Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3-2009

01/04/2009

Trong ba ngày 30, 31-3 và 1-4, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Tại phiên họp này, Chính phủ nghe Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Võ Hồng Phúc trình bày hai báo cáo bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2008 và triển khai thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2009 và Báo cáo tình hình triển khai thực hiện những giải pháp cấp bách ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh báo cáo bổ sung tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2008 và triển khai thực hiện dự toán NSNN năm 2009. Các giải pháp xử lý hụt thu NSNN năm 2009. Chính phủ cũng đã dành thời gian xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I-2009, các ý kiến đóng góp của các thành viên Chính phủ đều cho rằng: Trong quý đầu năm triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn thách thức. Sự suy thoái ngày càng sâu của kinh tế thế giới, giá xuất khẩu giảm cùng với sự thu hẹp thị trường xuất khẩu, thiên tai, dịch bệnh... đã tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nhờ triển khai nhanh, quyết liệt thực hiện các giải pháp cấp bách, theo Nghị quyết số 30/2008/ NÐ-CP của Chính phủ, nhìn chung tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I có dấu hiệu chuyển biến theo hướng tích cực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tăng trưởng kinh tế được duy trì; cán cân thanh toán cân đối, cán cân thương mại có xuất siêu, điều hành lãi suất, tỷ giá linh hoạt... Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành và sự cố gắng của DN, nền kinh tế vẫn có tăng trưởng nhưng tốc độ tăng thấp hơn quý I-2008. Tốc độ tăng trưởng sản phẩm trong nước (GDP) quý I đạt 3,1%, thấp hơn so cùng kỳ là 7,49%.

Về sản xuất công nghiệp và xây dựng, sản xuất công nghiệp tăng thấp nhưng bắt đầu có những cải thiện nhất định, giá trị sản xuất công nghiệp quý I đạt 152,9 nghìn tỷ đồng, tăng 2,1% so cùng kỳ. Trong đó, khu vực DN ngoài Nhà nước tăng 5%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 2,9%... giá trị sản xuất công nghiệp hầu hết các địa phương đều giảm hoặc tăng thấp. Lĩnh vực xây dựng có chuyển biến nhanh hơn, tốc độ tăng giá trị gia tăng của ngành xây dựng trong quý I đạt mức cao là 6,9% (cùng kỳ năm 2008 giảm 0,4%). Sản xuất nông nghiệp tăng chậm nhưng đang có triển vọng phát triển tốt, đánh bắt hải sản tăng cao do thời tiết thuận lợi, giá xăng dầu giảm, đánh bắt có lãi, ngư dân phấn khởi ra khơi...

Ðặc biệt trong quý I, khu vực dịch vụ có mức tăng trưởng cao nhất so với sản xuất nông nghiệp và công nghiệp với tốc độ tăng giá trị gia tăng là 5,4%. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ba tháng đầu năm giảm 16,1% so cùng kỳ, nhưng lượng khách du lịch trong nước tăng do kích cầu giảm giá.

Ðối với hoạt động xuất nhập khẩu: kim ngạch xuất khẩu quý I đạt 13,48 tỷ USD, tăng 2,4% so cùng kỳ... Kim ngạch nhập khẩu quý I ước đạt 11,83 tỷ USD, giảm 45% so cùng kỳ.

Thu hút vốn ODA trong ba tháng đầu năm có ba chương trình dự án được ký kết thông qua hiệp định với tổng giá trị 26,2 triệu USD; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có 93 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,2 tỷ USD, giảm 72% về số dự án và 70% về vốn đăng ký so cùng kỳ.

Trước khó khăn của nền kinh tế do sản xuất bị thu hẹp dẫn đến thiếu việc làm ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống người lao động, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo, đồng bào dân tộc ở các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, các đối tượng chính sách và những người bị mất việc làm. Do chịu tác động của suy thoái kinh tế thế giới, đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong quý I đều giảm sút, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt thấp so với kế hoạch nhưng với quyết tâm, nỗ lực của Ðảng và Nhà nước, của các cấp, các ngành, của DN và toàn dân, tình hình kinh tế mặc dù đang khó khăn nhưng bắt đầu có chuyển biến theo chiều hướng tích cực, khá rõ nét trong hầu hết các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế. Tình hình chính trị - xã hội tiếp tục ổn định. Những khó khăn tạm thời của sản xuất, kinh doanh cũng như việc làm và đời sống nhân dân đang được Chính phủ chỉ đạo giải quyết. Căn cứ tình hình kinh tế thế giới, tình hình kinh tế - xã hội quý I và sự tác động tích cực của gói kích cầu trong các tháng tới dự báo tăng trưởng kinh tế trong quý II và các quý tiếp theo sẽ tăng trưởng cao hơn. Ðây là điều kiện để cả nước phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cả năm 2009 khoảng từ 5 đến 5,5%.

Ðể đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm, cùng với việc tiếp tục triển khai năm nhóm giải pháp chống suy giảm kinh tế, bảo đảm tăng trưởng và an sinh xã hội, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đề xuất bổ sung tám giải pháp để Chính phủ xem xét cho ý kiến thực hiện trong những tháng tới, gồm: tập trung chỉ đạo quyết liệt giải ngân các nguồn vốn đầu tư; khai thác mức cao nhất nguồn vốn ODA; trình Quốc hội nâng mức phát hành trái phiếu lên 20 nghìn tỷ đồng, bổ sung vốn đầu tư, trong đó có chương trình xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho sinh viên; ngân sách vay vốn của Ngân hàng Nhà nước bổ sung vốn cho các dự án cấp bách; mở rộng diện cho vay hỗ trợ lãi suất; giảm lãi suất tín dụng ưu đãi Nhà nước cho vay các chương trình trọng điểm; tổ chức đôn đốc, kiểm tra tiến độ thực hiện đi đôi với đẩy mạnh xúc tiến thương mại...

Lần đầu tham dự phiên họp trực tuyến của Chính phủ, lãnh đạo UBND 63 tỉnh, thành phố, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Khánh Hòa đã phát biểu ý kiến thống nhất với đánh giá của Chính phủ về thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong ba tháng đầu năm, chia sẻ trước tình hình khó khăn chung của đất nước, đồng thời báo cáo kết quả triển khai thực hiện năm nhóm giải pháp của Chính phủ. Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân cho biết, để thực hiện chủ trương bảo đảm an sinh xã hội, TP Hồ Chí Minh đã tập trung kiểm tra, rà soát tình hình giải quyết việc làm trên địa bàn. Qua kiểm tra 195 DN gặp khó khăn phải ngừng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất có hơn 26 nghìn lao động mất việc làm, thành phố đã sắp xếp, bố trí, động viên các DN mới thành lập thu hút trở lại 21.382 lao động, đây là nỗ lực rất lớn để bảo đảm an sinh xã hội của thành phố. Trong khó khăn hiện nay, thành phố chưa đặt vấn đề điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng mà Ðảng bộ, chính quyền thành phố đang động viên lực lượng nỗ lực cao nhất để vượt qua khó khăn, hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng. Thành phố cũng kiến nghị T.Ư một số vấn đề như: Có định hướng thông tin, nhất là những thông tin dự báo để không gây ảnh hưởng đến tâm lý nhân dân trong giai đoạn khó khăn; cho chỉ định mua sắm trang thiết bị mới không qua đấu thầu làm mất cơ hội... Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Ninh, cho biết, trước tác động của tình hình suy giảm kinh tế thế giới, tỉnh Thanh Hóa chưa có DN nào phá sản, nhưng sản xuất cầm chừng, nhiều sản phẩm ứ đọng không tiêu thụ được như cao-su, tinh bột sắn, xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ gặp khó khăn. Một số chỉ tiêu kế hoạch của quý I không đạt nhưng tỉnh đang tập trung tìm biện pháp tháo gỡ. Cũng tại buổi họp trực tuyến, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã báo cáo tiến độ giải phóng, bàn giao mặt bằng khu kinh tế Nghi Sơn và Nhà máy lọc dầu, tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng và đề xuất với Chính phủ một số vấn đề liên quan đến đầu tư phát triển, chống buôn lậu, bảo vệ sản xuất trong nước...

Phát biểu ý kiến kết thúc thảo luận tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Qua thảo luận, cập nhật thông tin, tiếp thu các ý kiến bổ sung về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách, đánh giá tình hình quý I cho thấy các chỉ tiêu thực hiện đều đạt thấp so với kế hoạch nhưng vẫn tăng cao so với nhiều nước. Thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy ở hơn 170 nước chỉ có 12 nước tăng trưởng dương, trong đó có Việt Nam. Trong tháng 2 và tháng 3, kinh tế đất nước bắt đầu có bước chuyển biến theo hướng tích cực, nông nghiệp được mùa, chăn nuôi phát triển và kiểm soát được dịch bệnh, đánh bắt hải sản tăng khá. Sản xuất công nghiệp từ tháng 6-2008 bắt đầu giảm dần đến cuối năm, nhưng đến tháng 2, tháng 3 tiếp tục tăng, xây dựng cùng kỳ âm, đến quý I năm nay tăng mạnh. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng là kết quả của việc thực hiện chính sách kích cầu... Giải ngân vốn đầu tư tăng do tháo gỡ khó khăn, kinh tế vĩ mô được kiểm soát, chính trị - xã hội ổn định. Dự báo trong quý II và các quý tiếp theo, kinh tế sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn quý I.

Thủ tướng lưu ý: Bước vào thực hiện kế hoạch năm 2009 khi kinh tế thế giới suy giảm sâu đã tác động đến hoạt động xuất khẩu, đầu tư nước ngoài tăng chậm lại, công nghiệp xây dựng tăng thấp so cùng kỳ, khách du lịch giảm mạnh là những yếu tố khách quan tác động trực tiếp đến kinh tế nước ta. Bằng sự nỗ lực của toàn Ðảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị cả nước đã đồng tâm hiệp lực vượt qua khó khăn, tạo chuyển biến mới. Trước diễn biến phức tạp của tình hình trong chỉ đạo điều hành cần tiếp tục theo dõi những biến động bất thường, nỗ lực khắc phục những yếu kém trong chỉ đạo điều hành, kịp thời tháo gỡ vướng mắc về thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư... Tranh thủ thời cơ, tổ chức điều hành quyết liệt để vượt qua khó khăn thách thức. Tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là ngăn chặn suy giảm, vừa duy trì, vừa phấn đấu khôi phục đà tăng trưởng, bảo đảm phát triển bền vững, giữ ổn định kinh tế vĩ mô và những cân đối lớn, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng. Tới đây, Chính phủ sẽ xin ý kiến Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng khoảng 5%, chỉ tiêu bội chi ngân sách không quá 8%.

Các giải pháp trong thời gian tới là tập trung thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhóm giải pháp, trong đó tập trung vào năm nhóm giải pháp cấp bách có bổ sung. Chú trọng mở rộng kích cầu tiêu dùng khu vực nông thôn cho nông dân vay vốn ưu đãi mua máy móc phục vụ sản xuất, mua vật liệu xây dựng nhà ở, mua phương tiện đi lại. Lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xây dựng tập trung tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai dự án, các dự án đầu tư từ NSNN cần tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng, giải ngân. Ði đôi với phát triển sản xuất, tăng cường chống buôn lậu, bảo vệ sản xuất trong nước. Thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, nhất là thị trường nông thôn, nông dân.

Nhóm chính sách tiền tệ vừa qua đã làm tốt, cần tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh lãi suất cơ bản, lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn. Tiếp tục triển khai mở rộng cho vay hỗ trợ lãi suất đầu tư cho những dự án mới. Ðối với những khoản vay hỗ trợ lãi suất không đúng đối tượng cho thu hồi, đồng thời đẩy mạnh bảo lãnh cho vay vốn, giảm lãi suất cho vay người nghèo. Ði đôi với các chính sách hỗ trợ sản xuất, tiếp tục thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Về chỉ đạo điều hành: Các bộ, ngành, địa phương cần triển khai quyết liệt các nhóm giải pháp chống suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội. Thường xuyên đôn đốc kiểm tra thực hiện, kịp thời giải quyết vướng mắc, khó khăn; làm tốt công tác thông tin tuyên truyền tạo ra sự đồng thuận trong xã hội để vượt qua thử thách.

Trong kỳ họp lần này, Chính phủ cũng nghe và cho ý kiến kết luận các báo cáo của các bộ: Nội vụ, Ngoại giao, Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Tờ trình của Bộ trưởng Xây dựng; Báo cáo về việc ký Công ước La Hay của Bộ Tư pháp; Tờ trình về điều chỉnh thời điểm trình dự án Luật Báo chí (sửa đổi)... và thảo luận 6 dự án luật.

* Chiều 31-3, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ dưới sự điều hành của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Cao Viết Sinh trình bày tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I-2009 và tình hình triển khai các giải pháp kích cầu theo Nghị quyết 30/2008/NQ-CP. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc giới thiệu kết quả phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 3 và nêu rõ quyết tâm và những biện pháp chỉ đạo thực hiện của Chính phủ trong thời gian tới.

Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Trần Nam giới thiệu Nghị quyết của Chính phủ về chính sách phát triển nhà ở cho sinh viên các trường đại học, công nhân lao động tại các khu công nghiệp và người thu nhập thấp tại khu vực đô thị. Ðây là một chính sách lớn của Chính phủ được sự đồng thuận, ủng hộ cao của các tầng lớp nhân dân.

Tại cuộc họp báo, lãnh đạo các bộ, ngành đã trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên.

 

(http://www.nhandan.com.vn/)

Các bài viết khác