Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời chất vấn về hoạt động của các ngân hàng yếu kém đã được xử lý

16/11/2017

Tiếp tục chương trình chất vấn kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, chiều 16/11, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về Hoạt động của các ngân hàng yếu kém đã được xử lý và giải pháp đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt chất vấn tại hội trường                                                      Ảnh: Đình Nam

Phát biểu tại phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt-  tỉnh Gia Lai  đánh giá cao nỗ lực của Thống đốc và các tổ chức tín dụng trong thời gian qua đã quyết liệt tháo gỡ bùng nhùng của các tổ chức tín dụng yếu kém, đưa tăng trưởng tín dụng và chất lượng tín dụng khởi sắc. Tuy nhiên, nợ xấu, tài sản bảo đảm xấu vẫn đang là thách thức lớn như Báo cáo  của Ngân hàng nhà nước. Do đó, Đại biểu Đề nghị Thống đốc cho biết những giải pháp đột phá, hỗ trợ nào để đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu, tài sản xấu và thu hút các nhà đầu tư tham gia xử lý hiệu quả các ngân hàng yếu kém trong điều kiện nguồn lực tài chính và chính sách ưu đãi của nhà nước còn rất hạn chế?

Cũng quan tâm đến vai trò của tư lệnh ngành trong việc đảm bảo hoạt động của những ngân hàng yếu kém, đại biểu Quốc hội Trần Công Thuật- tỉnh Quảng Bình cho rằng, một yếu tố quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2018 là thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với giải quyết nợ xấu, tập trung xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu, kém theo nguyên tắc thị trường không hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Từ đó, đại biểu đặt ra vấn đề, với cương vị người đứng đầu hệ thống, Thống đốc sẽ làm gì để thực hiện vấn đề nêu trên?

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết việc đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, xử lý các ngân hàng yếu kém là một nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng nhà nước thực hiện trong thời gian vừa qua và chúng tôi rất nỗ lực. Vừa qua Ngân hàng nhà nước cũng là một trong những bộ, ngành từ năm 2016 đã tập trung xây dựng các đề án liên quan đến hệ thống ngân hàng, trong đó đề án quan trọng nhất là đề án xử lý các ngân hàng còn yếu kém; đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; đề án để phát triển hệ thống quỹ tín dụng nhân dân đến năm 2025; đề án hoàn thiện mô hình và tăng cường chất lượng hoạt động của công ty mua bán nợ và của các tổ chức tín dụng VAMC.

Ngân hàng nhà nước cho rằng nếu quyết tâm thực hiện những giải pháp trong Quyết định 1058 của Thủ tướng về cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng với những giải pháp lộ trình đã có từ nay đến hết năm 2016 cho tất cả các bộ, ngành, các đơn vị của Ngân hàng nhà nước và toàn bộ hệ thống các tổ chức tín dụng thì chúng ta có thể có những kết quả trong việc xử lý các ngân hàng, đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng. Để xử lý nợ xấu thì việc đầu tiên và trên hết là phải tập trung để thực hiện thật tốt và có kết quả Nghị quyết 42 của Quốc hội.

Liên quan đến vấn đề xử lý các ngân hàng yếu kém, vừa qua Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt để hoàn thiện phương án xử lý. Nhưng đặt trong bối cảnh chúng ta xử lý trong khi nguồn lực, đặc biệt nguồn lực từ ngân sách còn rất khó khăn, chúng ta phải huy động các nguồn lực của xã hội cho nên chúng ta phải có giải pháp huy động được các nhà đầu tư kể cả các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm năng về tài chính và năng lực quản trị điều hành để tham gia vào quá trình quản trị ngân hàng. Nhưng muốn mời được các nhà đầu tư có năng lực như vậy chúng ta phải có khuôn khổ pháp lý đồng bộ với những giải pháp cụ thể để hỗ trợ cho việc tái cơ cấu thì việc Chính phủ và Ngân hàng nhà nước trình Quốc hội xem xét thông qua Luật Các tổ chức tín dụng là một trong những giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất để đảm bảo có đầy đủ quy định trong luật, minh bạch, công khai và đúng thẩm quyền của các cơ quan chức năng là cơ sở để chúng ta có thể hoàn thiện các phương án và mời các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào quá trình xử lý các ngân hàng yếu kém.

Đại biểu Quốc hội Trần Công Thuật chất vấn tại hội trường 

Cũng liên quan đến những giải pháp đảm bảo hiểu quả những ngân hàng yếu kém, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải- tỉnh Tiền Giang chỉ ra rằng, theo báo cáo của kiểm toán nhà nước ngày 11/10/2017. Kết quả tái cơ cấu ba ngân hàng: Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Đại Dương và Ngân hàng Dầu khí toàn cầu mà Ngân hàng nhà nước mua với giá 0 đồng đến nay vẫn chưa thể hiện được hiệu quả. Hoạt động tín dụng của những ngân hàng này còn thua lỗ, tình trạng tài chính chưa được cải thiện sau hai năm tái cơ cấu lại. Do đó, đại biểu đề nghị Thống đốc giải thích lý do vì sao vẫn còn trình trạng này.

Thừa nhận vẫn còn tồn tại tình trạng hoạt động kém hiệu quả đối với ba ngân hàng trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, sau khi chúng ta mua lại ngân hàng với giá 0 đồng, điều quan trọng nhất là chúng ta đã ổn định được tâm lý của người gửi tiền, tránh việc rút tiền hàng loạt và giữ được ổn định của các ngân hàng để không gây nguy cơ đổ vỡ của ngân hàng này, từ đó lây lan sang mất an toàn hệ thống. Tuy nhiên, việc xây dựng phương án để xử lý triệt để các ngân hàng này và sau khi Ngân hàng nhà nước mua lại 0 đồng thì Ngân hàng Nhà nước cũng đã có những bước để kiện toàn hoạt động, đưa cán bộ của các ngân hàng thương mại nhà nước như từ Vietcombank và từ Ngân hàng Công thương sang để quản trị điều hành các ngân hàng này, kiện toàn lại bộ máy quản trị điều hành cán bộ, tăng cường các hoạt động để đảm bảo an toàn. Đồng thời đẩy mạnh việc tiết giảm các chi phí hoạt động để giảm lỗ và tăng cường công tác thu hồi nợ xấu và xử lý các tài sản đảm bảo. Cơ bản bước đầu các hoạt động của ngân hàng này đã tạm ổn định và lỗ lũy kế cũng đã giảm dần. Tuy nhiên, phải nói một thực tế là các ngân hàng này còn khó khăn do thực trạng tài chính, tài sản không sinh lời cao cho nên làm chi phí gia tăng. Chính vì vậy giải pháp của Ngân hàng Nhà nước đã có từ năm 2016 thì Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, đã báo cáo xây dựng đề án để xử lý các ngân hàng này, có các giải pháp khác nhau và Chính phủ đã chỉ đạo hoàn thiện. Vừa rồi gần đây nhất Chính phủ đã họp và đã có nghị quyết để hoàn thiện các phương án xử lý cụ thể.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội 

Trả lời chất vấn của đại biểu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, một thực tế rất khó khăn là chúng ta chưa có một khuôn khổ pháp lý đầy đủ để xử lý các ngân hàng yếu kém tương tự như các ngân hàng chúng ta đã mua vì trước đây chúng ta chưa có tiền lệ nào trong việc xử lý các ngân hàng này. Chúng ta xử lý các ngân hàng vừa phải đảm bảo an toàn lành mạnh nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định hoạt động ngân hàng, giữ được lòng tin của người gửi tiền và bảo vệ quyền và lợi ích của người gửi tiền thì chúng ta chưa có khuôn khổ pháp lý đầy đủ. Chính vì vậy Chính phủ đã chỉ đạo và Ngân hàng nhà nước đã tập trung nỗ lực công sức để xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức tín dụng. Các quy định trong luật này có một nội dung rất quan trọng là để có các công cụ để xử lý và hỗ trợ chương trình tái cơ cấu. Mục tiêu ưu tiên của Chính phủ là tìm các nhà đầu tư mới có năng lực tài chính và năng lực quản trị kinh doanh, kể cả nhà đầu tư nước ngoài. Việc này hiện nay chúng tôi đang tiếp tục đàm phán với các nhà đầu tư để mời, có ngân hàng thì đã có nhà đầu tư vào để thống nhất phương án, có ngân hàng đang đàm phán tiếp tục, có ngân hàng chúng tôi đang tiếp tục tìm các nhà đầu tư. Khi các nhà đầu tư vào, nếu có khuôn khổ pháp lý đầy đủ thì chúng ta có các công cụ để xử lý các ngân hàng này một cách triệt để và nhanh chóng hơn.

Hồ Hương