Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Bộ GD&ĐT muốn có nhiều bộ sách giáo khoa

20/05/2008

TP - Trao đổi với báo giới trong giờ giải lao của hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, trong đợt đánh giá này về cơ bản SGK được đánh giá tốt. Do đó, không có chuyện viết lại SGK.

Thưa Thứ trưởng, phạm vi điều chỉnh chương trình – SGK trong đợt đánh giá này sẽ triển khai ở mức độ nào?

Không có việc viết lại SGK hay viết lại chương trình. Chỉ là điều chỉnh những gì cần điều chỉnh. Về cơ bản SGK được đánh giá tốt. Nên về cơ bản không thay đổi. Chỉ điều tiết một số vấn đề nhỏ, chưa phù hợp thôi.

Sửa chữa có nhiều cách mà không cần viết lại SGK. Chẳng hạn chỗ nào nội dung nhiều so với thời lượng thì điều chỉnh nội dung ít đi.

Có ý kiến cho rằng có sự nể nang nhau giữa những người thẩm định và các tác giả viết sách nên ảnh hưởng tới chất lượng SGK?

Có thể trong một vài trường hợp cụ thể nào đó có việc nể nang nhau. Nhưng người làm khoa học thì phải lấy khoa học làm trọng. Nể nang nhau thì không phải là phong cách của người làm khoa học.

Thứ trưởng nghĩ sao khi người viết SGK không trực tiếp dạy phổ thông?

GV phổ thông mà viết SGK thì rất khó. Nhưng nếu có SGK rồi mà nhờ họ đọc và góp ý thì rất tốt. Do đó trong hội đồng thẩm định có GV phổ thông tham gia.

Dư luận cho rằng việc đánh giá chương trình SGK đợt này tiến hành cập rập vì thời gian quá ngắn. Thứ trưởng nghĩ sao?

Việc tổng hợp các ý kiến từ cơ sở đến tổ chức hội nghị này chỉ là một công đoạn trong những hoạt động đánh giá chương trình, SGK. Rất nhiều việc khác đi cùng và thực hiện trong thời gian dài. Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức những hội thảo tiếp theo rồi căn cứ vào kết quả các hội thảo để có những điều chỉnh cụ thể, chỗ nào sai thì phải sửa.

Trong hướng dẫn của Bộ về việc tổ chức đánh giá chương trình SGK có nói đến việc hỏi ý kiến HS và cha mẹ HS. Nhưng trong báo cáo của Bộ GD&ĐT thì không nói gì đến kênh thông tin này?

Việc hỏi ý kiến HS, cha mẹ HS được tiến hành từ nhà trường. Bộ GD&ĐT không nhận ý kiến trực tiếp của HS và GV mà qua các Sở GD&ĐT.

Nhưng nếu HS đề đạt ý kiến qua nhà trường thì liệu các em có dám nói thật?

Nếu HS cứ muốn học dễ, cho thoải mái nhưng không đáp ứng mục tiêu giáo dục thì các nhà báo nghĩ sao? Do đó, có thể đánh giá chương trình, SGK có phù hợp với năng lực nhận thức của lứa tuổi HS không là căn cứ vào việc HS có đáp ứng yêu cầu mục tiêu giáo dục không.

Theo ông liệu có nên có nhiều bộ SGK không?

Muốn có nhiều bộ SGK thì phải xin phép cấp cao hơn nữa. Về phía Bộ GD&ĐT thì muốn có nhiều bộ SGK.

 

 

Quý Hiên (ghi)

(http://www.tienphongonline.com.vn)