Phiên họp thứ Mười của Ủy ban thường vụ Quốc hội

21/08/2012

Ngày 20.8, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục quốc phòng, an ninh và việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết liên tịch số 06/2004 giữa UBTVQH Khóa XI và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam hướng dẫn về việc ĐBQH tiếp xúc cử tri

* Dự án Luật Giáo dục quốc phòng, an ninh: Cần làm rõ yêu cầu khách quan và sự cần thiết phải ban hành luật

* Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết liên tịch số 06 về hướng dẫn ĐBQH tiếp xúc cử tri: Tạo thuận lợi, phát huy tính chủ động của đại biểu trong mọi hoạt động tiếp xúc, giữ mối liên hệ chặt chẽ, thường xuyên với cử tri

 

Sáng 20.8, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục quốc phòng, an ninh.

 

Theo tờ trình về dự án Luật Giáo dục quốc phòng, an ninh, dự án Luật gồm 6 chương, 42 điều quy định về giáo dục quốc phòng, an ninh trong nhà trường; phổ biến kiến thức quốc phòng, an ninh toàn dân; bảo đảm cho hoạt động giáo dục quốc phòng, an ninh. Dự án Luật được xây dựng trên nguyên tắc bảo đảm Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với nhiệm vụ tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN nói chung, giáo dục quốc phòng, an ninh nói riêng. Thực hiện đúng quan điểm xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; thể chế hóa chủ trương, quan điểm Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; Nghị quyết Hội nghị lần thứ Tám, Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa IX) về Chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới.

 

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Giáo dục quốc phòng, an ninh, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng, việc ban hành Luật Giáo dục quốc phòng, an ninh là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân. Tuy nhiên, tờ trình của Chính phủ chưa làm rõ được yêu cầu khách quan, sự cần thiết phải ban hành Luật Giáo dục quốc phòng, an ninh nhằm góp phần thực hiện chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Có cùng nhận định này, một số Ủy viên UBTVQH đề nghị, để tạo sự thống nhất cao trong các ĐBQH về sự cần thiết ban hành Luật, Chính phủ cần tập trung làm rõ những ưu điểm cũng như hạn chế, tồn tại qua 10 năm thực hiện công tác giáo dục quốc phòng và an ninh; những vấn đề đặt ra cần phải giải quyết để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Đào Trọng Thi, cần khẳng định rõ việc ban hành Luật Giáo dục quốc phòng, an ninh là cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện thống nhất, đồng bộ công tác giáo dục quốc phòng, an ninh, trang bị những kiến thức cần thiết về quốc phòng, an ninh cho nhân dân. 

 

Một số ý kiến cũng đề nghị cần làm rõ phạm vi điều chỉnh của dự án Luật. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, dự thảo Luật đưa ra 3 phạm trù: thứ nhất là phổ biến, thứ hai là bồi dưỡng, thứ ba là giáo dục – 3 phạm trù này có mức độ khác nhau. Cần làm rõ 3 phạm trù này thì mới xác định đúng đối tượng nào áp dụng với phạm trù nào. Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cũng đề nghị, luật này chỉ nên tập trung vào phạm trù giáo dục quốc phòng, an ninh với cấp độ phổ biến toàn dân để mọi người cùng được bồi dưỡng. Khi đã có phần kiến thức nhất định, cơ bản về quốc phòng, an ninh rồi thì bồi dưỡng, nâng cao, và hoạt động giáo dục này là hoạt động mang tính chất chính quy trong nhà trường. Gần với quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, dự thảo Luật đặt tham vọng rất lớn, diện tác động rất rộng và các hình thức kỷ luật đối với người trốn không tham gia các khóa học quốc phòng, an ninh cũng rất ngặt nghèo... – có cảm giác cơ quan soạn thảo đang có xu hướng hành chính hóa việc học tập kiến thức quốc phòng, an ninh. Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển đề nghị, cần tính lại vấn đề này để có phương pháp giáo dục thiết thực và hiệu quả hơn.

 

Về tổ chức thực hiện giáo dục quốc phòng và an ninh, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị cần xem xét lại việc thành lập Hội đồng giáo dục quốc phòng, an ninh từ Trung ương xuống cơ sở; trong khi hiện nay đã có rất nhiều Hội đồng có tính chất tương tự như Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật chẳng hạn – Có thể lồng ghép được hay không? Liên quan đến vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng chỉ rõ, dự luật giáo dục quốc phòng, an ninh có liên quan tới một loạt các luật hiện hành như Luật Quốc phòng, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật An ninh quốc gia, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Công chức... Do đó, cần rà soát lại các điều khoản của dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành. 

 

Buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, UBTVQH đã cho ý kiến việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết liên tịch số 06/2004 giữa UBTVQH Khóa XI và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam hướng dẫn về việc ĐBQH tiếp xúc cử tri.

 

Trình bày Tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết liên tịch số 06/2004, Trưởng ban Dân nguyện, Trưởng ban Biên tập Nguyễn Đức Hiền cho rằng, qua 7 năm thực hiện Nghị quyết 06, hoạt động tiếp xúc cử tri của ĐBQH đã từng bước được nâng lên cả về chất lượng và trách nhiệm của đại biểu, các cơ quan, tổ chức hữu quan. Tuy nhiên, đến nay hoạt động tiếp xúc cử tri vẫn còn một số bất cập như: chưa đa dạng về hình thức, nội dung; còn nặng về thủ tục hành chính, lúng túng trong tổ chức thực hiện và chưa thu hút được sự quan tâm của nhiều cử tri; chất lượng, hiệu quả tiếp xúc cử tri có lúc, có nơi còn hạn chế, chưa đáp ứng được nguyện vọng của cử tri và yêu cầu của thực tiễn. Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết liên tịch số 06 có 6 chương, 39 điều, tăng 1 chương và 20 điều so với quy định hiện hành. Nghị quyết được xây dựng nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri của ĐBQH; hoàn thiện một bước các quy định về tiếp xúc cử tri; góp phần khắc phục những bất cập và tạo thuận lợi, phát huy tính chủ động của đại biểu trong mọi hoạt động tiếp xúc, giữ mối liên hệ chặt chẽ, thường xuyên với cử tri. Các Ủy viên UBTVQH cơ bản tán thành với Tờ trình của Ban soạn thảo. Song nhiều ý kiến cũng đề nghị, cần ghi nhận những đổi mới trong thực tiễn tiếp xúc cử tri của các Đoàn ĐBQH và ĐBQH trong thời gian qua, nghiên cứu để thể hiện các đổi mới này trong nghị quyết.

 

Về hình thức tiếp xúc cử tri, dự thảo Nghị quyết tiếp tục kế thừa quy định của Nghị quyết 06 về các hình thức tiếp xúc hiện hành và bổ sung hình thức tiếp xúc cử tri theo đối tượng, địa bàn ĐBQH quan tâm; hình thức liên hệ, trao đổi với cử tri thông qua điện thoại, thư điện tử, thư bưu chính…; tiếp xúc ở ngoài địa bàn ứng cử. Dự thảo Nghị quyết quy định theo hướng ĐBQH chủ động thực hiện, có thể là tiếp xúc tại nơi làm việc, nơi cư trú hoặc nơi khác mà đại biểu cần thu thập ý kiến về các vấn đề quan tâm và theo yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đại biểu. Cơ bản đồng tình với quan điểm này, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng, cần nghiên cứu hình thức tiếp xúc phi hành chính, thay cho tiếp xúc trong thời gian hành chính như hiện nay. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy, việc tiếp xúc ngoài thời gian hành chính sẽ giúp đại biểu gặp gỡ được nhiều cử tri. Và ngược lại cử tri cũng có nhiều cơ hội hơn để nêu ý kiến, băn khoăn và nhận được giải đáp thỏa đáng từ người đại diện cho mình. Ở một góc nhìn khác, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhấn mạnh, ĐBQH có trách nhiệm phải liên hệ thường xuyên với cử tri bầu ra mình nên trao đổi qua điện thoại, thư điện tử là hoạt động bình thường của mỗi đại biểu. Trong khi đó, không phải vấn đề nào mà ĐBQH cũng có thể tiếp cận qua điện thoại, thư điện tử, mà nếu không thực hiện sẽ là vi phạm pháp luật. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Trương Thị Mai đề nghị, Ban soạn thảo cần rà soát thực tế, lấy ý kiến ĐBQH để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về nội dung này.

 

Nhiều Ủy viên UBTVQH cũng đề nghị, các cơ quan hữu quan cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến hoạt động tiếp xúc cử tri của ĐBQH trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức QH, Luật Hoạt động giám sát của QH, Quy chế hoạt động của UBTVQH, Quy chế hoạt động của ĐBQH và Đoàn ĐBQH; Nội quy Kỳ họp QH; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam... để bảo đảm sự đồng bộ và thống nhất. Ngoài ra, để ĐBQH chủ động trong việc tiếp xúc cử tri và góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri, thì cần tạo điều kiện về kinh phí, trong đó có việc nghiên cứu khoán một phần kinh phí tiếp xúc cử tri để đại biểu chủ động hơn trong hoạt động này. Và nghiên cứu, bổ sung một khoản kinh phí về hoạt động của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp liên quan đến tổ chức tiếp xúc cử tri của ĐBQH.

P. Thủy – H. Ngọc

(http://daibieunhandan.vn)

Các bài viết khác