Tham dự Hội thảo có đại diện các Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND, MTTQ và Văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND 26 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc...
Tại Hội thảo, các đại biểu đều khẳng định, giữ mối liên hệ thường xuyên với cử tri không chỉ là trách nhiệm pháp lý mà còn là điều kiện quan trọng để các ĐBQH làm tốt vai trò, chức năng đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Hoạt động tiếp xúc cử tri của ĐBQH tuy đã có nhiều đổi mới, nhưng chưa đạt hiệu quả cao, còn mang tính hình thức. Nhận thức về vai trò, trách nhiệm của ĐBQH đối với công tác tiếp xúc cử tri có lúc, có nơi chưa thật sự sâu sắc, nhất là tiếp xúc ở nơi cư trú, nơi làm việc. Tình trạng “cử tri chuyên nghiệp, đại biểu kiêm nhiệm” diễn ra khá phổ biến. Trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc tiếp thu, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri tại các buổi tiếp xúc chưa kịp thời và chưa cao... Sở dĩ xảy ra tình trạng trên, theo nhiều đại biểu là do một số quy định pháp luật liên quan đến các hình thức tiếp xúc cử tri, giải quyết kiến nghị của cử tri quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội, Quy chế hoạt động của ĐBQH và Đoàn ĐBQH còn thiếu tính khả thi. Các đại biểu kiến nghị nên nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản luật liên quan theo hướng đề cao tính chủ động, trách nhiệm của ĐBQH trong hoạt động tiếp xúc cử tri; Mở rộng các hình thức tiếp xúc cử tri; Quy định rõ chế độ trách nhiệm, chế độ xử lý cụ thể đối với các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền không giải quyết các kiến nghị chính đáng của cử tri... Một số ý kiến khác băn khoăn về mối quan hệ giữa Đoàn ĐBQH và MTTQ các địa phương trong việc tổ chức hoạt động tiếp xúc cử tri. Cụ thể là tại sao hiện nay, chúng ta có hệ thống các Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND ở địa phương, nhưng việc tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri lại do Mặt trận Tổ quốc chủ trì.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, ĐBQH có phản ánh được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân vào các quyết sách của cơ quan quyền lực Nhà nước, có hoàn thành sứ mệnh đại diện hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc đại biểu có giữ mối liên hệ chặt chẽ với người đã bầu ra mình hay không. Hiệu quả tiếp xúc cử tri phụ thuộc nhiều vào việc các ý kiến, kiến nghị của cử tri có được giải quyết kịp thời hay không. Hiện nay, có tình trạng: các ý kiến, kiến nghị của cử tri được đại biểu thu thập, ghi nhận và chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền, nhưng việc xử lý còn chậm, hoặc giải quyết không đến nơi đến chốn... Điều này làm giảm lòng tin của nhân dân đối với các đại biểu dân cử. Phó chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị Hội thảo cần tập trung, phân tích làm rõ nguyên nhân của những vướng mắc nêu trên, trong đó chú ý đến nguyên nhân từ chính sách pháp luật, bộ máy hành chính hay tổ chức và hoạt động của QH... Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp xúc cử tri, Phó chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, việc theo dõi, đôn đốc, giám sát việc xử lý các kiến nghị của cử tri phải trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng của ĐBQH. ĐBQH phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân; Đồng thời phải chủ trì đối thoại, tích cực giải trình, tổng hợp đầy đủ ý kiến, kiến nghị, thẩm thấu được tâm tư, nguyện vọng của cử tri, theo đến cùng việc giải quyết các kiến nghị đó. Tiếp xúc cử tri để thu thập tối đa ý kiến, kiến nghị của cử tri là cần thiết, nhưng bên cạnh đó, ĐBQH cũng cần lưu ý đến khâu xử lý thông tin, chắt lọc từ những bức xúc của cử tri để khái quát thành những kiến nghị chung mang tính đại diện cho đông đảo cử tri, góp phần tích cực vào việc xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước.