Chất vấn và trả lời chất vấn ở Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thành thông lệ: Đánh giá cho rõ sẽ tìm ra cách khắc phục

22/08/2013

Ghi chép tổng hợp của phóng viên tại phiên chất vấn ngày 20-8-2013 của Ủy ban thường vụ Quốc hội phiên họp thứ 20

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu chỉ đạo Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của UBTVQH - Ảnh: Quang Khánh

 

 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: Chương trình xây dựng luật, chất lượng văn bản và tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn đều có tiến bộ, có chuyển biến

 

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thay đi đổi lại như thế thì chương trình ấy tốt hay dở?

 

Bộ trưởng đánh giá: chương trình xây dựng pháp luật ban hành ở QH chạy ra chạy vào, thay đi đổi lại như thế thì chương trình ấy tốt hay dở, không có kỳ họp nào không sửa đi sửa lại? Còn nguyên nhân thì nhiều, khi chuẩn bị để đưa dự án luật vào chương trình thì rất hay, nhưng đề nghị rút ra khỏi chương trình cũng rất hay, bổ sung vào cũng rất hay. Bộ trưởng đánh giá chương trình ấy có tốt không, hay là xấu, hay là dở, mức độ thế nào?

 

Bộ trưởng đánh giá chất lượng văn bản pháp luật bây giờ thế nào: tốt, tốt hơn, chưa tốt, có nhiều vi phạm đối với văn bản cấp trên, đối với luật, pháp lệnh, đối với Hiến pháp hay là nghị quyết của QH...?

 

Về tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, Bộ trưởng đánh giá xem tình trạng chậm hướng dẫn để thi hành văn bản pháp luật thế nào, nghiêm trọng hay có tiến bộ? Nhưng thực tế cho thấy còn rất nhiều tồn tại, khuyết điểm, khối lượng lớn văn bản hướng dẫn chưa được ban hành và tình hình xấu. Chính điều này cản trở việc thi hành pháp luật. Đề nghị Bộ trưởng đánh giá cho rõ thì chúng ta sẽ tìm cách khắc phục được. Nghị quyết của QH có giá trị như luật, mà không thực hiện thì có phải vi phạm pháp luật không? Vấn đề đánh giá như thế thì Bộ trưởng có thấy trách nhiệm của mình không và có định làm cho tốt không và làm gì?

 

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Chúng tôi đánh giá chung thấy tất cả trên ba mặt này đều có tiến bộ, có chuyển biến

 

Chúng tôi cho rằng, thực hiện chương trình, mặc dù có chuyện rút hoặc lùi hoặc bổ sung..., nhưng kết quả là ngày càng có nền nếp hơn. Theo dõi việc này đã lâu thì thấy rằng trong nhiệm kỳ QH Khóa XIII này, chúng ta ngày càng thực hiện tốt hơn. Tuy nhiên về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thì ngay đầu nhiệm kỳ này, Chính phủ đã đề nghị nên xem xét lại có cần thiết phải có chương trình 5 năm hay không. Cuối cùng QH vẫn quyết định là có chương trình 5 năm. Tất nhiên hiện nay chúng ta đang trong quá trình xây dựng hoàn thiện cả một hệ thống nên tôi cũng chia sẻ ý là có chương trình 5 năm để chúng ta tập trung nguồn lực. Tuy nhiên, cũng không giống nước nào cả, tôi nghĩ rằng về lâu, về dài thì nên trên cơ sở Nghị quyết của Đại hội Đảng 5 năm một lần và chương trình hành động của QH nhiệm kỳ thì nên có định hướng chương trình cho 5 năm. Còn hàng năm thì cần thiết và chuyện bổ sung cũng cần thiết, bởi vì có thể nó phúc đáp những vấn đề cụ thể của kinh tế - xã hội. Ví dụ, vừa rồi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị và Chính phủ cũng đã đề nghị với QH và QH cũng đã thông qua sửa đổi một điều là Điều 170 của Luật Doanh nghiệp để phúc đáp vấn đề đầu tư nước ngoài. Tôi thấy cũng rất khẩn trương, tích cực và QH cũng thông qua dự thảo Luật này với tỷ lệ rất cao.

 

Chất lượng văn bản, xin báo cáo là ngày càng tốt hơn, nhất là qua khâu thẩm định. Những vi phạm lớn mà những năm trước đây bức xúc, chẳng hạn như liên quan đến quyền sở hữu của người dân quy định trong Hiến pháp, vấn đề bao nhiêu xe máy đăng ký... hiện nay không còn nữa. Tuy nhiên cũng còn việc này, việc khác, nhất là tính hợp lý và tính khả thi của một quy định.

 

Vấn đề chậm hướng dẫn, riêng năm 2013 có đột xuất như vậy. Còn chúng ta cũng thống nhất với nhau rằng bây giờ thì kỷ cương chỗ này cũng chặt chẽ rồi, tức là luật, pháp lệnh có hiệu lực trực tiếp, trừ những quy định nào mà giao hướng dẫn thì do chậm hướng dẫn đúng là cũng có ảnh hưởng nhất định. Nhưng trên tinh thần cái gì thuộc về chính sách, kể cả chậm hướng dẫn thì cũng hồi tố để thực hiện đúng ngày mà luật hoặc pháp lệnh của QH, UBTVQH quyết định.

 

Chúng tôi đánh giá chung thấy tất cả trên ba mặt này đều có tiến bộ, có chuyển biến và với nghị định mới về Bộ Tư pháp thì về cơ bản hiện nay đã khép kín một quy trình mà Chính phủ đã giao cho Bộ Tư pháp và chúng tôi có trách nhiệm về vấn đề này, cho nên cũng đã thực hiện, tới đây sẽ thực hiện nữa. Trong báo cáo chúng tôi có nêu một số đề xuất nữa để giải quyết đồng bộ vấn đề này và chúng tôi cũng nghĩ rằng sẽ có những cố gắng, chuyển biến nữa.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý: Bộ trưởng cho biết, bao giờ chấm dứt những tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật?

 

Bộ trưởng có nói, tình trạng các dự án luật, pháp lệnh đã đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH nhưng còn rút ra tương đối dễ dãi. Rồi chất lượng văn bản hiện nay nói chung có tiến bộ nhưng cũng còn nhiều văn bản chất lượng yếu và có những trường hợp như tại Hội nghị thẩm định của Bộ Tư pháp nói có những dự thảo ngôn từ ngô nghê hoặc luộm thuộm và nhất là văn bản quy định chi tiết thi hành thì hiện nay còn nợ nhiều, tồn đọng nhiều, chậm ban hành và có nhiều văn bản không phù hợp. Như vậy, bao giờ thì chấm dứt được tình trạng đó và Chính phủ có đặt vấn đề này ra không? Là người tham mưu cho Chính phủ trong vấn đề này, Bộ trưởng nói năm 2012 có tiến bộ, năm 2013 cũng vậy, vậy thì năm 2014, 2015 có chấm dứt được tình trạng nêu trên không? Việc chấm dứt ở đây không phải là ý muốn mà đây là luật quy định.

 

Liên quan đến trách nhiệm, trong Báo cáo của Bộ trưởng nói nhiều về nguyên nhân, nhưng theo tôi một nguyên nhân chủ yếu là trách nhiệm chủ quan của các Bộ trưởng, của các thành viên Chính phủ trong vấn đề này. Bộ trưởng, với tư cách tham mưu trong vấn đề này, đã đề xuất với Chính phủ để khắc phục tình hình này như thế nào, có khắc phục được không?

 

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Chúng tôi sẽ cố gắng giảm thiểu, có những tiến bộ nữa trong những năm còn lại của nhiệm kỳ này và cố gắng để cho nền nếp vào đầu nhiệm kỳ tới

 

Đại biểu Phan Trung Lý có trích dẫn phát biểu của một thủ trưởng đơn vị của Bộ chúng tôi tại hội nghị bàn về công tác tăng cường và cải thiện tình hình thẩm định văn bản quy phạm pháp luật vừa rồi là văn ngô nghê, vừa trình, vừa thẩm định… Xin thưa đây là một đồng chí nói về câu chuyện 10 năm trở về trước và bản thân đồng chí không làm thẩm định văn bản quy phạm pháp luật nữa, mà đồng chí phụ trách lĩnh vực khác rồi. Đây là báo chí giật tít thôi. Đồng chí đó kể câu chuyện 10 năm trở về trước và bây giờ không còn trường hợp này nữa và có tiến bộ.

 

Còn bao giờ chấm dứt tồn tại, bất cập, hạn chế trong công tác xây dựng thẩm định, thì với Nghị định 22 của Chính phủ từ ngày 13.3 vừa rồi gần như giao trọn gói cho Bộ Tư pháp, chỉ còn thông tư và thông tư liên tịch. Chúng tôi cũng đã bàn với nhau rất nhiều giải pháp. Chúng tôi sẽ cố gắng để làm sao đó giảm thiểu, có những tiến bộ nữa trong những năm còn lại của nhiệm kỳ này và cố gắng để cho nền nếp vào đầu nhiệm kỳ tới.

 

Tôi xin báo cáo một ý mà Chánh án Tòa án nhân dân tối cao rất tha thiết trong sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này: không có nước nào mà lại phải ban hành thông tư nhiều như đất nước chúng ta bởi vì người ta thừa nhận cho tòa án có quyền giải thích pháp luật, thừa nhận cho Tòa án tối cao được quyền qua giám đốc thẩm xây dựng án lệ coi như là sáng tạo pháp luật. Cuộc sống muôn hình vạn vẻ. Pháp luật chúng ta xây dựng chỉ là cái chung nhất thôi. Nếu được thừa nhận việc đó, tôi nghĩ sắp tới chúng ta sẽ thay đổi hẳn quan điểm về vấn đề thông tư. Nếu không phải ban hành thông tư hoặc ít phải ban hành thông tư thì tôi cho đấy là điều rất quan trọng để có thể chấm dứt được tình trạng như vậy. Bao giờ chấm dứt - nếu còn tiếp tục như thế này không thừa nhận vai trò giải thích pháp luật của tòa án, không để Tòa án tối cao xây dựng án lệ thì chúng tôi nghĩ rất khó. Khách quan là như vậy.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai: Tại sao những chính sách pháp luật rất cụ thể, rất rõ ràng rồi vẫn không đi vào cuộc sống được?

 

Câu chuyện luật đi vào thực tiễn cuộc sống như thế nào? - tôi nghĩ có 2 góc độ. Một là các chính sách pháp luật được ghi nhận trong văn bản luật chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, xa vời. Việc này Bộ trưởng cũng đã trao đổi với các ĐBQH rất nhiều. Tôi muốn đề cập góc độ thứ hai là có thể chính sách pháp luật đáp ứng được, nhưng quá trình tổ chức thực thi lại chưa đáp ứng được. Hiện nay, các văn bản luật đều “án binh bất động”, mặc dù đã khắc phục một phần bằng việc điều khoản thi hành Luật nêu Chính phủ hướng dẫn những điều luật nào đã được ghi nhận trong văn bản luật. Nhưng trên thực tế hiện nay, toàn bộ vấn đề đó được thực thi theo kiểu trọn gói, không một chính sách nào cụ thể trong một văn bản luật đúng ngày có hiệu lực lại có hiệu lực mà còn phải chờ các văn bản dưới luật. Ví dụ Pháp lệnh Người có công, quá trình bàn, thảo luận rất kỹ và đưa ra thời điểm có hiệu lực là tháng 9.2012 và cho 3 chính sách được vận hành trước, các chính sách sau thì vận hành từ ngày 1.1.2013. Ba chính sách vận hành trước là đối với những người già yếu, lớn tuổi có công với cách mạng, người bị bắt tù đày chuyển sang trợ cấp hàng tháng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng phải có người giúp đỡ và người nhiễm chất độc hóa học 80% trở lên phải có người hỗ trợ. Đây là chính sách rất cấp thiết, nhưng cuối cùng vẫn không vận hành được vì thiếu nghị định hướng dẫn. Hay quy định về chế độ thai sản trong Bộ luật Lao động việc thực hiện cũng rất lúng túng.

 

Tôi xin hỏi cơ chế gì, cách thức gì để chúng ta đưa những chính sách rất cụ thể trong văn bản luật đi vào cuộc sống, chứ không phải là trọn gói như từ sáng tới giờ Bộ trưởng Bộ Tư pháp nói hay Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói. Đây là các anh đang nói luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư. Nhưng còn những chính sách rất cụ thể, rõ ràng rồi, tại sao vẫn không đi vào cuộc sống được? 

 

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Nếu làm được như vậy thì rất tốt nhưng chắc cũng khó

 

Đại biểu Trương Thị Mai tập trung vào những quy định liên quan đến lĩnh vực xã hội, pháp lệnh người có công, Bộ luật Lao động hướng dẫn chậm... Chúng tôi cũng xin được báo cáo là trong tình trạng chung vừa rồi nó có câu chuyện như vậy. Nhưng tôi xin thưa là Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Người có công năm 2012 vừa rồi ta để hiệu lực cũng quá ngắn, có 2 tháng là có hiệu lực. Trong khi đó bao giờ cũng thế, có quy trình là: có pháp lệnh, có nghị định và thông tư nữa. Cho nên báo cáo với đại biểu Trương Thị Mai như vậy là hoàn tất rồi. Theo pháp lệnh này thì Chính phủ phải ban hành 13 văn bản. Đối với người có công thì liên quan đến rất nhiều về chế độ chính sách, thậm chí kể cả kinh phí ngân sách và đối tượng cụ thể xác định như thế nào? Cho nên đòi hỏi phải có hướng dẫn chứ nếu mà gọi là Pháp lệnh quy định rất cụ thể vào đấy để cuối cùng vận dụng ngay thì tôi nghĩ chắc cũng khó. Nếu làm được như vậy thì rất tốt nhưng chắc cũng khó.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển: Tôi rất băn khoăn khi Bộ trưởng nói rằng, Bộ Tư pháp có phát hiện rất nhiều vấn đề liên quan đến tính khả thi, tính hợp lý của văn bản QPPL nhưng Bộ chỉ có nhiệm vụ thuyết phục cơ quan chỉnh lý...

 

Tôi đánh giá rất cao những cố gắng của Bộ Tư pháp trong công tác thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật. Tôi cũng đánh giá cao tính thẳng thắn và quyết đoán của Bộ trưởng. Tuy nhiên tôi rất băn khoăn khi trong Báo cáo 192 của Bộ trưởng để phục vụ cho phiên chất vấn này Bộ trưởng cho rằng: Bộ Tư pháp đã phát hiện rất nhiều vấn đề liên quan đến tính khả thi, tính hợp lý của các văn bản quy phạm pháp luật, nhưng Bộ chỉ có nhiệm vụ là thuyết phục các cơ quan chỉnh lý còn người ta vẫn cứ tiến hành thực hiện theo nhiệm vụ của người ta hoặc theo cách thức của người ta. Có nhiều văn bản quy phạm pháp luật, Bộ cũng phát hiện ra là có sai với luật nhưng Bộ cũng chỉ dừng ở mức độ nhắc nhở, phê bình, góp ý chứ không có một biện pháp nào đề nghị xử lý ở mức cao hơn. Khi đã ban hành các văn bản trái với quy định của pháp luật thì dẫn tới thiệt hại về kinh tế, về xã hội, tại sao Bộ Tư pháp lại chỉ dừng ở mức độ nhắc nhở, phê bình? Phải chăng Bộ làm chưa hết trách nhiệm và có phần nể nang? Trách nhiệm của Bộ trưởng trong vấn đề này như thế nào?

 

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Chúng tôi rất kiên quyết nhưng kết luận được vấn đề đúng sai, hợp lý hay không hợp lý lại một câu chuyện nữa.

 

Từ đầu nhiệm kỳ cho đến hết tháng 7.2013 trong tổng số 1.670 văn bản của các bộ thì Bộ Tư pháp đã phát hiện có 172 văn bản có vi phạm, trong đó chỉ có 24 văn bản vi phạm về nội dung. Chúng tôi có kèm theo đây là 18 văn bản đã có trình bày với các bộ, các ngành và các bộ, các ngành cũng có cái sửa. Về nội dung, chúng tôi rất kiên quyết, thậm chí có những vấn đề vừa qua đã báo cáo Chính phủ và thậm chí nghị định của Chính phủ, vừa rồi cũng khuyến khích nghị định ban hành không phù hợp, nó trái thì Chính phủ cũng xin tiếp thu ngay. Cho nên Chính phủ cũng đã chỉ đạo vấn đề sửa họ tên của cha mẹ trong chứng minh nhân dân, hiện nay đang sửa nghị định về tang lễ cán bộ công chức cũng theo hướng có những quy định thấy rằng cũng khó khả thi như vậy. Những gì thuộc về thẩm quyền của Thủ tướng, những gì thuộc về nội dung, Bộ Tư pháp cũng đã có cố gắng để có báo cáo nhưng còn nói rằng nể nang nhau gì đó thì cũng không hoàn toàn như vậy, nhưng kết luận được vấn đề đúng sai, hợp lý hay không hợp lý lại một câu chuyện nữa. Nếu như đại biểu nào lúc nãy nêu nếu có tố tụng ở đây, người ta có quyền bào chữa, người ta có quyền thuyết trình, người ta có quyền phản biện chắc là câu chuyện hiệu lực sẽ cao hơn, kết quả cao hơn.                   

 

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang: Sai phạm về cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản chủ yếu là ở các địa phương, các địa phương cần hết sức rút kinh nghiệm.

 

Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc Danh Út: Với chức năng Bộ quản lý chuyên ngành, Bộ trưởng có xử lý những người, những cơ quan vi phạm Luật Khoáng sản hoặc kiến nghị Chính phủ xử lý không?

 

Từ khi Luật Khoáng sản có hiệu lực thi hành đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp 71 giấy phép khai thác khoáng sản, UBND tỉnh đã cấp 957 giấy phép khai thác khoáng sản. Việc khai thác khoáng sản có phép là đúng pháp luật, là dấu hiệu tích cực trong quản lý nhà nước đối với khoáng sản. Tuy nhiên, việc cấp phép thăm dò và khai thác khoáng sản trong 17 tháng qua (1.7.2011 – 31.12.2012) cũng đã cho thấy có quá nhiều vi phạm Luật Khoáng sản. Theo thông tin, trong số 957 giấy phép đã cấp có từ 50% trở lên là vi phạm Luật Khoáng sản. Điển hình như: cấp phép thăm dò khoáng sản ở khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhưng không thông qua hình thức lựa chọn tổ chức cá nhân (vi phạm Khoản 3 Điều 36 và Khoản 2 Điều 40 Luật Khoáng sản) hoặc cấp phép khi hồ sơ không có giấy chứng nhận đầu tư (vi phạm Khoản 1 Điều 59 Luật Khoáng sản)...

 

Xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân dẫn đến những sai phạm trên? Với chức năng Bộ quản lý chuyên ngành, Bộ trưởng có xử lý những người, những cơ quan vi phạm hoặc kiến nghị Chính phủ xử lý không? Giải pháp tới đây như thế nào để quản lý tốt hơn tài nguyên khoáng sản?

 

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Sai phạm chủ yếu là ở các địa phương, các địa phương cần hết sức rút kinh nghiệm

 

Việc triển khai cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản sau khi Luật Khoáng sản có hiệu lực từ ngày 1.7.2011 đến nay, có một số số liệu chúng tôi thấy rằng, mặc dù đã có chuyển biến tích cực trong công tác quản lý cấp phép khai thác khoáng sản, tuy nhiên tình hình vẫn rất phức tạp.

 

Năm 2013, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, chúng tôi đã thành lập 8 đoàn kiểm tra việc cấp phép ở các địa phương. Cấp phép không đúng thẩm quyền là 103 giấy phép; cấp phép khi chưa có quy hoạch được duyệt là 37 giấy phép; cấp phép cho đối tượng không có đăng ký kinh doanh hành nghề thăm dò, khai thác khoáng sản là 52 giấy phép; cấp phép không qua lựa chọn tổ chức cá nhân ở các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản là 120 giấy phép; cấp phép cho dự án không có đầu tư phê duyệt là 196 giấy phép; cấp phép nhưng không có giấy chứng nhận đầu tư dự án là 345 giấy phép; cấp phép nhưng không có báo cáo đánh giá tác động môi trường là 29 giấy phép... Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có nhiều. Sau khi kiểm tra, tại phiên họp tháng 7 của Chính phủ, chúng tôi đã có báo cáo kết quả kiểm tra công tác thăm dò khai thác khoáng sản, Chính phủ đã có ý kiến đối với một số tỉnh cần tuân thủ quy định pháp luật trong công tác; đồng thời đề nghị 9 tỉnh thu hồi giấy phép không đúng quy định, 10 tỉnh xem xét bổ sung điều chỉnh quy hoạch cho khu vực hoạt động có quản lý cấp phép, 11 tỉnh tạm đình chỉ khai thác cấp giấy phép các khu vực chưa có kết quả thăm dò phê duyệt trữ lượng khoáng sản. Thủ tướng yêu cầu các tỉnh có những vi phạm trên đây đến ngày 30.11.2013 phải báo cáo kết quả xử lý sai phạm cho Bộ Tài nguyên và Môi trường. Còn Bộ Tài nguyên và Môi trường có cấp phép theo đúng quy định của pháp luật.

 

Thời gian qua có 2 lĩnh vực vi phạm nhiều. Một là vàng, chủ yếu là vàng sa khoáng. Còn vàng gốc theo Chỉ thị 02 của Thủ tướng cho phép đối với dự án thăm dò khai thác nguồn gốc, riêng vàng sa khoáng ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, phá hoại sản xuất của khu vực dân cư đó. Khai thác trái phép vàng sa khoáng thời gian qua diễn ra chủ yếu ở các tỉnh miền núi, nơi có điều kiện đào đãi vàng sa khoáng, đồng bào dân tộc miền núi còn rất nhiều khó khăn nên người ta có làm chút ít để giải quyết đời sống. Chuyện đó là có thật. Nếu so với trước đây, tình hình bây giờ chuyển biến tương đối tốt, các tỉnh giải quyết rất quyết liệt vì họ thấy tác hại. Về mặt tuyên truyền, bảo đảm nhận thức thời gian qua chúng ta làm tương đối tốt. Đối với vấn đề khai thác cát sỏi, thời gian qua, các vụ vi phạm tương đối nhiều, báo chí nêu khá nhiều. Cần tăng cường công tác quản lý địa phương. Nhìn chung vấn đề cát, sỏi, vàng thời gian qua vi phạm khá nhiều. Đây là trách nhiệm của chúng tôi về quản lý. Tuy nhiên trách nhiệm chính là của địa phương vì vấn đề cát sỏi thuộc thẩm quyền của địa phương.

 

Trong 957 giấy phép cấp sai phạm chủ yếu của địa phương. Có địa phương cố tình làm trái. Các Bộ trên này không có thẩm quyền để cấp phép. Các địa phương cần hết sức rút kinh nghiệm.

 

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai Hà Sơn Nhin: Chủ trương, giải pháp của Bộ trong thời gian tới như thế nào để tham mưu với Chính phủ chỉ đạo, giải quyết cơ bản vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc?

 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai, diện tích đất do các  nông, lâm trường quản lý, sử dụng chiếm tỷ lệ lớn, nhưng nhìn chung hiệu quả kinh tế ở một số đơn vị nông lâm trường chưa cao, còn lãng phí. Bên cạnh đó, về phía địa phương, do tăng dân số tự nhiên và dân di cư tự do nên tình hình đất sản xuất, đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số rất bức xúc. Đề nghị Bộ trưởng cho biết, chủ trương, giải pháp của Bộ trong thời gian tới như thế nào để tham mưu với Chính phủ chỉ đạo, giải quyết cơ bản vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc vùng Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng?

 

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Cần quan tâm đến việc giải quyết đất cho đồng bào dân tộc, bao gồm đất sản xuất cũng như đất ở

 

Thời gian qua, vấn đề đất nông, lâm trường đã từng bước được sắp xếp lại. Phải nói rằng, nông, lâm trường thời vừa qua có nhiều đóng góp cho quá trình đi lên của nền kinh tế nước ta. Tuy nhiên, do đặc điểm hoạt động của nông, lâm trường khi chuyển sang cơ chế thị trường gặp rất nhiều khó khăn nên có thể nói, hiệu quả sử dụng đất ở đây khá thấp. Chúng tôi xin nêu một số biện pháp quản lý đất nông lâm trường như sau: một là, tập trung chỉ đạo tiếp tục rà soát, đánh giá lại thực trạng tình hình sử dụng đất nông, lâm trường ở mỗi địa phương; trên cơ sở đó rà soát, điều chỉnh lại đề án sắp xếp và đổi mới nông lâm trường. Đây là chủ trương chung. Hai là, đề nghị những nông, lâm trường sử dụng đất không hiệu quả trả lại đất để bàn giao địa phương quản lý, giao cho người khác sử dụng. Tuy nhiên, thực chất hiện nay, đất của các nông, lâm trường đã giao các hộ gia đình, cơ bản là khoán hết. Bây giờ chúng ta sẽ xử lý những vấn đề này. Ba là, kiên quyết thu hồi đối với những diện tích đất để hoang hóa, thu mua, sử dụng và sử dụng không đúng mục đích diện tích hoang hóa rừng cây, diện tích cho thuê, hoặc cho mượn... Tiến hành đo đạc, lập bản đồ địa chính các nông, lâm trường, các mốc địa giới sử dụng đất, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với những nơi chưa cấp và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đối với nông, lâm trường cho phù hợp với quy hoạch được giao. Các tỉnh, thành phố tập trung giải quyết thu hồi diện tích đất tranh chấp, lấn chiếm, sử dụng đất ổn định, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, trên cơ sở đất sản xuất để xem xét giao đất, cấp giấy chứng nhận cho người sử dụng đất để nhà nước quản lý. Theo chúng tôi, cần quan tâm đến việc giải quyết đất cho đồng bào dân tộc, bao gồm đất sản xuất cũng như đất ở.

 

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai Trương Văn Vở: Lộ trình, giải pháp cụ thể cũng như trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu nhằm xử lý, khắc phục tình trạng tranh chấp, vi phạm pháp luật đối với đất nông, lâm trường?

 

Tình trạng tranh chấp, vi phạm pháp luật đất đai đối với đất nông, lâm trường vẫn còn nhiều, tồn tại dưới nhiều hình thức như: lấn chiếm, cho thuê, cho mượn... dẫn tới khiếu nại kéo dài và khó được giải quyết. Đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm thuộc về ai và lộ trình, giải pháp cụ thể cũng như trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu nhằm xử lý, khắc phục tình trạng này một cách có hiệu quả?

 

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Trách nhiệm quản lý hệ thống nông, lâm trường thuộc về Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, về mặt quản lý đất đai thì có trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường

 

Theo Báo cáo Chính phủ số 346 năm 2013, trình QH tại Kỳ họp thứ Năm về Quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường quốc doanh, nguyên nhân dẫn tới tình trạng xảy ra tranh chấp vi phạm pháp luật đất đai nông, lâm trường chủ yếu là do nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về đất đai của một bộ phận cán bộ nông, lâm trường quốc doanh còn hạn chế. Ngoài ra còn có các lý do khác như việc giao đất, cho thuê đất chưa đầy đủ; quá trình giao đất nảy sinh nhiều vấn đề... Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo các địa phương rà soát, kiểm kê tình hình sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nông trường theo Chỉ thị 31 của Thủ tướng. Ngày 9.4.2012, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký quyết định thanh tra việc quản lý, sử dụng đất của 99 nông trường, lâm trường và các công ty được chuyển đổi từ các nông trường, lâm trường tại 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đến ngày 31.12.2012, có 37 địa phương đã hoàn thành công tác thanh tra và đã có báo cáo kết luận thanh tra đối với 73/99 nông, lâm trường và công ty. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các địa phương hoàn thành kế hoạch trên; đồng thời phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh, trong đó đề xuất một số biện pháp xử lý các hành vi vi phạm. Về trách nhiệm quản lý hệ thống nông, lâm trường thuộc về Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Còn về mặt quản lý đất đai thì có trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trách nhiệm của các địa phương chưa thường xuyên kiểm tra, xử lý các bất cập xảy ra trong quá trình quản lý đất nông, lâm trường.

Nguyễn Vũ

(http://daibieunhandan.vn)

Các bài viết khác