ỔN ĐỊNH MÔI TRƯỜNG PHÁP LÝ CHO VIỆC ĐẦU TƯ VỐN NHÀ NƯỚC VÀO SẢN XUẤT KINH DOANH

09/08/2022

Trình Ủy ban Pháp luật đề nghị xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, dự án Luật này được xây dựng nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật, ổn định môi trường pháp lý cho việc đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.

Đề nghị đưa dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023

Toàn cảnh phiên họp

Trình bày Tờ trình tại Phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Pháp luật, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới, cơ cấu lại và phát triển doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Cùng với đó, việc sửa đổi Luật cũng góp phần kịp thời khắc phục những bất cập, vướng mắc của Luật số 69/2014/QH13 hiện hành. Trong giai đoạn vừa qua, một số chủ trương, quan điểm chỉ đạo và hệ thống pháp luật liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp có thay đổi; một số quy định của Luật số 69/2014/QH13 đã bộc lộ vướng mắc, hạn chế, cần thiết phải được rà soát, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn và định hướng cơ cấu lại DNNN trong thời gian tới. Việc sửa đổi Luật cũng đảm bảo thống nhất, phù hợp với các luật hiện hành (Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch; Luật Đầu tư công; Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư) và các cam kết, điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt Nam là thành viên.

Về mục đích sửa đổi Luật, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, việc sửa đổi toàn diện Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật, ổn định môi trường pháp lý cho việc đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước và doanh nghiệp; đảm bảo tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, giám sát của nhà nước trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; đảm bảo DNNN hoạt động theo cơ chế thị trưởng trong các ngành, nghề kinh doanh theo yêu cầu của Nhà nước (chủ sở hữu).

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu

Đối với quan điểm xây dựng luật, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nêu rõ, dự án Luật được xây dựng nhằm thể chế hóa đầy đủ, chính xác quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; đổi mới, cơ cấu lại và phát triển DNNN phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Kế thừa, phát huy và hoàn thiện những quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; loại bỏ những quy định không còn phù hợp với thực tiễn. Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà CHXHCN Việt Nam là thành viên. Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp gắn với đẩy mạnh phân công, phân cấp cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cũng nhấn mạnh, việc xây dựng dự án Luật qusán triệt đầy đủ các nội dung mang tính nguyên tắc: quy định rõ vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản vốn của doanh nghiệp; Doanh nghiệp nhà nước tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh, hoạt động theo cơ chế thị trưởng, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng; Nhà nước là chủ sở hữu đầu tư vốn, không can thiệp hành chính vào hoạt động và quản trị sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; Cơ cấu lại, đổi mới doanh nghiệp nhà nước theo cơ chế thị trường là quá trình thường xuyên, liên tục với phương thức, giải pháp thực hiện và lộ trình hợp lý; Có giải pháp minh bạch hoạt động của DNNN gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát, kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; phòng ngừa thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước; Nâng cao trình độ, năng lực quản trị, phẩm chất đạo đức để kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Về phạm vi điều chỉnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, Luật quy định việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp: giám sát việc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Về đối tượng áp dụng, Luật áp dụng đối với Đại diện chủ sở hữu nhà nước; Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Doanh nghiệp do các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội nắm giữ 100% vốn điều lệ; Người đại diện phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp: Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Về các chính sách, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, Chính phủ lập đề nghị xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) với 04 chính sách: Đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp; Cơ cấu lại vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; Quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu.

Về quy trình lập đề nghị xây dựng luật, Thứ trưởng Bộ Tư pháp nêu rõ, thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan lập đề nghị xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) và chuẩn bị các tài liệu kèm theo; đăng tải hồ sơ trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ và Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài chính để lấy ý kiến; lấy ý kiến bằng văn bản của các bộ, cơ quan liên quan; tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý. Đề nghị xây dựng Luật đã được Bộ Tư pháp thẩm định và được Chính phủ thông qua tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022 (Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 08/4/2022 của Chính phủ).

Về thời gian trình, thông qua, trên cơ sở hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thủ 5 (tháng 5/2023), thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

Minh Hùng