Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội nghe báo cáo kết quả thực hiện Luật Bảo hiểm y tế

06/04/2013

Sáng 4.4, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã làm việc với Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội và các cơ quan liên quan nghe báo cáo về kết quả thực hiện Luật Bảo hiểm y tế.

Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai chủ trì cuộc làm việc.

Sau 3 năm triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), chính sách BHYT đã đi vào cuộc sống, giữ vai trò quan trọng là trụ cột an sinh xã hội. Nguồn thu từ BHYT đã đóng góp được khoảng 80% tổng kinh phí phục vụ KCB tại các bệnh viện, trong đó bảo đảm 90% kinh phí cho bệnh viện tuyến huyện và 60% cho bệnh viện tuyến Trung ương. Đến thời điểm này, số người tham gia BHYT đã đạt khoảng 69% dân số. Tuy nhiên, tính đến năm 2013, còn khoảng 30% dân số chưa tham gia BHYT. Việc phát triển, mở rộng tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân gặp nhiều khó khăn đối với các đối tượng tự nguyện, hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên, người lao động tự do. Việc phân cấp quản lý quỹ BHYT còn chồng chéo, gây khó khăn cho việc điều tiết, quản lý quỹ.

Chủ nhiệm Ủy ban Trương Thị Mai cho rằng, Luật BHYT mới thực hiện được thời gian ngắn nhưng đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng. Đây là nỗ lực lớn của Đảng và Nhà nước trong thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội.

Chiều cùng ngày, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã tổ chức Tọa đàm chuyên gia Luật Dược, những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược tập trung vào các nhóm vấn đề lớn: chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực dược; chính sách khuyến khích đầu tư và phát triển ngành công nghiệp dược; cơ chế quản lý giá thuốc; hệ thống phân phối thuốc; các nhóm quy định liên quan đến những vấn đề như thuốc generic, dược lâm sàng,… Về cơ chế quản lý giá thuốc, dự thảo quy định về 3 phương pháp chính: Đấu thầu đối với thuốc được chi trả bằng ngân sách Nhà nước và bảo hiểm y tế; Nhà nước định giá đối với thuốc phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia, thuốc chống dịch bệnh, thiên tai và thuốc dự trữ quốc gia; Quản lý theo thặng số bán buôn toàn chặng đối với các loại thuốc còn lại. Một số ý kiến lo ngại, việc đưa phương pháp quản lý giá thuốc theo thặng số bán buôn toàn chặng vào dự thảo là quá sớm, bởi hiện nay Thông tư hướng dẫn thực hiện thí điểm phương pháp này còn chưa có hiệu lực, chưa có thực tiễn chứng minh hiệu quả. Nếu đưa phương pháp này vào dự thảo, cần quy định cụ thể hơn, để khi Luật được thông qua và có hiệu lực thi hành có thể áp dụng ngay  mà không phải chờ văn bản hướng dẫn. Chủ nhiệm Ủy ban Trương Thị Mai đề nghị, Ban soạn thảo cần sớm hoàn thiện Báo cáo tổng kết 7 năm thực hiện Luật Dược và các nhóm vấn đề chính cần sửa đổi, bổ sung trong dự thảo.

Theo chương trình, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược sẽ trình QH Khóa XIII tại kỳ họp thứ Sáu tới.

 

 

Quang Vũ – Ngọc Điệp

(http://daibieunhandan.vn/)

Các bài viết khác