Hội thảo tổng kết 5 năm thực hiện Luật Kiểm toán Nhà nước và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán Nhà nước

06/11/2010

Sáng 4.11, Kiểm toán Nhà nước đã phối hợp với Ủy ban Tài chính và Ngân sách tổ chức hội thảo tổng kết 5 năm thực hiện Luật Kiểm toán Nhà nước và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán Nhà nước. Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng kiểm toán Nhà nước Vương Đình Huệ chủ trì hội thảo.

Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Luật Kiểm toán Nhà nước cho thấy, địa vị pháp lý  của Kiểm toán Nhà nước được nâng lên, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Kiểm toán Nhà nước được quy định đầy đủ hơn. Theo đó, Kiểm toán Nhà nước quyết định kế hoạch kiểm toán hàng năm và báo cáo với QH, Chính phủ trước khi thực hiện; trình ý kiến của kiểm toán Nhà nước để QH xem xét quyết định dự toán Ngân sách Nhà nước, quyết định phân bổ ngân sách trung ương, quyết định dự án, công trình quan trọng quốc gia; tham gia với các cơ quan của Chính phủ, của QH khi có yêu cầu trong việc xây dựng và thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh. Kiểm toán Nhà nước đã từng bước kiện toàn cơ bản về tổ chức, bộ máy và cán bộ công chức viên chức của kiểm toán Nhà nước. Quy mô, loại hình, chất lượng kiểm toán được mở rộng và tăng cường. Mỗi năm Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán từ 100 đến 130 đầu mối ở các Bộ, ngành, địa phương..., bình quân tăng gấp hai lần so với giai đoạn trước khi có Luật Kiểm toán Nhà nước, riêng lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản có số lượng các dự án đầu tư được kiểm toán tăng gấp 4 lần...

Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện, Luật Kiểm toán Nhà nước vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước chưa bao quát hết đối với việc kiểm tra, kiểm soát mọi nguồn lực tài sản công, chưa thực hiện kiểm toán việc quản lý và sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không giữ cổ phần chi phối, chưa thực hiện kiểm toán nghĩa vụ thu nộp Ngân sách Nhà nước của các tổ chức kinh tế thuộc mọi thành phần kinh tế. Luật Kiểm toán Nhà nước chưa có các quy định về chế tài đối với các hành vi vi phạm Luật của đơn vị được kiểm toán và của các tổ chức cá nhân có liên quan...

Các ĐB dự Hội thảo đều cho rằng, việc sửa đổi bổ sung nội dung Luật Kiểm toán Nhà nước là cần thiết, để đáp ứng yêu cầu và phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Việc sửa đổi bổ sung Luật Kiểm toán Nhà nước cần tiếp tục củng cố và duy trì địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước, để Kiểm toán Nhà nước là một công cụ đủ mạnh, bảo đảm tính độc lập trong kiểm toán; cung cấp thông tin và các hỗ trợ cần thiết cho QH, HĐND là căn cứ tin cậy để QH, HĐND thảo luận, quyết định các vấn đề quan trọng và thực hiện quyền giám sát...

 

Lâm Hiển

(http://daibieunhandan.vn/)

Các bài viết khác