Tiếp tục chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Hợp tác kinh tế đi vào thực chất

25/06/2008

(LĐĐT) - Trong ngày làm việc thứ hai của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hoa Kỳ, những nội dung được đề cập trong các cuộc gặp gỡ được đánh giá là đã bàn thảo những vấn đề thực chất góp phần giải quyết những bức xúc hiện nay của các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.

* 13h10 ngày 24.6 (tức 0h10 phút ngày 25.6 - giờ Hà Nội), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ G. W Bush tại Nhà Trắng.

Mở đầu ngày làm việc thứ hai tại Hoa Kỳ (24.6), 8 giờ sáng (tức 19 giờ tối cùng ngày - giờ Hà Nội), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp Chủ tịch và một số CEO - Giám đốc điều hành - thành viên Hiệp hội giới chủ Hoa Kỳ do bà Barshefsky - nguyên đại diện Thương mại Hoa Kỳ tổ chức. Tiếp đó, Thủ tướng và một số quan chức Chính phủ đã gặp Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Carlos Gutierrez.

Cuộc tái ngộ của “những người bạn”

Có một cuộc tái ngộ khá bất ngờ và cảm động giữa cựu Bộ trưởng Thương mại nước ta - ông Trương Đình Tuyển và cựu Đại diện Thương mại Hoa Kỳ - bà Barsefsky. Đây vốn là 2 “kỳ phùng địch thủ” trong các phiên đàm phán nảy lửa để đi đến ký kết Hiệp định thương mại Việt - Mỹ nổi tiếng hồi tháng 7.2000.

Người phụ nữ nhỏ bé nhưng quá sắc sảo và cứng rắn này đã từng được ông Tuyển nể phục. Nay họ gặp nhau tay bắt mặt mừng và tuy không giữ những trọng trách nhưng sự có mặt của họ tại đây chứng tỏ họ đang làm cho những cam kết trước đây thành hiện thực. Với vai trò tổ chức cuộc gặp của các giới chủ Hoa Kỳ với Thủ tướng VN, bà Barsefsky mong muốn giữ vai trò cầu nối trong đầu tư của Mỹ vào VN.

Trước đó vào 0 giờ sáng 24.6 (giờ Hà Nội), đương kim Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, bà Susan Schwab cũng đã có cuộc gặp Thủ tướng Nguyến Tấn Dũng. Cũng xin nhắc lại chi tiết thú vị là bà Susan Schwab cũng là đối thủ ngang ngửa của cựu bộ trưởng Tuyển trong cuộc đàm phán song phương với Hoa Kỳ về việc VN gia nhập WTO. Và kết quả cũng đã khá trọn vẹn (tuy hơi muộn) với bản ký kết vào ngày cuối cùng của tháng 5.2006, mở đường cho VN chính thức trở thành thành viên WTO vào ngày 7.11 cùng năm đó.

Trên bàn đàm phán năm xưa họ là những đối thủ - nhưng là đối thủ trong sự hợp tác đi đến một mục tiêu - như cách nói của anh Phạm Dũng, người đang làm cho một công ty luật nổi tiếng trên đất Mỹ và cũng là người cùng bà Barsefsky tố chức cuộc gặp giữa các CEO thực sự của Mỹ với Thủ tướng VN.

Hợp tác thực chất

Như tin đã đưa, cuộc họp của Hội đồng tư vấn nâng cao năng lực cạnh tranh Việt- Mỹ đã đi vào bàn những vấn đề thực chất mà VN đang rất cần lắng nghe và áp dụng. Phó chủ tịch Citigroup, Jefrey R. Schafer đã trình bày về một vấn đề mang tính vĩ mô của nền kinh tế VN đang phải giải quyết: Cân bằng giữa tăng trưởng và kiềm chế lạm phát. Một vấn đề bức xúc khác là phát triển thị trường vốn cũng đã được GĐ Tập doàn Goldman Sachs, ông Lloyd Blankfein phân tích thấu đáo.

Còn theo Tham tán Thương mại VN tại Hoa Kỳ Ngô Văn Thoan thì tại cuộc chiêu đãi của bà Susan Schwab vấn đề về rào cản thương mại với hàng xuất khẩu VN đã được đề cập thẳng thắn (như các câu chuyện về chống bán phá giá, việc Mỹ vẫn còn áp dụng quy chế giám sát với hàng dệt may, chống trợ cấp…).

Đặc biệt, có 2 yêu cầu quan trọng với Hoa Kỳ cũng đã được Thủ tướng đề cập trong cuộc gặp này là nhanh chóng cho VN được hưởng quy chế ưu đãi thuế quan đặc biệt (GSP) và công nhận nền kinh tế thị trường của VN. Thủ tướng đã nói với bà Susan Schwab rằng, việc chưa cho VN được hưởng GSP là bất công, ngoài hậu quả làm thiệt hại cho các DN VN còn là không nhân đạo với những người nghèo.

Vấn đề hợp tác thực chất còn thể hiện tại cuộc gặp giữa Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Carlos Gutierrez với Thủ tướng vào sáng 24.6 (tức tối cùng ngày giờ Hà Nội). Cũng theo Tham tán thương mại Ngô Văn Thoan thì tại cuộc gặp này, việc tuyên bố khởi động vòng đàm phán Hiệp định đầu tư song phương sẽ có ý nghĩa đặc biệt vì nếu thành công nó sẽ mở cửa tiếp cho việc đàm phán và ký kết Hiệp định tự do thương mại VN - Hoa Kỳ - cái đích cuối cùng trong quan hệ kinh tế thương mại Việt- Mỹ.  

Mong bà con hướng về quê hương đất nước

Chiều muộn ngày 23.6 (tức sáng ngày 24.6 - giờ Hà Nội), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp mặt thân mật với các cán bộ nhân viên ĐSQ, học sinh sinh viên và đại diện Việt kiều tại Hoa Kỳ.

Sau khi thông báo ngắn gọn mục tiêu của chuyến tham chính thức Hoa Kỳ, Thủ tướng cho biết: Hiện VN có 3,2 triệu Việt kiều sinh sống tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có gần 1/2 sinh sống tại Hoa Kỳ. Hầu hết kiều bào ta tại đây đều hướng về tổ quốc, tuy nhiên vẫn còn một số ít do mặc cảm hoặc thiếu thông tin nên vẫn có những hiểu lầm, có thái độ không tốt với đất nước.

Thủ tướng cho rằng, dù ra đi với động cơ mục đích gì thì người VN ở nước ngoài vẫn là một phần máu thịt của VN. Thủ tướng nhắc nhở các cán bộ ĐSQ phải quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để đảm bảo quyền lợi chính đáng của bà con Việt kiều đang sống tại Hoa Kỳ. Thủ tướng nhấn mạnh: Không có lý do gì mà cùng là người Việt lại thù hận lẫn nhau trong khi cả VN và Hoa Kỳ đã khép lại quá khứ, cùng nhau hợp tác xây dựng mối quan hệ nhiều mặt trong tương lai. Đ.C

 

Đình Chúc (từ Washington DC)

(http://www.laodong.com.vn/)

Các bài viết khác