Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình: Nợ xấu của chúng ta đáng báo động nhưng chưa đến mức phải hốt hoảng

23/08/2012

Soi vào cách thức, nội dung thì rõ ràng đây là phiên điều trần của các thành viên Chính phủ trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Khác, là ta không gọi thế, ta gọi là phiên trả lời chất vấn...

 

Khác thêm một chút nữa, ta ôn hòa hơn – hình như người phương Đông ta thường ôn hòa hơn. Ví dụ: chuyện nợ xấu thì có gì phải lý luận nhiều, đòi hỏi nhiều. Chỉ cần, tại sao nợ xấu tính theo cách ta bằng này, tính theo cách họ (tức quốc tế) bằng này. Tại sao ta lại phải tính theo cách ta mà không tính theo chuẩn mực thế giới. Hỏi cũng chỉ mười phút, trả lời chắc cũng chỉ thời gian ấy. Vậy thôi.

 

Dù thế, qua phiên chất vấn cái được không chỉ là câu chữ. Cái được là cái cử tri cảm nhận được về cái gì, về ai và tại sao.

 

Dáng dấp của một phiên điều trần thành công là ở chỗ đó.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển: Theo Thống đốc, phải xử lý các tổ chức tín dụng vi phạm pháp luật như thế nào?

 

Gần đây, báo cáo của các ngân hàng thương mại cho thấy nợ xấu khoảng 4,47%. Qua giám sát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì nợ xấu lại lên tới 8,6%, tức là gấp gần 2 lần so với báo cáo của các tổ chức tín dụng. NHNN cũng khẳng định một vấn đề: nguyên nhân số liệu nợ xấu trong báo cáo giám sát của NHNN cao hơn là do một số tổ chức tín dụng thực hiện việc phân loại nợ, ghi nợ xấu trong báo cáo tài chính thấp hơn thực tế để giảm chi phí trích lập rủi ro. Việc làm như vậy, theo Thống đốc có phải là vi phạm Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Kế toán hay không? Có thể xem là thiếu trung thực, thiếu công khai và minh bạch hay không? Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước, để tình trạng này xảy ra và kéo dài trong một số năm thì trách nhiệm của NHNN và Thống đốc như thế nào? Theo Thống đốc, phải xử lý các tổ chức tín dụng vi phạm như thế nào?

 

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: 30 năm tôi làm ngành ngân hàng, lúc nào cũng có hai con số khác nhau về nợ xấu

 

Thực tế hai con số khác nhau về nợ xấu không phải gần đây mới phát sinh mà nó đã có trong suốt quá trình hoạt động của ngành ngân hàng. Chỉ có điều, đến bây giờ chúng ta công bố công khai con số nợ xấu. Tôi đã làm 30 năm trong ngành ngân hàng thì 30 năm qua đều có hai số liệu: một là số liệu do các tổ chức tín dụng báo cáo theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; hai là số liệu do chính NHNN đánh giá.

 

Nguyên nhân vì sao hai con số này lại khác nhau như vậy? Từ năm 2005 trở lại đây, NHNN đã ban hành một số quy định về phân loại nợ của các tổ chức tín dụng. Theo đó, nợ của các tổ chức tín dụng được phân loại theo 5 nhóm: nhóm 1 là nợ tốt; nhóm 2 là các khoản cho vay có vấn đề; nhóm 3 đến nhóm 5 được gọi là nợ xấu. Trong số các tiêu chí để phân loại 5 nhóm nợ này thì cũng có những tiêu chí mang tính định tính và phụ thuộc rất nhiều vào người đánh giá nên dẫn đến việc các tổ chức khác nhau đánh giá mức độ nợ xấu khác nhau và cho ra kết quả khác nhau. Cùng với đó là ý thức của chính bản thân các tổ chức tín dụng vì đi kèm theo nhóm nợ được tăng lên thì tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro của tổ chức tín dụng đó cũng phải tăng lên. Nợ nhóm 1 thì không phải trích lập nhưng bắt đầu từ nợ nhóm 2 thì phải trích lập 5%, nhóm 3 phải trích lập 20%, nhóm 4 phải trích lập 50% và nợ nhóm 5 phải trích lập 100%. Như vậy, đôi khi vì mục tiêu lợi nhuận của mình, tổ chức tín dụng không muốn xếp loại nợ vào nhóm cao hơn và cố gắng tìm mọi cách để che giấu khoản nợ đó, xếp khoản nợ đó vào nhóm thấp hơn. Cũng có các lý do khác như, tổ chức tín dụng không nắm được thông tin từ các tổ chức tín dụng khác nên không biết để đưa lên các nhóm nợ cao hơn. Thực tế nhiều năm qua, NHNN đã có Trung tâm cung cấp đầy đủ thông tin của các khách hàng nhưng nhiều khi tổ chức tín dụng cũng vin vào các lý do như vậy để làm giảm nhóm khoản nợ của mình. Như vậy, việc đánh giá số liệu nợ của các tổ chức tín dụng có thể cho ra các con số khác nhau. NHNN đã thấy được điều đó trong nhiều năm qua, đặc biệt là khi chúng tôi cử các đoàn thanh tra, kiểm tra tại các tổ chức tín dụng thì con số chênh lệch là hết sức rõ ràng. NHNN không thể chỉ căn cứ vào số liệu do các tổ chức tín dụng báo cáo để điều hành hệ thống ngân hàng được mà phải có các biện pháp thông qua hoạt động giám sát từ xa, thanh tra tại chỗ để đánh giá thực chất nợ xấu trong hệ thống.

 

Có thể khẳng định rằng, con số nợ xấu do NHNN công bố là có căn cứ xác thực nhất và chúng tôi điều hành theo con số nợ đó. Việc các tổ chức tín dụng công bố nợ xấu thấp có vi phạm pháp luật hay không thì NHNN đã quy định rất rõ, nếu tổ chức tín dụng làm sai là đã vi phạm các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. NHNN có biết việc này hay không? Chúng tôi rất biết nhưng đôi khi phải qua thanh tra tại chỗ thì mới phát hiện ra được còn qua giám sát từ xa thì chúng tôi cũng chỉ định lượng ở mức độ nhất định. Năng lực, số lượng người của NHNN cũng không đủ để thường xuyên thanh tra trực tiếp được mà cũng chỉ định kỳ thanh tra. NHNN thừa nhận rằng, trong một thời gian dài, các chế tài xử lý của NHNN chưa phát huy được hiệu quả. Nhưng chúng tôi chỉ lấy ví dụ trong việc thanh tra 9 ngân hàng vừa qua, đã làm rõ được tất cả các vấn đề này và bắt buộc các tổ chức tín dụng phải trích lập rủi ro đầy đủ; trên cơ sở đó có thể tổ chức tín dụng mất hết vốn thì phải có biện pháp xử lý, buộc các cổ đông phải đưa thêm vốn vào hoặc các ngân hàng đó phải đưa vào diện xử lý, giám sát của NHNN.

 

ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam): Giữa ba số liệu về nợ xấu... thì số liệu nào đúng?

 

Về nợ xấu, ngoài số liệu NHNN đã nêu thì có một định chế tài chính quốc tế nữa cho rằng, nợ xấu của Việt Nam khoảng 13%. Theo lý giải của những người có trách nhiệm của NHNN Việt Nam thì sự khác nhau này có nguyên nhân do tiêu chí, đánh giá xác định khác nhau. Vậy xin hỏi Thống đốc, những tiêu chí khác nhau đó là tiêu chí gì và như vậy giữa ba số liệu 4,47%, 8,6% và khoảng 13% thì cái nào đúng, cái nào có độ tin cậy?

 

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Số liệu do cơ quan quản lý nhà nước công bố là số liệu đáng tin cậy nhất

 

Trong các tiêu chí phân loại nợ của Việt Nam mà theo đánh giá của tổ chức xếp hạng quốc tế AMBest cũng như các tổ chức quốc tế khác là đã phù hợp với thông lệ chung của quốc tế và các nước trong khu vực, thì có các yếu tố định lượng và yếu tố định tính, do vậy mà có thể dẫn tới có những đánh giá khác nhau về nợ xấu. Có các tổ chức quốc tế khi đánh giá về tình trạng nợ xấu Việt Nam cũng có những nhận định khác đi. Ví dụ, ngay khi chúng tôi chất vấn lại Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings, vì sao các ông đánh giá nợ xấu của Việt Nam là 13% thì đơn giản họ nói rằng, tôi cứ lấy nợ từ nợ xấu của Việt Nam cộng thêm nợ nhóm 2 thì ra 13%. Đó là do cách đánh giá của họ. Thì vấn đề này chúng tôi cũng sẽ trao đổi rất nhiều giữa các tổ chức tài chính quốc tế với các công ty kiểm toán, thì đều thống nhất là số liệu do cơ quan quản lý nhà nước công bố là số liệu đáng tin cậy nhất.

 

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình): Thống đốc và Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm như thế nào với tình trạng nợ xấu và một số sai phạm xảy ra tại các ngân hàng thương mại?

 

Với thực trạng tỷ lệ nợ xấu cao và một số sai phạm xảy ra tại ngân hàng thương mại thì Thống đốc và NHNN có trách nhiệm như thế nào với tư cách là cơ quan quản lý ngành? Nếu không xác định được trách nhiệm thì rõ ràng như Thống đốc đã nói từ 30 năm trước đã thấy tình trạng này nên nếu không có giải pháp thì tình trạng này sẽ lặp lại? 

 

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Với tư cách là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong giai đoạn hiện nay, tôi cũng xin nhận trách nhiệm về tỷ lệ nợ xấu

 

Tỷ lệ nợ xấu có những con số khác nhau, gia tăng mạnh trong những năm trước đây. Trong số các nguyên nhân gây ra tình trạng này có nguyên nhân từ phía NHNN, từ công tác ban hành cơ chế, chính sách đến tổ chức thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại. Về vấn đề này, chúng tôi cũng xin nhận đây là trách nhiệm của NHNN. Với tư cách là Thống đốc NHNN trong giai đoạn hiện nay tôi cũng xin nhận trách nhiệm về những vấn đề này.

 

Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân: Chúng ta chấp nhận con số nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước nhưng xử lý nợ xấu như thế nào?

 

Thống đốc đã khẳng định lấy con số nợ xấu do NHNN công bố là con số tin cậy. Nhưng vấn đề mà ĐBQH và nhân dân quan tâm hiện nay là giải pháp nào để xử lý nợ xấu chứ bây giờ không phải là vấn đề thông tin nào là đáng tin cậy nữa. Chúng ta chấp nhận con số của NHNN nhưng để giải quyết nợ xấu như thế nào thì đề nghị Thống đốc đi trực tiếp vào các giải pháp?

 

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Tôi xin khẳng định một điều, nợ xấu của chúng ta đã được tích lũy qua rất nhiều năm

 

Muốn có giải pháp thì trước hết phải thấy được nguyên nhân nào dẫn đến nợ xấu là gì. Sơ bộ, chúng tôi thấy có 5 nhóm nguyên nhân: thứ nhất là nhóm chính sách về kinh tế vĩ mô; thứ hai là các cơ chế, chính sách điều hành của NHNN; thứ ba là hoạt động thanh tra, giám sát của NHNN; thứ tư là trách nhiệm của các tổ chức tín dụng và thứ năm là trách nhiệm của bản thân các doanh nghiệp vay vốn ngân hàng.

 

Tôi cũng xin khẳng định một điều nợ xấu đã được tích lũy qua rất nhiều năm. Từ đầu năm đến nay, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng chỉ xấp xỉ 1% thôi nhưng nợ xấu tăng lên hết sức nhanh chóng. Năm 2010, nợ xấu tăng khoảng 41%, năm 2011 thì tăng đến hơn 60% và đến 6 tháng đầu năm 2012 thì tăng đến 47%. Nhận thấy rõ nguyên nhân thì có các biện pháp. Biện pháp về kinh tế vĩ mô thì Nghị quyết 11 của Chính phủ và Kết luận 02 của Bộ Chính trị năm 2011, các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, các Nghị quyết của QH, Chính phủ đều đã khẳng định rõ mục tiêu: kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng ở mức độ hợp lý. Với định hướng như thế, kinh tế vĩ mô của chúng ta sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn. Và chúng ta kết hợp với việc tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu. Tôi cho rằng, định hướng đã rất rõ để giải quyết nợ xấu lâu dài, căn cơ của nền kinh tế.

 

Về các giải pháp liên quan đến hệ thống ngân hàng, thời gian qua, NHNN đã thay đổi gần như cơ bản các văn bản quan trọng, những văn bản xương sống để quản lý hoạt động của các tổ chức tín dụng Việt Nam. Trong tháng 8, tháng 9 này, chúng tôi sẽ ban hành đầy đủ và định hướng là các văn bản đó sẽ có hiệu lực thi hành vào đầu năm 2013 để các tổ chức tín dụng và nền kinh tế có thời gian định hướng hoạt động của mình trong thời gian sắp tới. Đặc biệt là hoạt động thanh tra, giám sát, trong thời gian qua, chúng ta cũng đã có các văn bản quy định nhưng tính hiệu quả, hiệu lực không cao. Hiện nay, chúng tôi đã sắp xếp lại một bước cơ quan thanh tra, giám sát và nâng cao được hiệu quả, hiệu lực.

 

Về biện pháp kinh tế, để xử lý ngay, đột phá: ngay từ đầu năm nay, chúng tôi đã phối hợp rất nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Chúng ta đã phát hành trái phiếu Chính phủ, đẩy nhanh tốc độ chi tiêu ngân sách, giúp giải phóng một lượng hàng tồn kho rất lớn của nền kinh tế, nhất là các mặt hàng xi măng, sắt thép... tạo ra một cú hích chung cho nền kinh tế. Chúng tôi cũng nâng cao việc giám sát và bắt buộc các tổ chức tín phải thực hiện đầy đủ việc trích lập quỹ dự phòng rủi ro, trên cơ sở đó có một nguồn vốn đáng kể để xử lý nợ xấu trong bản thân các tổ chức tín dụng này. Phối hợp với chính quyền địa phương và Tòa án nhân dân các cấp để xử lý nhanh việc phát mại các tài sản thế chấp để tạo nguồn xử lý nợ xấu; khuyến khích các tổ chức có tình hình tài chính lành mạnh tiến hành mua lại các tổ chức tín dụng khác...

 

Với tỷ lệ nợ xấu hiện nay của chúng ta thì đánh giá thế nào? Theo kinh nghiệm nhiều năm cũng như kinh nghiệm thế giới thì nợ xấu của chúng ta không đến mức độ hốt hoảng. Không phải là chúng ta tự khen nhau đâu. Mà cần thấy rằng, nợ xấu trong những thời kỳ khủng hoảng của các nước như Thái Lan năm 1998 cao hơn chúng ta rất nhiều. Tỷ lệ nợ xấu của chúng ta cũng rất đáng báo động nhưng chưa đến mức độ hốt hoảng.

 

 

Nguyễn Vũ

(http://daibieunhandan.vn)

Các bài viết khác