Hoàn thiện hệ thống pháp luật để giải quyết vướng mắc về cơ sở pháp lý cho hoạt động giám sát của QH, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH

19/12/2012

Tại Hội thảo quốc tế Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Ủy ban Tư pháp đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp vừa diễn ra tại Hải Phòng, các đại biểu đã nghe, đóng góp ý kiến vào dự thảo Báo cáo nghiên cứu cùng tên do Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp tiến hành.

Dự thảo Báo cáo được xây dựng nhằm đánh giá thực trạng hoạt động của Ủy ban Tư pháp, trên cơ sở đó cung cấp các luận cứ khoa học, đưa ra các khuyến nghị để Ủy ban Tư pháp, các cơ quan của QH và ĐBQH tham khảo trong quá trình hoàn thiện pháp luật về hoạt động giám sát của QH. Đồng thời đề ra các giải pháp thực tiễn, có tính khả thi nhằm nâng cao hiệu lực hoạt động giám sát của Ủy ban Tư pháp nói riêng và các cơ quan của QH nói chung, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Dự thảo Báo cáo nghiên cứu Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Ủy ban Tư pháp QH đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp được chia thành 4 phần là sự cần thiết mục tiêu và quan điểm chỉ đạo của Báo cáo nghiên cứu; cơ sở pháp lý về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Tư pháp trong hoạt động giám sát; thực trạng hoạt động giám sát của Ủy ban Tư pháp; phương hướng, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Ủy ban Tư pháp.

Theo quy định của Luật Tổ chức QH, Luật Hoạt động giám sát của QH và các văn bản có liên quan, Ủy ban Tư pháp tiến hành giám sát theo 5 lĩnh vực cơ bản gồm: giám sát kết quả thực hiện thẩm tra báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, báo cáo về công tác thi hành án của Chính phủ, báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng. Xem xét văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Ủy ban. Tổ chức đoàn giám sát (giám sát chuyên đề). Giám sát thông qua việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo. Giám sát thông qua hoạt động giải trình. Phản ánh thực trạng hoạt động giám sát của Ủy ban, dự thảo Báo cáo nghiên cứu nêu rõ, bên cạnh những thành tựu quan trọng đã đạt được, hoạt động giám sát của Ủy ban trên các lĩnh vực nêu trên còn một số hạn chế. Đơn cử, đối với tổ chức đoàn giám sát - một trong những hình thức giám sát tương đối phổ biến của các cơ quan của QH, trong đó có Ủy ban Tư pháp - hoạt động giám sát chuyên đề của Ủy ban tổ chức trên cơ sở chương trình làm việc hàng năm của Ủy ban hoặc do UBTVQH phân công. Các chuyên đề được Ủy ban lựa chọn giám sát đều là những vấn đề bức xúc, liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân hoặc triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp. Kết quả hoạt động giám sát chuyên đề đã làm rõ trách nhiệm của các cơ quan hữu quan, chất lượng điều tra; phát hiện kịp thời các sai sót, vướng mắc góp phần quan trọng vào công tác hoạch định chính sách, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp; cung cấp các thông tin cần thiết cho ĐBQH, UBTVQH đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, làm cơ sở cho việc xem xét, thông qua các dự án luật, nghị quyết có liên quan. Nhiều kiến nghị của Ủy ban thông qua hoạt động giám sát chuyên đề đã được tiếp thu khắc phục những hạn chế trong thi hành Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự... Song thực tế, việc giám sát thông qua phương thức này chưa phân định rõ giữa hoạt động giám sát và khảo sát. Một số thẩm quyền giám sát của Ủy ban Tư pháp quy định trong Luật Tổ chức QH nhưng lại không được quy định trình tự, thủ tục trong Luật Hoạt động giám sát của QH như quyền yêu cầu cung cấp tài liệu, quyền cử thành viên để xem xét, xác minh... nên còn gây khó khăn cho quá trình áp dụng. Việc thực hiện các kiến nghị, kết luận, đề xuất sau giám sát chưa được cơ quan chịu sự giám sát quan tâm triệt để. Việc đôn đốc và theo dõi kết quả việc thực hiện kiến nghị sau giám sát chưa được đặt ra, mà chỉ dừng ở mức độ theo dõi và phản ánh tình hình chung, chưa truy đến cùng việc giám sát.

Đóng góp ý kiến về những đánh giá liên quan đến thực trạng hoạt động giám sát của Ủy ban, các đại biểu tham dự Hội thảo cho rằng, dự thảo Báo cáo nghiên cứu đã nêu được những kết quả đạt được, hạn chế, tồn tại của công tác giám sát, nhưng lại chưa đánh giá được nguyên nhân tại sao giám sát chưa đạt hiệu quả cao? Các hình thức giám sát vì sao chưa đi vào thực chất? Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, sở dĩ hoạt động giám sát của Ủy ban chưa đạt hiệu quả cao như mong muốn là do việc tổ chức giám sát chưa chặt chẽ, chưa quy củ. Thực tế, phạm vi giám sát của Ủy ban Tư pháp khá rộng. Do vậy, trong dự thảo Báo cáo nghiên cứu cần nhận định rõ hơn các hình thức giám sát đã bao phủ hết các chuyên đề, nội dung giám sát của Ủy ban Tư pháp hay chưa? Ngay đối với hình thức giám sát chuyên đề, có thể nhận thấy chất lượng giám sát chuyên đề chưa cao do thời gian dành cho hoạt động giám sát ngắn, khoảng 1 - 2 ngày, thì khó đủ cơ sở để Đoàn giám sát nhận định và đánh giá hết thực trạng tình hình thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan ở cơ sở, địa phương. Trong khi đó, thành phần Đoàn giám sát thường tham gia không đầy đủ, người có đủ thẩm quyền giám sát có khi lại không đến dự. Kết quả giám sát còn chung chung mà không đưa ra được địa chỉ cụ thể. Việc theo dõi kết luận sau giám sát có nơi có lúc bị lãng quên...

Đây có lẽ không chỉ là những khó khăn riêng của Ủy ban Tư pháp mà thực tế triển khai hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH cũng đang gặp phải.

Đồng tình với quan điểm này và nhìn vấn đề ở hoạt động giám sát thông qua thẩm tra báo cáo, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Dương Ngọc Ngưu cho rằng, chất lượng các báo cáo của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chưa cao. Thời điểm chuyển báo cáo sang cơ quan của QH thường chậm so với thời gian quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng tới tiến độ xây dựng cũng như chất lượng báo cáo thẩm tra của Ủy ban. Đặc biệt, tiêu chí để đánh giá chất lượng các báo cáo chưa có, khiến việc giám sát qua báo cáo chưa đạt hiệu quả như mong đợi.      

Vấn đề đặt ra là: liệu rằng đã có đủ cơ sở pháp lý cho hoạt động giám sát hay chưa mà việc triển khai thực hiện hoạt động này trong thực tế vẫn gặp khó? Nhiều đại biểu cho rằng, mấu chốt để đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Ủy ban Tư pháp trước hết phải làm rõ cơ sở lý luận của hoạt động giám sát. Với riêng Ủy ban Tư pháp, thì việc triển khai pháp luật về giám sát thời gian qua có gặp khó khăn gì? Nếu có thì khó khăn, vướng mắc ở đâu? Từ đó chỉ rõ nguyên nhân, giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát là gì? Đây là những nội dung mà dự thảo Báo cáo nghiên cứu cần được bổ sung, hoàn thiện. Cho rằng, không quá khó để nhận thấy, thực tế luật định cho hoạt động giám sát đã tương đối đầy đủ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nga nhận định, lỗi trong hoạt động giám sát là do khâu tổ chức thực hiện và chế tài thực hiện theo dõi các kiến nghị sau giám sát. Để đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng giám sát thì việc cần phải làm ngay là tổ chức lại cách thức thực hiện hoạt động giám sát; nâng cao chế tài thực hiện theo dõi các kiến nghị sau giám sát.

Và trên cơ sở phân tích về hoạt động cũng như các hình thức giám sát của Ủy ban trong thời gian qua, các đại biểu cơ bản nhất trí với phương hướng nêu trong dự thảo Báo cáo nghiên cứu là: hoàn thiện hệ thống pháp luật về tổ chức và hoạt động giám sát của QH, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH, trong đó có Ủy ban Tư pháp. Bởi hiện nay, Hiến pháp, Luật Hoạt động giám sát của QH năm 2003 và một số văn bản quy phạm pháp luật khác đã có quy định về hoạt động giám sát của QH theo hướng ngày càng hoàn thiện. Nhưng nhìn chung, các quy định mới chỉ dừng ở xác định những vấn đề có tính nguyên tắc chung, chưa đủ cụ thể để triển khai có hiệu quả trên thực tế. Từ thực hiện hoạt động các quy định về hoạt động giám sát đã bộc lộ nhiều hạn chế nhất định. Phạm vi trách nhiệm của cơ quan chịu sự giám sát, người chịu sự giám sát và hậu quả pháp lý của việc không thực hiện những kiến nghị trong các báo cáo thẩm tra của QH, Ủy ban Tư pháp chưa được Luật quy định cụ thể; chưa phân định rõ việc thẩm tra, xem xét báo cáo là phương thức thực hiện giám sát với việc xem xét báo cáo để bảo đảm về nội dung, thủ tục trình ra kỳ họp QH. Để giải quyết được những vướng mắc về cơ sở pháp lý cho hoạt động giám sát của QH, Ủy ban Tư pháp trong tình hình hiện nay cần nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước.

Sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của QH. Và một trong những hướng sửa đổi Luật này là nên quy định cụ thể phạm vi, đối tượng, hình thức, cách thức tiến hành giám sát, hậu quả pháp lý sau giám sát đối với hoạt động giám sát của QH, UBTVQH, Ủy ban Tư pháp và trách nhiệm của các cơ quan trong việc không thực hiện đầy đủ quy định của Luật. Đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan đến hoạt động giám sát của QH đối với một số đạo luật, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Hoàng Ngọc

(http://daibieunhandan.vn)

Các bài viết khác