cao, theo nhận định của UB Kinh tế trong điều kiện phụ thuộc quá lớn vào thị trường thế giới, nước ta đang ở vào thế bất lợi trong cạnh tranh quốc tế, rất khó có thể duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhằm làm giảm nhập siêu trong những năm còn lại của kế hoạch 5 năm. Tổng mức đầu tư toàn xã hội năm 2007 đạt 44%, cao hơn mức báo cáo QH là chỉ tiêu vượt mức kế hoạch. Nhưng theo UB Kinh tế, chỉ tiêu này cần phải được nghiên cứu kỹ cho phù hợp với thực trạng của nền kinh tế. Vì tổng mức đầu tư toàn xã hội những năm qua đều rất cao nhưng hệ số ICOR cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực ở giai đoạn phát triển tương đương. Điều này chứng tỏ hiệu quả đầu tư thấp trong khi đó tăng trưởng kinh tế vẫn dựa nhiều vào việc tăng vốn đầu tư mà chưa chú trọng đến chất lượng đầu tư và hiệu quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Vốn đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhưng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế của doanh nghiệp nhà nước chưa rõ nét, chưa là công cụ định hướng, điều tiết và ổn định thị trường trong tình hình lạm phát tăng cao như hiện nay. UB Kinh tế cũng cho rằng, cần phải hết sức thận trọng trong việc đánh giá các chỉ tiêu xã hội trong điều kiện của năm 2007. Có cùng quan điểm này, nhiều Ủy viên UBTVQH đã tỏ rõ sự băn khoăn trước nhận định có phần hơi... lạc quan của Chính phủ khi cho rằng: Tỷ lệ hộ nghèo giảm ở tất cả các vùng, miền; Đời sống của đại đa số nông dân vẫn giữ ở mức ổn định; Giá hàng lương thực, thực phẩm tăng đã khuyến khích nông dân sản xuất hàng hóa tăng thêm thu nhập... Chủ tịch HĐDT K’ Sor Phước, Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, Chủ nhiệm VPQH Trần Đình Đàn tỏ rõ sự lo ngại về tình trạng tái nghèo có nguy cơ gia tăng khi lạm phát, thiên tai, dịch bệnh trong thời gian qua đã có những tác động tiêu cực đến đời sống của đại bộ phận người dân. Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận gay gắt: Dường như chúng ta đang quá say sưa với những con số và thành tích mà quên mất thực tế đời sống của người dân đang khó khăn như thế nào.

 

      Về việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2008, đa số Ủy viên UBTVQH đồng ý với việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế nhưng cũng cho biết là: Chưa hình dung được Chính phủ căn cứ vào cái gì để kiến nghị điều chỉnh mức tăng trưởng kinh tế xuống còn 7%. Tuy nhiên, Chủ tịch HĐDT K’ Sor Phước nhấn mạnh: Điều chỉnh bao nhiêu không quan trọng mà điều quan trọng nhất vẫn là chất lượng của tăng trưởng.

 

      Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã trình bày báo cáo đánh giá bổ sung về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2007 và tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2008. Năm 2007, thu cân đối NSNN vượt dự toán 12,1% và tăng khá so với năm 2006; Nhờ đó đã tăng nguồn lực đầu tư phát triển, tăng kinh phí thực hiện các nhiệm vụ quan trọng về an ninh, quốc phòng, giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, xã hội; Cơ cấu chi ngân sách tiếp tục có bước phát triển với việc dành khoảng 31% tổng chi cân đối NSNN cho đầu tư phát triển; Bội chi NSNN bằng 4,95%... Báo cáo thẩm tra của UB Tài chính và Ngân sách do Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển trình bày, cơ bản đồng tình với những đánh giá của Chính phủ về thu chi ngân sách năm 2007. Tuy nhiên, cơ cấu thu ngân sách nhà nước vẫn chưa bền vững, còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài, khai thác tài nguyên và bán đất đai; Số thu ngân sách nhà nước từ sản xuất kinh doanh và số thu từ nội địa còn thấp; Đề nghị Chính phủ cần phải giải trình rõ hơn các nguyên nhân giảm thu từ khu vực kinh tế quốc doanh, phí xăng dầu và các loại lệ phí. Về số chi ngân sách vượt dự toán lớn (11,8%), UB Tài chính và Ngân sách nhận định: Một mặt chứng tỏ chất lượng dự toán chi NSNN chưa cao, mặt khác kỷ luật tài chính ngân sách chưa thật nghiêm. Về việc triển khai thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2008, trong bối cảnh lạm phát, giá cả tăng cao, UB Tài chính và Ngân sách nhấn mạnh: Cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các giải pháp đã nêu trong các Nghị quyết của QH về dự toán NSNN năm 2008 và phân bổ ngân sách trung ương năm 2008; Tăng cường công tác chống thất thu ngân sách, phấn đấu tăng thu ngân sách đi đôi với việc thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, bảo đảm hiệu quả đầu tư công và thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên của các cơ quan, đơn vị sử dụng NSNN; Thắt chặt đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản, tăng cường công tác giải ngân, nhất là đối với nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn tín dụng nhà nước, vốn ODA cho vay lại…

 

      UBTVQH cũng đã nghe Bộ trưởng Vũ Văn Ninh trình bày báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2006 và Phó tổng kiểm toán nhà nước Lê Minh Khái báo cáo về kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2006. Trình bày báo cáo thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm UB Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển đánh giá: Chất lượng xây dựng và phân bổ dự toán ngân sách còn nhiều hạn chế và bất cập; Còn có khoảng cách khá rộng giữa dự toán ngân sách trung ương phân giao và kế hoạch ngân sách được HĐND tỉnh thông qua trong năm 2006; Việc chấp hành các quy định về thu ngân sách ở một số địa phương, đơn vị chưa thực sự nghiêm, tình trạng trốn lậu thuế còn phổ biến, số nợ đọng thuế còn lớn, nhiều khoản nợ đọng kéo dài không còn khả năng thu nhưng chậm được xử lý; Công tác quản lý chi đầu tư phát triển tiếp tục bộc lộ nhiều yếu kém chưa được khắc phục như đầu tư dàn trải, phân tán, thời gian thi công kéo dài, hiệu quả công trình thấp; Chi vượt dự toán, vượt chế độ, tiêu chuẩn và định mức, chi không đúng mục đích vẫn tồn tại khá phổ biến, hiệu quả sử dụng ngân sách một số khoản chi chưa cao; Việc phân bổ kinh phí cho các lĩnh vực khoa học, công nghệ đã tuân thủ nghị quyết của QH nhưng việc phân giao ngân sách cho lĩnh vực khoa học, công nghệ còn chậm, phân giao ở một số địa phương chưa kịp thời, hiệu quả sử dụng ngân sách thấp; Số chi chuyển nguồn ngày càng lớn và có xu hướng gia tăng trong điều kiện ngân sách nhà nước bội chi lớn, làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả sử dụng nguồn ngân sách nhà nước... Các Ủy viên UBTVQH cho rằng những tồn tại, hạn chế này không mới, UBTVQH, QH đã có ý kiến nhiều lần nhưng vẫn chưa được khắc phục; Yêu cầu Chính phủ cần thắt chặt kỷ luật tài chính và tài khóa quốc gia; Khẩn trương xử lý các khoản tăng thu, giảm chi theo phát hiện của Kiểm toán nhà nước; Nghiêm khắc kiểm điểm và xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân đối với các khuyết điểm và sai phạm mà Kiểm toán nhà nước đã phát hiện.

P.Thuý

(http://nguoidaibieu.com.vn)