Thủ tướng và các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội

02/06/2008

ND - Ngày 31-5, kỳ họp thứ ba, QH khóa XII bước sang ngày làm việc thứ 22. Với sự điều khiển của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, QH tiếp tục nghe các thành viên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn của các đại biểu QH.

Chống độc quyền của ngành điện, giảm nhập siêu và tăng cường quản lý thị trường

Mở đầu ngày làm việc này, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn của các đại biểu QH cho biết: Tại kỳ họp này, Bộ Công thương đã nhận được ý kiến chất vấn của 45 đại biểu QH và một Ðoàn đại biểu QH về những vấn đề liên quan lĩnh vực công nghiệp và thương mại, như tình hình nhập siêu năm 2008, tình hình cung ứng ngành điện mùa khô 2008, tình hình sử dụng vốn đầu tư của các tập đoàn.

Bộ Công thương đã có văn bản trả lời kịp thời gửi tới các đại biểu QH, Trưởng đoàn đại biểu QH có chất vấn. 

Bộ trưởng Công thương đã báo cáo với QH ba nhóm vấn đề được các đại biểu QH và cử tri cả nước quan tâm là bảo đảm cung cầu các mặt hàng thiết yếu, tình hình xuất nhập khẩu, nguyên nhân nhập siêu và các giải pháp hạn chế, công tác quản lý thị trường.

Sau khi báo cáo bằng văn bản, đã có nhiều đại biểu QH đăng ký chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Công thương tại hội trường. Trả lời câu hỏi của các đại biểu: Phương Thị Thanh (Bắc Cạn), Danh Út (Kiên Giang), Hoàng Văn Em (Quảng Trị) về sự độc quyền của ngành điện trong sản xuất, cung ứng điện, luôn kêu thiếu vốn, nhưng chưa tập trung đầu tư cho lĩnh vực chính mà mở rộng đầu tư ra ngoài lĩnh vực được giao, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, qua kiểm tra, tập đoàn Ðiện lực có liên kết với một số doanh nghiệp khác để mở rộng đầu tư ra ngoài lĩnh vực được giao, như đầu tư vào viễn thông, du lịch dịch vụ... nhưng số vốn đầu tư này hiện mới chỉ chiếm hơn 3% nguồn vốn.

Ðại biểu Phạm Thị Hòa (An Giang) nêu: Nghị quyết của Ðảng đã định hướng đến năm 2020, đất nước sẽ công nghiệp hóa, nhưng ngành điện không ưu tiên đưa điện đến những khu vực nông thôn có nhu cầu, những khu vực khó khăn, trong khi điện ở Nhà máy khí điện đạm Cà Mau mua hết.

Bộ trưởng thừa nhận có tình trạng hạn chế cung cấp điện cho đồng bằng sông Cửu Long. Do đây là vùng sông nước, trong sản xuất lương thực, bà con tự tưới tiêu, nên ngành điện chỉ đầu tư phục vụ cho sinh hoạt và chỉ xây trạm biến áp một pha.

Gần đây, do người dân chuyển đổi cơ cấu như chuyển sang chế biến thực phẩm, nhu cầu cao, đòi hỏi phải có trạm biến áp ba pha. Song địa bàn rộng và mức độ đầu tư lớn nên thời gian làm bị chậm trễ. Nhà máy điện Cà Mau 2 mới đi vào vận hành, công suất 1.500KW sẽ đáp ứng nhu cầu. Bộ trưởng cho biết, một số đại biểu thắc mắc về tăng giá điện, nhưng khẳng định là không có. Mỗi bước đi của ngành điện đều có ý kiến của Bộ, trao đổi ý kiến, thống nhất các phương án. Còn giá điện một số nơi cao là do cơ chế bán điện tự nó gây ra. Giá bán của ngành thấp, nhưng đến người dân lại cao, vì nhiều nơi vẫn duy trì các tổ bán điện, thầu công-tơ tổng và bán cho dân nên để xảy ra thất thoát, hao hụt lớn. Ðề nghị địa phương điều chỉnh để ngành điện bán trực tiếp cho dân và giá đến nông dân đúng giá Nhà nước quy định.

Chất vấn của đại biểu Nguyễn Hoàng Anh (Hải Phòng) về biện pháp phát triển công nghiệp phụ trợ chưa có chuyển biến tích cực, được Bộ trưởng Công thương trả lời là do đầu tư vào lĩnh vực này thấp, nên nhiều ngành, địa phương, doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư.

Chính phủ đã có chương trình, kế hoạch phát triển công nghiệp phụ trợ. Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ phối hợp các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát và hỗ trợ vốn để tập trung phát triển lĩnh vực này. Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Tuyên Quang) về giá thu mua nguyên liệu của tổng công ty giấy thấp hơn thị trường, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân vùng nguyên liệu, Bộ trưởng cho biết, sẽ kiểm tra lại và kiến nghị tổng công ty giấy mua trực tiếp nguyên liệu của nhân dân, không qua các nấc trung gian.

 Ðại biểu Ðỗ Hữu Lâm (Long An) chất vấn về vấn đề bảo đảm an ninh lương thực, được Bộ trưởng Công thương trả lời là: Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương đã cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hiệp hội Lương thực điều hành xuất khẩu khoảng 3,5 triệu tấn gạo đến hết quý III-2008 (tùy tình hình thu hoạch vụ hè thu để quyết định tiếp).

Tại thị trường trong nước, sau biến động giá gạo những ngày cuối tháng 4-2008, đến nay giá gạo trên thị trường đã ổn định dần. Dự báo giá lương thực còn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Mặc dù trong nước hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu, nhưng cần tăng cường quản lý nguồn hàng, nhằm bảo đảm an ninh lương thực, ổn định thị trường, không để xảy ra khan hiếm cục bộ, đặc biệt là phải ngăn chặn bằng được tình trạng đầu cơ và thực hiện tốt việc điều hành xuất khẩu để đạt được hiệu quả cao nhất có thể.

Trả lời chất vấn của các đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Văn Hợp (Hải Dương) về nguyên nhân nhập siêu và giải pháp hạn chế nhập siêu, Bộ trưởng cho rằng, nhập khẩu tăng cao chủ yếu là do số lượng nhập khẩu các nhóm hàng nguyên nhiên vật liệu, thiết bị máy móc phục vụ sản xuất và đầu tư tăng nhanh ; tác động của việc cắt giảm thuế theo lộ trình WTO; nhưng nguyên nhân sâu xa là cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm và còn yếu kém, công nghiệp sản xuất tư liệu sản xuất và công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, tốc độ tăng xuất khẩu thấp hơn tốc độ tăng nhập khẩu; hàng công nghiệp xuất khẩu chủ yếu là gia công lắp ráp và hiệu quả đầu tư thấp.

Ðể kiềm chế và giảm dần nhập siêu, góp phần kiềm chế lạm phát, thực hiện Chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương đã và đang phối hợp các bộ, ngành chức năng có liên quan triển khai các nhóm giải pháp là: đẩy mạnh xuất khẩu, thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng, tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu. Tăng cường đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, thiết bị, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu...

Ðại biểu Vũ Duy Hòa (Thanh Hóa) chất vấn về các biện pháp bảo đảm giá cả thị trường, chống hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng. Bộ trưởng Công thương nêu rõ, thời gian qua, thị trường hàng hóa và dịch vụ diễn biến khá phức tạp, do giá xăng dầu thế giới cùng một số nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng cao; thời tiết không thuận lợi... Giá nhiều loại hàng hóa và dịch vụ đã tăng hơn cùng kỳ.

Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững. Tập trung theo dõi sát diễn biến của thị trường và biến động giá, nhất là giá dầu trên thị trường thế giới; quản lý, kiểm soát chặt chẽ nguồn hàng, chống đầu cơ tăng giá, trục lợi đối với những mặt hàng thiết yếu... Chủ động nắm chắc tình hình cung cầu hàng hóa, lượng hàng dự trữ của các đơn vị kinh doanh đối với 10 mặt hàng thiết yếu...

Bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo tốt hơn đối tượng chính sách

Trả lời bằng văn bản các chất vấn của đại biểu QH, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội (LÐ-TB-XH) Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Ðến ngày 28-5-2008, Bộ LÐ-TB-XH đã nhận được chất vấn của chín đại biểu QH và kiến nghị của một Ðoàn đại biểu QH, liên quan lĩnh vực dạy nghề, việc làm, người có công, chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội; an sinh xã hội, giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội. Bộ LÐ-TB-XH đã có văn bản trả lời gửi đến các đại biểu QH. Riêng vấn đề nợ đọng bảo hiểm y tế và lộ trình thực hiện mục tiêu nhà ở cho công nhân, lao động, Bộ đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, giao cho các cơ quan có thẩm quyền báo cáo và trả lời đại biểu QH bằng văn bản.

 Tại hội trường, nhiều đại biểu QH cũng đã chất vấn trực tiếp Bộ trưởng LÐ-TB-XH. Các đại biểu: Nguyễn Thị Mai (Ninh Thuận), Hoàng Thị Bình (Cao Bằng) chất vấn về việc sáp nhập bộ phận chăm sóc, bảo vệ trẻ em về Bộ có làm ảnh hưởng đến công tác chăm sóc, trẻ em hay không, nhất là đối với số trẻ em bị nhiễm HIV?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sau khi Bộ LÐ-TB-XH tiếp nhận một phần Ủy ban dân số-gia đình và trẻ em, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em vẫn được thực hiện đúng theo chương trình, kế hoạch. Số trẻ em bị nhiễm HIV được ngành và các địa phương tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc ở các trung tâm bảo trợ.

Quan tâm hoạt động xuất khẩu lao động của nước ta trong thời gian qua, đại biểu Võ Tiến Trung (Phú Yên) nêu rõ: Trong công tác xuất khẩu lao động hiện nay, có rất nhiều hiện tượng tiêu cực như lừa đảo lấy nhiều tiền hơn quy định, lừa đảo đưa người lao động đến những nơi làm việc gian khổ với mức lương không thỏa đáng...

Bộ LÐ-TBXH có những giải pháp nào để khắc phục tình trạng đó? Cùng quan tâm vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Vân (Hà Tĩnh) đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp hạn chế việc người lao động Việt Nam ở nước ngoài bị kẻ xấu dụ dỗ, lôi kéo và vi phạm pháp luật.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân trả lời: Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay, có khoảng 450 nghìn lao động Việt Nam đang làm việc tại hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ và hằng năm gửi về nước khoảng 1,7 tỷ USD. Những hiện tượng, vụ việc lừa đảo xuất khẩu lao động đều do các cá nhân và tập thể không được Nhà nước cấp phép hoạt động trên lĩnh vực này gây ra.

Ðể góp phần bảo đảm an toàn cho người lao động Việt Nam ở nước ngoài, Bộ đã đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia có người Việt Nam đến làm việc. Tại những nước này, nhất là những nơi có đông người lao động Việt Nam, các doanh nghiệp, đơn vị thành lập Ban Quản lý, Văn phòng đại diện để qua đó có thể giúp người lao động giải quyết những công việc cần thiết. Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp được phép xuất khẩu lao động để các doanh nghiệp làm tốt chức năng của mình. Trong đó, cần chú trọng việc tuyển chọn lao động có đạo đức, bản lĩnh, nếp sống tốt, tay nghề cao... để có thể chống lại những cám dỗ, sự lôi kéo của kẻ xấu.

Ðại biểu Phạm Ðức Châu (Quảng Trị) gửi tới Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân hai câu hỏi về vấn đề đưa mộ liệt sĩ về quê hương để gia đình chăm sóc và hiện tượng công nhân, người lao động hiện nay đang phải nhận lương thấp, điều kiện lao động thiếu thốn, bị đối xử không công bằng.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Chủ trương để các gia đình đưa mộ liệt sĩ về quê hương chăm sóc hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu chính đáng của các thân nhân. Trên thực tế, hầu hết các nghĩa trang liệt sĩ đã được xây dựng khang trang, thoáng mát và thường xuyên được chăm sóc cẩn thận. Vì vậy, Bộ LÐ, TB và XH không khuyến khích các thân nhân di dời mộ của các liệt sĩ về địa phương vì sẽ gây tốn kém cho các gia đình; trong khi các cơ quan chức năng cũng không khuyến khích việc xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ ở các xã mà chỉ tạo điều kiện để địa phương xây dựng các Ðài tưởng niệm và khắc tên các liệt sĩ lên bia đá.

Về đời sống của công nhân, lao động, Bộ LÐ, TB và XH có quy định cụ thể về mức lương tối thiểu và việc trả lương, còn những vấn đề cụ thể do chủ doanh nghiệp và người lao động cùng nhau thỏa thuận. Bộ có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện đó đã đúng hay chưa.

Hiện nay, công nhân, người lao động đang gặp nhiều khó khăn về nơi ở và điều kiện sinh hoạt. Ðể góp phần giải quyết vấn đề này, sắp tới, Bộ LÐ-TB và XH thí điểm xây dựng nhà ở xã hội ở những nơi có đông công nhân, để từ đó rút kinh nghiệm và nhân rộng. Hiện tượng các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài quốc doanh không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... cho công nhân đang là thực trạng đáng quan tâm.

Việc kiểm tra, thanh tra, giám sát của các cơ quan chức năng thuộc Bộ chưa được thực hiện tốt, do lực lượng mỏng. Lãnh đạo Bộ sẽ tập trung giải quyết vấn đề này trong thời gian tới.

Trước thực trạng lạm phát của đất nước gây nhiều khó khăn cho đời sống người làm công ăn lương, cán bộ về hưu, đối tượng hưởng chính sách... đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Tây), Giàng A Chu (Yên Bái) đề nghị Bộ trưởng cho biết về lộ trình cải cách tiền lương trong năm 2008. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Việc điều chỉnh tăng lương là vấn đề quan trọng, cần dựa vào tình hình kinh tế-xã hội của đất nước, ngân sách của Nhà nước, khả năng và hoạt động của các doanh nghiệp, đơn vị... Trước mắt, cần tập trung thực hiện tốt tám giải pháp kiềm chế lạm phát, đồng thời chú trọng đẩy mạnh các chương trình an sinh xã hội.

Ðại biểu Bùi Ðặng Dũng (Kiên Giang) quan tâm việc xử lý các doanh nghiệp ngoài quốc doanh nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và việc các trí thức trẻ tình nguyện, thanh niên tình nguyện bị mất khi làm nhiệm vụ không được hưởng các chế độ cần thiết.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân trả lời: Trước thực trạng các doanh nghiệp ngoài quốc doanh nợ đọng bảo hiểm, Bộ LÐ, TB và XH cùng các cơ quan liên quan đã có thông tư quy định ngân hàng có thể trích từ tiền gửi của doanh nghiệp đó tại ngân hàng để đóng bảo hiểm cho người lao động. Vấn đề các trí thức trẻ, thanh niên tình nguyện mất khi làm nhiệm vụ, Bộ trưởng cho rằng: Chưa có chính sách liên quan vấn đề này nên các bạn trẻ tình nguyện khi mất chưa được hưởng chế độ gì. Tuy vậy, trong thời gian tới, Bộ cùng cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu để có được những chính sách hợp lý nhất dành cho các trí thức trẻ và thanh niên tình nguyện mất khi làm nhiệm vụ.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân đã trả lời và trao đổi ý kiến với các đại biểu QH về chế độ đối với các thương binh, bệnh binh, người mất sức lao động; tạo điều kiện về xây dựng trường mẫu giáo tại các khu công nghiệp để góp phần giúp các nữ công nhân có điều kiện làm việc tốt hơn; việc cho vay đối với những người đi xuất khẩu lao động. Ðối với những đại biểu QH đã có câu hỏi nhưng chưa thể trả lời tại Hội trường, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sẽ trả lời cụ thể bằng văn bản và gửi tới các đại biểu.

Phấn đấu thực hiện có kết quả mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững

Sau khi năm bộ trưởng-thành viên Chính phủ trả lời chất vấn của đại biểu QH, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày trước QH "Báo cáo giải trình và trả lời chất vấn" theo đề nghị của một số đại biểu QH muốn làm rõ thêm cơ sở của việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng và lạm phát; tiết kiệm chi ngân sách; cắt giảm đầu tư công, giảm nhập siêu; việc một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty đầu tư vốn vào chứng khoán, ngân hàng và bất động sản, vấn đề bảo đảm an sinh xã hội trong chống lạm phát... Ðồng thời làm rõ thêm tình hình kinh tế-xã hội của đất nước, các giải pháp Chính phủ đang thực hiện để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Kinh tế tháng 5 tiếp tục đà phát triển khá, một số lĩnh vực có tiến bộ. Vụ lúa đông xuân phía nam thu hoạch tăng cả về năng suất (3,7%) và sản lượng (5,8%), lúa đông xuân phía bắc đang phát triển tốt, diện tích cây lương thực và rau màu cả nước tăng khá; đàn lợn giảm 3% do dịch tai xanh nhưng đàn bò tăng 3%, đàn gia cầm tăng 6%. Giá trị sản lượng công nghiệp tháng 5 tăng 3,4% so với tháng 4, tính chung năm tháng đầu năm tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2007. Giá trị xuất khẩu năm tháng đầu năm tăng, tổng kim ngạch 23,4 tỷ USD, nhập khẩu tháng 5 đã giảm; đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng cao, với tổng vốn đăng ký hơn 7,4 tỷ USD...

Về giá cả, hầu hết giá các nhóm hàng hóa và dịch vụ tháng 5 đã giảm nhẹ, riêng giá lương thực tăng đột biến tới 22,19% làm cho giá tiêu dùng tháng 5 tăng cao (3,91%), và giá tiêu dùng năm tháng tăng 19, 09% so với cùng kỳ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm rõ những căn cứ việc Chính phủ đề nghị QH điều chỉnh GDP năm 2008 là khoảng 7%; đồng thời tích cực phấn đấu kiềm chế lạm phát và tốc độ tăng giá; bằng các biện pháp tổng hợp đưa tốc độ tăng giá tiêu dùng theo hướng giảm dần để xuống một con số trong vài năm tới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phân tích kỹ hơn việc Chính phủ đang tập trung thực hiện đồng bộ tám nhóm giải pháp để kiềm chế lạm phát (được nhiều đại biểu QH chất vấn và đồng bào cả nước quan tâm). Trong đó có việc rà soát, điều chỉnh đầu tư công, đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ và đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước; thực hiện triệt để tiết kiệm chi thường xuyên từ nguồn ngân sách.

Về hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, sau một quá trình sắp xếp, đổi mới và phát triển DNNN, hiện nay cả nước có tám tập đoàn kinh tế, 96 tổng công ty Nhà nước, nhìn chung kết quả sản xuất, kinh doanh đạt khá, giá trị sản lượng hàng hóa, dịch vụ chiếm 40% GDP, đóng góp 28,8% tổng thu nội địa.

Vừa qua, một số ý kiến lo ngại về tình hình huy động vốn, và một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước đầu tư kinh doanh bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, có 13 tập đoàn, tổng công ty đầu tư vào các quỹ đầu tư chứng khoán và tài chính, với tổng giá trị 1.061 tỷ đồng, bằng 0,31% vốn chủ sở hữu và bằng 0,13% tổng giá trị tài sản của các doanh nghiệp này. Có 19 tập đoàn, tổng công ty góp vốn thành lập Ngân hàng Thương mại cổ phần với tổng giá trị đầu tư 4.426 tỷ đồng, bằng 1,3% vốn chủ sở hữu và bằng 0,55% tổng giá trị tài sản. Có 13 tập đoàn, tổng công ty góp vốn thành lập 15 công ty chứng khoán với tổng giá trị đầu tư 420 tỷ đồng, bằng 0,12% vốn chủ sở hữu và bằng 0,05% tổng giá trị tài sản. Có 18 tập đoàn, tổng công ty góp vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản với 1.463 tỷ đồng, bằng 0,43% vốn chủ sở hữu và bằng 0,18% tổng giá trị tài sản của chính các doanh nghiệp này.

Xét chung, tổng vốn đầu tư vào ba lĩnh vực trên là 7.370 tỷ đồng, không nhỏ, nhưng cũng không cao so với vốn chủ sở hữu và tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp. Chính phủ sẽ kiểm soát chặt chẽ việc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư vào kinh doanh chứng khoán, ngân hàng và bất động sản.

Về các giải pháp giảm nhập siêu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Tỷ lệ nhập siêu bốn tháng đầu năm 2008 ở mức 64,7% là quá cao, Chính phủ kiên quyết giảm nhập siêu, biện pháp chủ yếu là tăng mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng phân tích rõ hơn việc điều hành giá cả, bảo đảm an ninh lương thực và cải thiện đời sống của nông dân.

Ðối với các mặt hàng do Nhà nước trực tiếp quản lý giá, việc điều chỉnh giá phải căn cứ vào kết quả chống lạm phát, và các yếu tố khác. Quan điểm của Chính phủ là, không điều chỉnh đồng loạt giá trong một thời điểm, mà có lộ trình, bước đi phù hợp.

Riêng đối với mặt hàng giá xăng dầu, do giá đang tăng cao và biến động rất phức tạp, việc bù lỗ hiện nay là rất lớn. Trong tình hình lạm phát hiện nay, việc xử lý giá xăng dầu cần được cân nhắc cẩn trọng, dựa trên khả năng bù lỗ của ngân sách; kết quả kiềm chế lạm phát và tác động của việc điều chỉnh giá xăng dầu đến giá các mặt hàng khác. Việc điều hành giá lương thực cũng được Chính phủ đặc biệt quan tâm.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, năm nay tổng sản lượng lúa dự kiến đạt 36,5 triệu tấn, bảo đảm đủ lương thực cho tiêu dùng trong nước, có thể xuất khẩu 4,2 triệu tấn gạo. Chính phủ chủ trương phải bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, giữ giá gạo trong nước ở mức hợp lý, tiêu thụ hết lúa hàng hóa với giá có lợi cho nông dân, và xuất khẩu gạo với số lượng và tiến độ phù hợp.

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh phải làm tốt công tác thông tin thị trường, chủ động ngăn chặn đầu cơ nâng giá, trong đó vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng là rất quan trọng. Chính phủ khuyến nghị nhân dân tin tưởng vào thông tin chính thức của các cơ quan Nhà nước, thận trọng trước những thông tin không rõ nguồn gốc, kiên quyết xử lý nghiêm minh việc đưa thông tin sai lệch, gây mất ổn định thị trường, và trục lợi.

Trong điều kiện chống lạm phát, Chính phủ đã và sẽ hoàn thiện các chính sách hỗ trợ người có công, người nghèo, người về hưu nhằm bảo đảm tốt hơn an sinh xã hội của đất nước; sẽ điều chỉnh chuẩn nghèo, đề ra chương trình, giải pháp giảm nghèo theo chuẩn mới có hiệu quả và bền vững hơn, đồng thời tiếp tục cải cách tiền lương, cải thiện đời sống của cán bộ công chức và lực lượng vũ trang.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh trách nhiệm của Chính phủ, các thành viên Chính phủ trong việc tổ chức thực hiện các giải pháp về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Giá cả tăng cao làm cho đời sống của nhân dân ta khó khăn thêm, nhất là người nghèo, người lao động có thu nhập thấp. Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ với đồng bào và thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, càng phải ra sức phấn đấu quyết liệt để kiềm chế lạm phát.

Thủ tướng đề nghị QH, các vị đại biểu QH ủng hộ các biện pháp của Chính phủ, đồng thời tăng cường công tác giám sát ở các ngành và địa phương, giúp Chính phủ thực hiện được các chỉ tiêu kinh tế-xã hội mà Nghị quyết QH đề ra.

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao hiệu quả đạt được trong hai ngày QH thực hiện việc chất vấn và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ, làm cho QH gần cử tri và nhân dân hơn. Qua chất vấn và trả lời chất vấn, đã làm rõ hơn tình hình kinh tế-xã hội của đất nước, nêu cao trách nhiệm của QH, của Chính phủ trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế-xã hội, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững.

 

(http://www.nhandan.com.vn/)

Các bài viết khác