Hội thảo Tổ chức chính quyền địa phương - kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam

09/01/2013

Ngày 7 - 8.1, tại Nam Định, Viện Nghiên cứu lập pháp của UBTVQH đã phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ và Dự án Nghiên cứu lập pháp Việt Nam tổ chức Hội thảo chuyên đề Tổ chức chính quyền địa phương – kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vừa được Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp công bố rộng rãi để lấy ý kiến nhân dân đã dành một chương để quy định về chính quyền địa phương. Về cơ bản, nội dung Chương Chính quyền địa phương kế thừa các quy định về HĐND và UBND trong Hiến pháp hiện hành. Tuy nhiên, từ thực tiễn tổ chức chính quyền địa phương hiện nay, các đại biểu dự Hội thảo cho rằng, đang có rất nhiều vấn đề đặt ra mà Hiến pháp sửa đổi lần này cần phải giải đáp. Hiến pháp sửa đổi phải trả lời được các câu hỏi: Phân định thẩm quyền giữa Trung ương và địa phương như thế nào? Trung ương được làm gì và địa phương được làm gì? Tài chính do ai quản lý và do ai chi? Chính quyền địa phương tổ chức và hoạt động theo mô hình nào? Gồm mấy cấp? Do dân bầu hay bổ nhiệm? Cũng theo các đại biểu này, sửa đổi Hiến pháp lần này nên xác định rõ nguyên tắc hệ thống chính quyền nước ta có sự phân cấp chứ không chỉ là phân công để phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương có nhiều khác biệt về điều kiện tự nhiên, hạ tầng, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh... bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của chính quyền; làm rõ sự khác biệt giữa chính quyền đô thị và chính quyền địa phương.

Liên quan đến tổ chức, hoạt động của HĐND, nhiều ý kiến nhấn mạnh, thực tiễn thực thi Hiến pháp năm 1992 và Luật Tổ chức HĐND và UBND hiện hành cho thấy vẫn còn nhiều nội dung quy định về chức năng, nhiệm vụ của HĐND chưa hoàn toàn sáng rõ trong cách hiểu và trong tổ chức thực hiện của các cấp, ngành từ Trung ương đến cơ sở, trong đó có việc xác định vai trò, vị trí của HĐND các cấp trong hệ thống chính trị và trong bộ máy chính quyền địa phương. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã xác định: HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương; đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân; do nhân dân bầu ra; chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. Tuy nhiên, để các quy định này được bảo đảm thực hiện thì cần tiếp tục làm rõ nội hàm của khái niệm cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương; làm rõ vai trò, vị trí của HĐND trong hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng và trong bộ máy chính quyền địa phương để có sự thống nhất về nhận thức và tổ chức thực hiện; không nên quan niệm cơ quan dân cử là cơ quan chấp hành cơ quan nhà nước cấp trên một cách thụ động. Đồng thời, cần đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan dân cử để bảo đảm thiết chế dân chủ này hoạt động thực sự có hiệu quả. Theo đó, chức danh Chủ tịch HĐND nên do Bí thư cấp ủy kiêm nhiệm, không nên để Bí thư cấp ủy kiêm Chủ tịch UBND.

B. Long

(http://daibieunhandan.vn/)

Các bài viết khác