Họp Thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp

19/01/2012

Dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 của Chính phủ đã được xây dựng hoàn chỉnh, nội dung bám sát hướng dẫn của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Chiều 17/1, Thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 của Chính phủ đã họp, dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo.

 

Báo cáo tình hình tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo cho biết: Đến ngày 13/1/2012, Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp đã nhận được 115 Báo cáo tổng kết và Báo cáo chuyên đề của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 của Chính phủ đã được xây dựng hoàn chỉnh, nội dung bám sát hướng dẫn của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

 

Thảo luận tại cuộc họp, các đại biểu tập trung cho ý kiến về 34 kiến nghị những nội dung cần kế thừa và sửa đổi, bổ sung trong Hiến pháp năm 1992. Các kiến nghị này tập trung vào 7 nhóm vấn đề, trong đó nổi bật và đậm nét nhất là các kiến nghị về tổ chức bộ máy thực hiện quyền lực Nhà nước ở Trung ương và địa phương, về quyền con người, quyền công dân…

 

Các kiến nghị liên quan đến Chính phủ đều nhằm xây dựng một Chính phủ hành pháp mạnh mẽ, một hệ thống hành chính Nhà nước thông suốt, được phân công rành mạch và đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn, có đủ quyền năng và công cụ hiến định để thực hiện quyền hành pháp và tham gia hiệu quả vào các hoạt động lập pháp, tư pháp theo nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan. Hệ thống hành pháp, hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, Chính phủ, các thành viên Chính phủ chịu trách nhiệm báo cáo trước nhân dân và trước Quốc hội.

 

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Công tác tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 được xem là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng trong toàn bộ hệ thống chính trị và các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương.

 

Phó Thủ tướng biểu dương các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chủ động triển khai công tác tổng kết với quyết tâm cao; coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, nhằm thực hiện đúng kế hoạch và bảo đảm chất lượng; đánh giá cao nỗ lực của Ban Chỉ đạo, đã chuẩn bị dự thảo Báo cáo tổng kết công phu, nghiêm túc, tuân thủ, quán triệt quan điểm, đường lối đổi mới đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng XI.

 

Phó Thủ tướng cho rằng, những kiến nghị được nêu trong dự thảo Báo cáo của Chính phủ cơ bản phù hợp với kiến nghị của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, được xây dựng trên cơ sở đổi mới tư duy về quyền làm chủ của nhân dân, quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp... theo hướng làm rõ, minh bạch hơn quyền hạn, nhiệm vụ của cơ quan hành pháp, mối quan hệ giữa Chính phủ với các cơ quan trong bộ máy Nhà nước nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo.

 

Phó Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo tiếp thu ý kiến các đại biểu, tiếp tục làm rõ, lập luận thuyết phục, chặt chẽ, bổ sung đầy đủ hơn cơ sở lý luận và thực tiễn một số vấn đề, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Báo cáo; trong đó tập trung vấn đề mối quan hệ giữa Chính phủ với chính quyền địa phương./.

(Theo TTXVN)

Các bài viết khác