Phiên họp thứ Hai chín của UBTVQH

17/03/2010

* Chuẩn bị Kỳ họp thứ Bảy, QH Khóa XII: Vẫn chậm trễ trong chuẩn bị tài liệu phục vụ Kỳ họp * Thông qua Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu bay

Sáng 16.3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, UBTVQH đã cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Bảy, QH Khóa XII.

Báo cáo về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Bảy, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm VPQH Trần Đình Đàn cho biết, Kỳ họp thứ Bảy, QH Khóa XII dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 20.5.2010 và làm việc trong khoảng 29 ngày rưỡi. Các cơ quan hữu quan đang tích cực, khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị cho Kỳ họp, nhất là các nội dung trình QH xem xét, quyết định. Đối với 10 dự án Luật đã trình QH cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Sáu, hiện đã có 6 dự án Luật được gửi đến các Đoàn ĐBQH để tổ chức thảo luận, lấy ý kiến đóng góp ở địa phương. Các nội dung về KT – XH, ngân sách nhà nước, các Báo cáo giám sát chuyên đề, trong đó có Báo cáo kết quả giám sát Việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học… đều đang trong quá trình chuẩn bị trình UBTVQH cho ý kiến để hoàn chỉnh và gửi tới ĐBQH.

Cơ bản nhất trí với dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ Bảy, tuy nhiên, nhiều Ủy viên UBTVQH cho rằng, vướng và đáng lo nhất là sự chậm trễ trong việc chuẩn bị tài liệu phục vụ Kỳ họp. Đây là tồn tại cũ đã được cảnh báo từ nhiều Kỳ họp QH, nhưng dường như đến nay vẫn chưa được khắc phục. Trong số 24 dự án Luật, nghị quyết dự kiến trình QH Khóa XII xem xét, cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy, Ủy ban Pháp luật được giao thẩm tra 5 dự án Luật. Nhưng theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận thì Ủy ban mới có duy nhất Luật Biển Việt Nam. 4 dự án Luật còn lại là dự án Luật Viên chức, dự án Luật Thủ đô, dự án Luật Tiếp cận thông tin và dự án Luật Thanh tra chưa được Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Riêng dự án Luật Thanh tra, Chính phủ đã cho xem xét, nhưng chưa thấy ý kiến phản hồi sang Ủy ban Pháp luật. Đây không phải là trường hợp cá biệt đối với các dự án Luật do Ủy ban Pháp luật thẩm tra. Thực tế, Ủy ban Tư pháp cũng đang trong tình trạng chưa thấy mặt mũi dự án Luật (về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính) đâu - Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Thu Ba nêu vấn đề. Và khi hỏi cơ quan chủ trì soạn thảo thì được biết, hiện nay, do chưa lấy được ý kiến của các bộ, ngành nên chưa có dự thảo chính thức để chuyển sang Ủy ban Tư pháp.

Để xây dựng được một chương trình kỳ họp khả thi, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, sau Phiên họp thứ Hai chín của UBTVQH, cần rà soát lại tất cả các nội dung, dự án Luật dự kiến trình QH tại Kỳ họp thứ Bảy sắp tới để yêu cầu các cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan báo cáo tiến độ chuẩn bị…bảo đảm đúng dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp.

Hiện nay, trong số các nội dung trình QH xem xét, quyết định, có những nội dung liên quan đến trách nhiệm thẩm tra của nhiều Ủy ban. Tiêu biểu trong số đó là những vấn đề liên quan đến KT – XH được giao cho Ủy ban Kinh tế chủ trì thẩm tra. Một số Ủy viên UBTVQH đề nghị nên tính toán lại. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai… cho rằng, đối với những nội dung liên quan đến nhiều Ủy ban, UBTVQH nên chủ trì thẩm tra và phân công cho mỗi Ủy ban chuẩn bị phần việc của mình. Sau đó sẽ tổng hợp lại thành báo cáo thẩm tra chung của UBTVQH để báo cáo trước QH. Chia sẻ với đề xuất này, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho rằng, đây cũng là một giải pháp để khắc phục tình trạng mà một số ĐBQH phản ánh tại những Kỳ họp QH gần đây là Báo cáo thẩm tra về tình hình KT – XH có phần nặng về nội dung kinh tế mà lép về nội dung xã hội. Tuy nhiên, theo Trưởng ban Trần Thế Vượng, nếu chấp nhận với giải pháp UBTVQH chịu trách nhiệm thẩm tra những vấn đề liên quan đến nhiều Ủy ban là có vấn đề. Bởi xét về mặt pháp lý thì UBTVQH không có chức năng thẩm tra mà có quyền cho ý kiến. Cân nhắc điều kiện thực tế, Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên cho rằng, đây là vấn đề lớn, cần được nghiên cứu, tổng kết và trước mắt vẫn nên giao cho Ủy ban Kinh tế là đầu mối tổng hợp và trình bày Báo cáo thẩm tra về tình hình KT – XH trước QH. Cùng với đó, HĐDT và các Ủy ban, theo lĩnh vực của mình, sẽ có một Báo cáo riêng, chuyên sâu và gửi tới các ĐBQH để làm căn cứ khi thảo luận về tình hình KT – XH.

Mở đầu phiên làm việc buổi chiều, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu bay. Báo cáo giải trình nêu rõ: trong thực tiễn, việc bắt giữ tàu bay không chỉ giới hạn đối với các trường hợp xảy ra trong hoạt động hàng không dân dụng mà còn liên quan đến lĩnh vực thi hành án dân sự. Nhưng chưa có văn bản pháp luật hiện hành nào quy định việc bắt giữ tàu bay để thi hành án dân sự. Do đó, Pháp lệnh này điều chỉnh đồng thời việc bắt giữ tàu bay theo quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và việc bắt giữ để thi hành án.

UBTVQH đã thông qua Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu bay.

T. Bình – H. Vân

(http://nguoidaibieu.com.vn/)

Các bài viết khác