Ngành Điện không thể cứ lập luận “lấy ngắn nuôi dài”

22/05/2008

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Xuân (đoàn Tây Ninh) cho rằng, EVN là doanh nghiệp Nhà nước, được hưởng nhiều ưu đãi nên phải có đóng góp trở lại cho xã hội và thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao. Nếu cứ lập luận “lấy ngắn nuôi dài”, rồi đầu tư sang viễn thông, resort… thì rất khó chấp nhận.

(VOV)_ Trao đổi với báo giới về nghịch lý trong khi một số nhà máy nhiệt điện phía Nam “ế” điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lại đi mua điện của Trung Quốc vì cho rằng giá điện trong nước cao hơn, đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Xuân (đoàn Tây Ninh) cho biết sẽ chất vấn về vấn đề này ngay trong kỳ họp.

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân nhận định: “Ngành Điện cho rằng họ được quyền mua điện ở nước ngoài vì giá rẻ hơn nhưng họ phải tính đến lâu dài. Hiện nay “anh” mua rẻ nhất thời, nhưng lại làm thiệt hại cho các nhà máy sản xuất điện trong nước. Do đó, ngành Điện phải cân nhắc xem có nên làm như thế lâu dài không? Chúng ta đang thiếu điện. Nếu mua điện của Trung Quốc luôn bảo đảm đủ điện năng mà không phải cắt điện của dân thì dân cũng không phản ứng. Trong khi đó, rõ ràng cần phải có thêm những nguồn điện ở trong nước mới bảo đảm được an ninh năng lượng quốc gia. Với cách làm như hiện nay, sẽ không có doanh nghiệp nào dám đầu tư vào lĩnh vực điện nữa”.

 

* Như vậy, trong việc đầu tư phát triển vào lĩnh vực điện năng hiện nay, ông có cho rằng, cần phải xem xét lại không?

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân: Cần chứ! EVN không được phép cắt điện luân phiên như hiện nay. Việc cắt điện luân phiên gây thiệt hại kinh tế lớn hơn nhiều so với việc đầu tư vào ngành Điện. Không có điện, công sở không làm việc được vì đã vi tính hoá hết rồi; nhà máy ngưng trệ sản xuất, không bảo đảm sản lượng cho các đơn đặt hàng xuất khẩu, doanh nghiệp chắc chắn sẽ thiệt hại nặng nề. Thật ra, cắt điện luân phiên không khắc phục được tình trạng thiếu điện, chẳng qua chỉ mang tính thay đổi thời điểm thôi, không những thế còn tạo ra sự mất ổn định cho việc sử dụng điện năng.

EVN là doanh nghiệp Nhà nước, hiện đang được hưởng nhiều ưu đãi. Vậy thì đơn vị cũng phải có những đóng góp trở lại cho xã hội và thực hiện nhiệm vụ mà Nhà nước đã giao. Nếu cứ lập luận “lấy ngắn nuôi dài”, rồi đầu tư sang viễn thông, resort… thì rất khó chấp nhận. Thực chất, nói lấy ngắn nuôi dài nhưng bản thân những lĩnh vực đầu tư mới của họ cũng rất nhiều rủi ro, có lấy ngắn nuôi dài được hay không? Trong khi đó, xây dựng một nhà máy nhiệt điện để khai thác hiệu quả cũng đâu phải là dài…

* Thế nhưng EVN lại cho rằng, dự tính nguồn thuỷ điện từ 2015-2020 cũng sẽ cạn kiệt, làm nhà máy nhiệt điện thì phải có những cảng biển nước sâu để nhập khẩu than đá… đó là những thách thức. Ông nghĩ về lập luận này của EVN như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân: Tôi cho rằng đây chỉ là những biện hộ của EVN. Chúng ta đang xuất khẩu than sang Trung Quốc. Nếu nói không dùng được than này vào sản xuất điện là do công nghệ, vậy tại sao không đầu tư để có được công nghệ sử dụng nguồn than này làm điện mà đi xuất khẩu than rồi mua than đá về làm điện?

Nói thuỷ điện không phát triển được, nhưng bao nhiêu năm nay, ngành Điện đã bao giờ quan tâm đến rừng đầu nguồn chưa? Tôi đến thuỷ điện Đa Nhim hỏi vị giám đốc nơi này rằng, tại đây có bao nhiêu diện tích rừng phòng hộ để bảo đảm sinh thuỷ đầu nguồn, họ hoàn toàn không biết. Dân mình có câu, “uống nước nhớ nguồn” nhưng ngành thuỷ điện thì không nhớ tới nguồn của mình! Ai cũng biết rằng, nếu không có rừng phòng hộ, nguồn nước sẽ cạn, ngành Điện thì đứng ngoài và có chăng chỉ đóng thuế tài nguyên thôi…

* Theo ông, để xảy ra tình trạng thiếu điện, trách nhiệm của EVN và Bộ Công thương như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân: Trách nhiệm đầu tiên phải nói đến là EVN. Mặt khác, đơn vị quản lý Nhà nước là Bộ Công thương cũng phải có trách nhiệm. EVN là doanh nghiệp Nhà nước, được giao một khối lượng tài sản lớn, được hưởng ưu đãi, thậm chí còn độc quyền nhưng lại không bảo đảm được nguồn điện là có lỗi rồi. Trong khi đó, nhiệm vụ chính của anh là bảo đảm nguồn điện chưa xong, lại đi đầu tư sang những lĩnh vực khác.

Ở các nước, những tập đoàn lớn thường đa ngành, nhưng họ dùng tiền riêng của họ và người ta có quyền đầu tư. Còn đối với các doanh nghiệp Nhà nước của Việt Nam, vốn đầu tư là của Nhà nước, nên phải bảo đảm đầu tư vào lĩnh vực chính được Nhà nước giao…

* Ông có dự định sẽ chất vấn Bộ Công thương về những bất cập của ngành Điện hiện nay không? Ông nghĩ sao khi có những vấn đề đã chất vấn rồi nhưng kỳ sau vẫn được đại biểu chất vấn lại?

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân: Tôi sẽ chất vấn về việc tại sao đang thiếu điện mà các nhà máy điện phía Nam đang thừa điện lại không bán được điện cho EVN. Còn việc chất vấn rồi mà vẫn tồn tại, tôi nghĩ đó chính là trách nhiệm của đơn vị đứng đầu. Là “tư lệnh” đầu ngành, để ngành không hoàn thành nhiệm vụ, phải xem xét lại cách điều hành, quản lý đã đúng hay chưa.

Tôi không can thiệp vào chuyện quản lý nhưng Bộ Công thương phải giải thích được, ở các nước khác, họ bảo đảm điện cho dân họ dùng mà chúng ta không bảo đảm được là tại sao? Trong khi đó, kinh tế của Việt Nam hiện cũng đã tốt, có nguồn thuỷ điện dồi dào, có cả nguồn than, khí… Do đó, Bộ Công thương phải lý giải rõ ràng và đưa ra được lộ trình để khắc phục.

* Xin cảm ơn ông!./.

 

 

Thuỷ Hà (ghi)

(http://www.vovnews.vn/)