Cần có chiến lược quy hoạch hạ tầng giao thông một cách khoa học

02/11/2017

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, sáng 2/11, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020. Tại phiên họp, nhiều đại biểu cho rằng cần quy hoạch hạ tầng giao thông một cách khoa học để tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế xã hội.

Đề nghị quy hoạch hạ tầng giao thông một cách khoa học

Đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn- tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu tại Hội trường    Ảnh: Đình Nam

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn- tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đưa ra nhận đinh, trong xu thế phát triển hiện nay, logistics được xem là một ngành lợi nhuận cao. Nước ta ở vị trí trung tâm của khu vực Châu Á Thái Bình Dương về vận tải biển, hàng năm rất nhiều tàu qua lại rất phù hợp phát triển loại hình này. Tuy nhiên hạ tầng giao thông chưa được đầu tư xứng đáng để tạo thuận lợi cho sự phát triển. Cụ thể, khu vực Đông Nam Bộ có cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải với khoảng trên dưới 50 cảng, nhưng chỉ có một con đường độc đạo, đó là quốc lộ 51, tuyến đường này hiện nay đã mãn tải. Vấn đề này Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành trung ương rất quan tâm cho chủ truơng và triển khai đầu tư xây dựng thêm nhiều tuyến đường song song và kết nối theo quy hoạch bao gồm đường cao tốc, đường sắt, đường bộ. Tuy nhiên, thời gian qua lượng hàng hóa qua cảng tăng lên, đồng thời du khách đi lại trên quốc lộ này ngày càng nhiều, do vậy hầu như những ngày cuối tuần liên tục bị tắc đường, việc di chuyển rất khó khăn. Do đó, đại biểu Quốc hội đề nghị Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành trung ương quan tâm triển khai sớm và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình giao thông để tạo điều kiện tối đa cho phát triển kinh tế cũng như nhu cầu đi lại của người dân.

Cũng đề cao vai trò của hạ tầng giao thông, đại biểu Quốc hội Triệu Tài Vinh- tỉnh Hà Giang chỉ ra rằng, giao thông thuận lợi có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy liên kết vùng. Minh chứng cho lập luận của mình, đại biểu phân tích, liên kết vùng là quan điểm đúng được nêu ra trong một vài năm gần đây. Diễn đàn của các Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ trước đây đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế, yếu kém. Trong đó, hạn chế lớn nhất là liên kết vùng chính là liên kết về hạ tầng giao thông. Hiện nay, theo nguyên tắc phân bổ trái phiếu Chính phủ cũng như vốn trung hạn cho mỗi địa phương đưa ra, nguyên tắc là mỗi địa phương chỉ được 1 dự án trọng điểm và phải có tính liên kết, có tính hiệu quả cao, không kể đến quy mô của dự án lớn hay nhỏ. Chính vì vậy, cùng một nguyên tắc đó sẽ có những địa phương có công trình hàng nghìn tỷ đồng, có thể hàng chục nghìn tỷ đồng, nhưng có những địa phương chỉ có công trình độ 300-400 tỷ đồng. Tuy nhiên trong thời gian vừa qua, những dự án giao thông mang tính liên kết vùng có hiệu quả cao thì không được các địa phương đưa vào vốn trung hạn của mình. Chính vì vậy, những quốc lộ như 279, Quốc lộ 34, Quốc lộ 4, đặc biệt là Quốc lộ 279, Quốc lộ 4 liên kết 7 vùng, 7 tỉnh biên giới kết nối Đông và Tây Bắc là chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần tiếp tục đẩy nhanh hoàn thiện dự án trên các tuyến Quốc lộ 279 và Quốc lộ 4, không chỉ liên kết 7 tỉnh biên giới của Việt Nam mà còn khai thác được thị trường của Trung Quốc.

Mất cân đối thu chi ngân sách - một trong ba khía cạnh mất cân đối của nền kinh tế

Đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn- TP Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội trường

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn- TP Hồ Chí Minh đưa ra nhận định, nền kinh tế của nước ta hiện nay vẫn đang bị mất cân đối ở ba khía cạnh ảnh hưởng tới sự phát triển dài hạn. Cụ thể:

Thứ nhất, mất cân đối trong cán cân thương mại. Hiện nay, chúng ta nhập siêu 3 tỷ năm 2017 cho thấy khả năng cạnh tranh của các mặt hàng trong nước chưa cao, đặc biệt là những mặt hàng có hàm lượng khoa học công nghệ cao. Xuất khẩu chưa nhiều, các mặt hàng nguyên vật liệu, phụ liệu trong việc thay thế nhập khẩu cũng chưa có nhiều; mà xuất khẩu lại lệ thuộc lớn vào khối FDI. Mặt khác, sự liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI còn nhiều hạn chế.. Các FDI nhập nguyên vật liệu từ chính nước họ là chủ yếu, khoảng 70%. Phần sử dụng nguồn lực trong nước có hạn chế. Doanh nghiệp của chúng ta còn nhỏ lẻ, chưa xâm nhập vào thị trường bán lẻ của các nước trong khu vực. Trong khi đó, thị trường bán lẻ trong nước có áp lực cạnh tranh lớn từ các nhà bán lẻ ở các nước. Giải pháp đối với sự mất cân đối này là tính liên kết trong sản xuất giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa hộ sản xuất với doanh nghiệp và nhà phân phối bán lẻ. Chiến lược phát triển thị trường bán lẻ ra các nước trong khu vực là giải pháp cần lưu ý.

Thứ hai, mất cân đối thu chi ngân sách. Bội chi 3,5% GDP, tức là 178,3 nghìn tỷ. Trong đó, chi tiêu thường xuyên vượt kế hoạch 11,6 nghìn tỷ. Cơ cấu chi tiêu thường xuyên còn khá cao, trên 64%, so với đầu tư phát triển khoảng 27%. Sự mất cân đối này có thể giải quyết bằng việc tổ chức, sắp xếp lại bộ máy như Nghị quyết Trung ương 6 vừa rồi. Tinh giản biên chế trong hệ thống bộ máy hành chính nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công, đặc biệt là cần ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý để tăng cường hiệu quả về ngân sách, giảm chi, đặc biệt là chi thường xuyên.

Thứ ba, thiếu hụt vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Vốn đầu tư từ ngân sách chiếm khoảng 1/4 trong tổng vốn đầu tư xã hội. Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ đây là năm thứ hai liên tiếp hầu hết các bộ, ngành, địa phương không có đủ nguồn vốn để khởi công mới các dự án, trong bối cảnh áp lực nợ công cao, hiệu quả đầu tư còn thấp, giải ngân vốn đầu tư còn chậm. Các quy định pháp luật về đầu tư công, xây dựng, đấu thầu còn nhiều vướng mắc, thủ tục chuẩn bị đầu tư còn chậm. Do vậy giải pháp tập trung cần có một sự linh hoạt trong phân bổ vốn đầu tư, kịp thời điều chuyển vốn ở những dự án chậm giải ngân sang những dự án đang thiếu vốn mang tính trọng điểm, đặc biệt phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đô thị, nông thôn, các dự án mang tính liên kết vùng. Bên cạnh đó, cần tăng cường phân cấp cho các địa phương trong việc quyết định đầu tư, thẩm quyền phê duyệt các dự án đầu tư, chủ động hơn trong việc huy động nguồn lực phát triển sẽ góp phần thu hẹp các mất cân đối trên và cơ sở để đưa kinh tế phát triển bền vững hơn cho những giai đoạn tiếp theo.

Phát biểu kết thúc nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, trong 2,5 ngày thảo luận tại hội trường đã có 94 đại biểu Quốc hội phát biểu, có 27 đại biểu tham gia tranh luận về một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và 6 thành viên khác của Chính phủ là Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế đã tham gia phát biểu giải trình thêm một số vấn đề có liên quan. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, về dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018 - 2020, nhiều ý kiến đại biểu thống nhất với dự toán thu chi và bội chi ngân sách nhà nước năm 2018 và nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm về tài chính, ngân sách nhà nước năm 2018 và 3 năm 2018-2020 là phải tăng cường kỷ luật tài chính, ngân sách ở tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị; xử lý nghiêm các sai phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách; tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công theo hướng an toàn, bền vững; tăng cường quản lý, sử dụng, tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực ngân sách nhà nước gắn với huy động tối đa các nguồn lực nước ngoài để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ rà soát lại chính sách thu cho hợp lý, đảm bảo bình đẳng, tính trung lập của chính sách thuế; cần cơ cấu lại các khoản thu ngân sách nhà nước; đảm bảo ổn định thuế suất; đơn giản hóa thủ tục hành chính trong thu ngân sách nhà nước; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu.

Hồ Hương - Vân Ngọc

Các bài viết khác