Tại phiên họp thứ sáu của Ủy ban Thường vụ QH khóa XIII: Nghiên cứu thành lập Hội đồng Quốc gia về tiền lương

28/03/2012

Ngày 27-3, tiếp tục Phiên họp thứ sáu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH), dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, các đại biểu thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Thảo luận về các quy định liên quan đến tiền lương trong dự thảo luật, số đông đại biểu cho rằng, hiện nay mức lương tối thiểu được xác định theo bốn vùng kinh tế - địa lý và đã có sự thống nhất chung giữa các loại hình doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, vẫn tồn tại sự khác biệt về tiền lương tối thiểu giữa cán bộ, công chức với nhóm lao động ngoài khu vực doanh nghiệp. Do vậy, Bộ luật Lao động (sửa đổi) cần nghiên cứu bổ sung các quy định cụ thể về tiền lương, như: Cơ cấu tiền lương, căn cứ để trả lương, chống phân biệt đối xử trong trả lương, hướng tới xây dựng mức lương tối thiểu chung cho toàn xã hội căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Liên quan đến vấn đề nói trên, Ban soạn thảo cho biết, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ quy định về việc thành lập Hội đồng Quốc gia về tiền lương, với thành phần gồm đại diện người lao động, người sử dụng lao động, cơ quan quản lý nhà nước. Hội đồng sẽ thực hiện chức năng tư vấn, thẩm định, đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước về mức lương tối thiểu, tham gia xây dựng chính sách tiền lương quốc gia. Việc thành lập Hội đồng Quốc gia về tiền lương là cơ chế mới, thể hiện đặc trưng quan hệ lao động, qua đó tiền lương được xem xét công khai, toàn diện hơn, phù hợp với thị trường lao động và xu hướng tiến bộ của các nước trên thế giới.

Góp ý kiến đối với các quy định về giải quyết tranh chấp lao động, nhiều đại biểu đề nghị dự thảo luật sửa đổi cần quy định cụ thể vai trò, chức trách, nhiệm vụ của công đoàn trong việc giải quyết tranh chấp lao động và đình công. Trong đó, tập trung hỗ trợ tập thể người lao động trong giải quyết tranh chấp lao động. Hướng đi này góp phần thúc đẩy nhu cầu thành lập tổ chức công đoàn của chính người lao động tại các doanh nghiệp để bảo vệ lợi ích hợp pháp cho mình.

Cùng với những nội dung nêu trên, Ủy ban TVQH thảo luận, góp ý kiến đối với các quy định liên quan đến các hình thức hợp đồng lao động, chế độ, chính sách đối với lao động nữ.

Cũng trong ngày làm việc, Ủy ban TVQH thảo luận, cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ ba, QH khóa XIII.

 

(http://www.nhandan.com.vn/)

Các bài viết khác