Phải xác định các giải pháp tối ưu để sống chung với dịch bệnh ở gia súc!

05/05/2008

Đây là phát biểu của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ngày 4/5 trong buổi chủ trì cuộc họp Giao ban truyền hình trực tuyến do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức với 10 tỉnh, thành phố đang có dịch tai xanh trên đàn lợn.

Chống dịch lâu dài

 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải biểu dương nỗ lực của các tỉnh trong công tác phòng chống dịch thời gian qua, đồng thời đánh giá việc thành lập các tổ giám sát từng cấp, biện pháp tự quản của người chăn nuôi từng thôn, xóm tạo ra nhiều vòng kiểm soát, khoanh vùng dịch bệnh là kinh nghiệm rất hay của các địa phương và là yếu tố rất quan trọng trong việc phát hiện và xử lý dịch bệnh ngay từ đầu.

 

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến thực tế dù ngành chăn nuôi chiếm tới 25% giá trị sản xuất nông nghiệp, nhưng tỷ trọng này không tăng do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, xảy ra liên tục trong vài năm gần đây. Vì vậy, bên cạnh các giải pháp chống dịch trước mắt thì quan trọng nhất là phải xác định được các giải pháp tối ưu để sống chung với dịch tai xanh nói riêng, và các dịch bệnh khác nói chung để từ đó xây dựng chiến lược lâu dài, nhằm thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi bền vững.

 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng: Một trong những nguyên nhân quan trọng để dịch tai xanh lan rộng là do một số nơi công tác phát hiện chậm, người dân cố tình giữ vật nuôi bị bệnh lại để chữa trị, cùng với việc mua bán vận chuyển lợn không được kiểm soát tốt. Bản thân lãnh đạo một số địa phương cũng thiếu chỉ đạo quyết liệt trong việc giám sát, tiêu hủy triệt để các ổ dịch.

 

Qua đó, Phó Thủ tướng yêu cầu: Bộ NN&PTNT và các đơn vị chức năng cần chấn chỉnh lại các giải pháp phòng chống dịch bệnh để công tác quản lí, kiểm soát được tốt hơn; không được phép lơ là chủ quan, phải tiếp tục thực hiện kiểm soát phòng chống dịch bệnh quyết liệt không chỉ những địa phương có dịch mà cả những địa phương chưa có dịch. Bộ NN&PTNN cần đưa ra các hướng dẫn phòng chống, giám sát dịch bệnh và trách nhiệm của các địa phương rõ ràng hơn; lập kế hoạch hàng năm theo dõi đánh giá về việc chuẩn bị cơ số thuốc, vôi bột, các loại vắc-xin tiêm phòng để chủ động hơn trong công tác phòng chống dịch tai xanh. Bộ NN&PTNT cùng Bộ Tài Nguyên và Môi trường phải tiến hành kiểm tra, đánh giá bổ sung phương án xử lý hố chôn và môi trường ở các địa phương, đặc biệt là tại tỉnh Thanh Hoá.

 

Hỗ trợ người chăn nuôi, khôi phục sản xuất

 

Về chính sách hỗ trợ, Phó Thủ tướng cho biết: Trong tuần tới Chính phủ sẽ ban hành chính sách và các phương án hỗ trợ. Đối với các hộ dân đã vay vốn thì giao cho Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về việc khoanh nợ, giãn nợ và cho vay tiếp đối với các hộ khôi phục đàn, chăn nuôi hoặc chuyển ngành nghề. Các tỉnh sử dụng kinh phí dự phòng từ ngân sách địa phương cho việc phòng chống dịch, riêng các địa phương khó khăn thì Bộ Tài chính trên cơ sở nguyên tắc hướng dẫn có thể tạm ứng vốn. Phó Thủ tướng cho rằng: Nếu không xây dựng cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các hộ chăn nuôi tập trung thì chúng ta không thể kiểm soát được dịch bệnh.

 

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát: Tình hình dịch bệnh có thuyên giảm nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ có thể bùng phát trở lại. Vì vậy, cần có những biện pháp hết sức quyết liệt để không cho dịch phát triển, lây lan rộng. Bộ trưởng khẳng định, việc phát hiện sớm và tiêu hủy lợn bệnh ngay trong ngày là biện pháp duy nhất có thể dập dịch hiệu quả. Hiện Bộ đang chỉ đạo nhập khẩn cấp 1 triệu liều vắc-xin trước hết để bảo vệ đàn lợn nái.

 

Đại diện của 10 tỉnh có dịch tai xanh đề nghị bổ sung thêm các biện pháp phòng chống, giám sát chống dịch khẩn cấp mạnh hơn để phản ứng nhanh đối với dịch. Các tỉnh đều thống nhất ý kiến cho rằng, mức hỗ trợ của Chính phủ bình quân bằng 70% giá thị trường như thời gian qua là phù hợp.

 

Ông Trần Minh Oanh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Nam Định nêu ý kiến: “Cần hỗ trợ đầu tư cho Nam Định nói riêng và khu vực đồng bằng sông Hồng nói chung Trung tâm xét nghiệm chẩn đoán phát hiện dịch, rút ngắn thời gian để địa phương chủ động và nhanh chóng xử lý khi phát hiện”

 

Để nhanh chóng tăng đàn lợn giống, các địa phương đề nghị tăng mức hỗ trợ người chăn nuôi lợn nái, khoanh nợ cho các hộ chăn nuôi bị thiệt hại. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng đang đề nghị Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ cho hộ chăn nuôi có lợn mắc bệnh bị tiêu hủy vay vốn từ 5 triệu đến 10 triệu đồng/hộ mua lợn giống không tính lãi trong vòng 1 năm nhanh chóng khôi phục đàn lợn sau đợt dịch này.

 

Đây là lần thứ 3 dịch tai xanh xảy ra ở nước ta trong gần 2 năm qua, đến nay, dịch xảy ra ở 775 xã, phường của 57 huyện, thị xã 10 tỉnh, thành phố là Lâm Đồng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình và Thái Nguyên.  Tổng số lợn mắc bệnh là hơn 255.250 con, số tiêu huỷ là 254.242 con. Báo cáo của các địa phương cho thấy, hiện dịch cơ bản đã được khống chế, số lợn mắc bệnh tai xanh và bị tiêu huỷ tại các địa phương đã giảm. So với 2 đợt dịch trước, số tỉnh, thành xảy ra dịch tai xanh lần này ít hơn nhưng số xã nhiều gấp 2 lần so với đợt dịch thứ 2 và gấp 8 lần đợt dịch đầu tiên

 

(http://www.vovnews.vn)