Hội thảo Việc thực hiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng

07/02/2012

Ngày 4.2, tại TP Hồ Chí Minh, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã tổ chức Hội thảo khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên Việc thực hiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng. Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai chủ trì Hội thảo.

Hiện cả nước có trên 8,8 triệu người có công, chiếm khoảng 10% dân số cả nước. Đây là con số rất lớn, song nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước đã nỗ lực dành các nguồn lực để thực hiện các chính sách đối với người có công. Hệ thống văn bản pháp luật về người có công cũng đã được từng bước hoàn thiện và có sự điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển KT-XH của đất nước. Các chính sách được thực hiện theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công đã đem lại hiệu quả thiết thực. Người có công được chăm sóc sức khỏe; các thương binh, bệnh binh được trợ cấp kinh phí để mua các phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình và phục hồi chức năng; người tham gia hoạt động kháng chiến và con của họ bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng trợ cấp hàng tháng và được hưởng chế độ ưu đãi trong giáo dục, đào tạo...

Tại khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, mặc dù tình hình KT-XH còn nhiều khó khăn, địa hình rộng và đã từng là các chiến trường ác liệt trước đây nhưng các chính sách đối với người có công đã được thực hiện nghiêm túc, thể hiện sự quan tâm, tình cảm và trách nhiệm của Nhà nước đối với những người đã đóng góp, hy sinh một phần xương máu cho Tổ quốc. Phong trào Đền ơn đáp nghĩa đã được các địa phương triển khai sâu rộng; nhiều địa phương đã phát động và thực hiện có hiệu quả phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng. Nhờ đó, đời sống của đa phần người có công với cách mạng đã được bảo đảm tương đối ổn định. Tuy nhiên, theo phản ánh của Lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, Pháp lệnh Ưu đãi người có công hiện hành cũng đã bộc lộ một số hạn chế như: mức trợ cấp hàng tháng đối với người có công còn thấp, chưa tương xứng với mức sống chung hiện nay. Trong khi đó, công tác tuyên truyền chính sách pháp luật đối với người có công còn chậm trễ, thậm chí, cán bộ làm chính sách người có công ở cơ sở cũng chưa hiểu rõ, hiểu đúng chính sách của nhà nước nên còn tình trạng chậm giải quyết hoặc giải quyết chưa thỏa đáng chế độ chính sách cho người có công; tại một số nơi, người có công cũng còn tâm tư, chưa hài lòng với việc thực hiện các chế độ chính sách ưu đãi của nhà nước. Bên cạnh đó, các thủ tục quy định về giải quyết chế độ đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học chưa phù hợp, nhất là quy định về danh mục bệnh tật, tình trạng dị dạng và dị tật đối với con của người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học...

Nhiều đại biểu tham dự Hội thảo đề nghị cần tiếp tục xem xét, cân đối ngân sách nhà nước để tăng mức hỗ trợ cho người có công. Đồng thời, nên xem xét lại quy trình, thủ tục giải quyết chế độ chất độc hóa học cho người tham gia kháng chiến; không nên giao cho cơ sở y tế cấp xã xác nhận tình trạng dị dạng, dị tật đối với con đẻ của người tham gia kháng chiến để tránh tình trạng tiêu cực; cần có quy định về tỷ lệ suy giảm khả năng lao động đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học nhằm bảo đảm sự công bằng trong việc giải quyết chế độ.

B. Long

(http://daibieunhandan.vn)

Các bài viết khác