Đề cao công tác bảo vệ người tố cáo

19/11/2010

Luật cần quy định chi tiết hơn việc bảo vệ tính mạng, tài sản của người tố cáo, thậm chí là cả người thân của họ. Bên cạnh đó, cần có quy định về bảo vệ các quyền lợi chính trị, kinh tế, việc làm… cho người tố cáo

Sáng 18/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường, cho ý kiến về dự thảo Luật Tố cáo.

Dự thảo Luật Tố cáo được xây dựng trên cơ sở Luật Khiếu nại, tố cáo ban hành năm 1998 và được sửa đổi, bổ sung năm 2004, 2005. Qua hơn 10 năm thực hiện, Luật đã góp phần tạo lập khung pháp lý quan trọng để người dân tích cực tham gia phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, tăng cường trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong giải quyết tố cáo, góp phần phát huy dân chủ, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Tuy nhiên, qua tổng kết cho thấy công tác giải quyết tố cáo còn nhiều hạn chế, hiệu quả giải quyết các vụ việc tố cáo chưa cao. Chính vì vậy, việc xây dựng Luật tố cáo là nhằm thể chế hoá chủ trương, quan điểm của Đảng về công tác giải quyết tố cáo, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế hiện nay là yêu cầu khách quan và rất cần thiết.

Có nên chấp nhận tố cáo bằng điện thoại, thư điện tử, fax?

Điều 23 của dự thảo Luật về các hình thức tố cáo quy định: Công dân tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ bằng các hình thức sau, tố cáo trực tiếp; gửi đơn tố cáo hoặc bản ghi lời tố cáo; tố cáo bằng điện thoại, thư điện tử, fax.

Luồng ý kiến tán đồng với quy định này cho rằng, cùng với sự phát triển của khoa học, công nghệ thì người tố cáo có thể dùng nhiều hình thức khác nhau để thực hiện việc tố cáo tới các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền về các hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, bên cạnh các hình thức tố cáo truyền thống như hình thức tố cáo trực tiếp hoặc tố cáo qua đơn, thư thì cũng cần mở rộng đối với các hình thức tố cáo bằng điện thoại, thư điện tử, fax.

Đại biểu Phạm Việt Thường (đoàn An Giang) cho rằng, quan trọng nhất là chúng ta phải xem xét khi tố cáo bằng văn bản, bằng fax hoặc thư điện tử nó có chứa đựng nội dung sự việc cần tố cáo hay không, tính xác thực của nội dung đó đến đâu? Thứ 2 là nó có thoả mãn được điều kiện quy định tại khoản 2, điều 23 là: “Người tố cáo phải nêu rõ họ, tên, địa chỉ của mình; trình bày trung thực nội dung tố cáo; cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được”. Nếu xét thấy đáp ứng được các yêu cầu trên thì có thể chấp nhận các hình thức tố cáo đó mà không nên nhất nhất phải là tố cáo trực tiếp hoặc gửi đơn tố cáo.

Đồng quan điểm này, đại biểu Phạm Đức Châu (đoàn Quảng Trị) cũng cho rằng, quan trọng nhất là tính đúng đắn của thông tin tố cáo chứ không phải tố cáo bằng hình thức nào.

Luồng ý kiến không đồng tình thì cho rằng, trong thực tiễn việc tố cáo và giải quyết tố cáo đang diễn ra hết sức phức tạp, trong đó có nguyên nhân các quy định pháp lý của chúng ta chưa thống nhất.

Đại biểu Nguyễn Thị Nương (đoàn Cao Bằng) cho rằng, thực tế ở nước ta hiện nay, trừ một số trường hợp đặc thù, còn lại chúng ta chưa có khả năng để kiểm tra, xác minh một cách chính xác các thông tin được tiếp nhận theo hình thực thư điện tử, điện thoại, fax là từ người nào, từ nơi nào chuyển đến, đặc biệt là ở những địa phương vùng sâu, vùng xa - nơi còn thiếu phương tiện và trình độ của cán bộ còn hạn chế. Theo đại biểu, việc đề cao giải quyết những đơn thư tố cáo có danh, có địa chỉ rõ ràng cũng là một cách chúng ta đề cao trách nhiệm, ý thức làm chủ của công dân.

Đại biểu Phan Thị Thu Hà (đoàn Đồng Tháp) đề nghị không nên quy định hình thức tố cáo qua điện thoại, fax hay thư điện tử bởi độ tin cậy không cao, trách nhiệm của người tố cáo không đến nơi, đến chốn, bởi hiện việc quản lý đối với các hình thức này còn lỏng lẻo, chưa có cơ chế quản lý tốt về sim điện thoại và hộp thư điện tử. Bà Hà cho rằng, người tố cáo có thể sử dụng một sim điện thoại trả trước hoặc địa chỉ email nhất thời để tiến hành việc tố cáo. Nếu thừa nhận hình thức này sẽ tạo ra sự rối rắm cho người tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo và không khéo sẽ dẫn đến sự nghi kỵ nội bộ.

Nên quy định cụ thể các biện pháp bảo vệ người tố cáo

Nhiều đại biểu cho rằng, việc bảo vệ là nội dung rất quan trọng nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người tố cáo. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đánh giá các quy định về bảo vệ người tố cáo trong dự thảo Luật vẫn chung chung, còn mang tính nguyên tắc, thiếu cơ chế thực hiện và chưa có các quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thời hạn bảo vệ người tố cáo để có thể thực hiện trên thực tiễn.

Theo các đại biểu, dự thảo Luật cần nghiên cứu để quy định chi tiết hơn; chẳng hạn cần xác định về cơ quan đầu mối, chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ; thứ tự ưu tiên bảo vệ, ví dụ trước hết cần phải bảo vệ tính mạng, tài sản của người tố cáo, thậm chí là cả người thân của họ. Bên cạnh đó, cũng cần có quy định về bảo vệ các quyền lợi về chính trị, kinh tế, việc làm, bảo vệ uy tín cho người tố cáo.

Đại biểu Lưu Thị Chi Lan (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, quy định về bảo vệ người tố cáo tại chương 5 của dự thảo Luật là chưa cụ thể, thiếu cơ chế thực hiện làm ảnh hưởng đến quyền tố cáo của công dân. Trên thực tế, đã có trường hợp người tố cáo bị trả thù, do vậy nhiều người đã không dám tố cáo với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do vậy, Luật Tố cáo cần đề cao và bảo vệ quyền tố cáo của công dân, phải hình thành cơ chế hữu hiệu để bảo vệ an toàn tính mạng, danh dự và nhân phẩm và các lợi ích khác cho người tố cáo.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Bình (đoàn Tuyên Quang) đề nghị, không nên quy định “Khi nhận được đề nghị của người tố cáo, người có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra, xác minh. Nếu đề nghị của người tố cáo là chính đáng thì áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền hoặc yêu cầu người có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ…”, mà khi người tố cáo có yêu cầu, các cơ quan chức năng cần áp dụng các biện pháp bảo vệ ngay, sau đó mới kiểm tra, xác minh. Có như vậy mới đảm bảo an toàn, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Ngoài những ý kiến về các vấn đề trên, các đại biểu cũng bàn về các quy định đảm bảo bí mật thông tin tố cáo; quy định khen thưởng và xử lý vi phạm; về trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo; giám sát công tác giải quyết tố cáo…

Chiều 18/11, các đại biểu tiếp tục làm việc tại Hội trường cho ý kiến về dự thảo Luật Đo lường./.

 

 

Mạnh Hùng

(http://vovnews.vn/)

Các bài viết khác