Hội thảo đánh giá thực trạng và tổng kết 5 năm thi hành Luật Ngân sách Nhà nước

06/10/2009

Từ ngày 5-6.10, tại Lạng Sơn, Thường trực UB Tài chính và Ngân sách đã tổ chức Hội thảo đánh giá thực trạng và tổng kết 5 năm thi hành Luật Ngân sách nhà nước.

Luật Ngân sách nhà nước năm 2002 đã góp phần nâng cao tính chủ động và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; củng cố kỷ luật tài chính, tăng cường tích lũy, sử dụng tiết kiệm ngân sách nhà nước; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong quản lý ngân sách… Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện một số điều khoản của Luật đã không còn phù hợp với thực tiễn như: quy định về phạm vi ngân sách, phương pháp xác định bội chi ngân sách nhà nước; việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách Trung ương với ngân sách địa phương, giữa các cấp ngân sách địa phương. Luật hiện hành chỉ quy định căn cứ xây dựng dự toán ngân sách hàng năm mà chưa quy định xây dựng kế hoạch tài chính và chi tiêu trung hạn; không quy định về cơ chế điều hòa nguồn thu trong trường hợp thu ngân sách có biến động trong thời kỳ ổn định ngân sách. Do vậy, các đại biểu dự Hội thảo cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách nhà nước, để hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách tài chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận một số vấn đề như: tính lồng ghép trong hệ thống ngân sách nhà nước và sự trùng lắp, chồng chéo về thẩm quyền giữa các cơ quan Nhà nước; cách thức và phương pháp cân đối ngân sách, tính bội chi; huy động vốn trong nước để bổ sung đầu tư của ngân sách cấp tỉnh; về thời kỳ ổn định ngân sách; kế hoạch tài chính, chi tiêu trung hạn và quản lý ngân sách nhà nước theo kết quả thực hiện nhiệm vụ; thẩm quyền của QH, các cơ quan của QH; điều hành ngân sách nhà nước…

Các đại biểu đề nghị, khi sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước cần nâng cao thẩm quyền của QH, các cơ quan của QH, HĐND các cấp; quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương và đơn vị sử dụng ngân sách; tăng cường phân cấp quản lý ngân sách để phát huy tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong quản lý và sử dụng ngân sách Nhà nước. Cũng cần phải tính đến việc sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước phù hợp với điều kiện không tổ chức HĐND cấp huyện, quận, phường.

P.Thủy

(http://nguoidaibieu.com.vn/)

Các bài viết khác