Tại phiên họp thường kỳ tháng 3: Chính phủ thảo luận về năm dự án Luật

02/04/2009

Ngày 1-4, ngày cuối cùng của phiên họp thường kỳ tháng 3, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã nghe và cho ý kiến về năm dự án Luật.

Các dự án luật được thảo luận trong phiên họp lần này bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản; Luật Viễn thông; điều chỉnh thời điểm trình dự án Luật Báo chí (sửa đổi) và việc ký Công ước La Hay năm 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp đã báo cáo với Chính phủ và được phép lùi thời điểm trình Chính phủ dự án Luật Báo chí (sửa đổi) đến tháng 2-2010. Vì vậy, thời gian Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về dự án Luật sẽ phải lùi đến tháng 3-2010; tiếp đó trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến dự án Luật tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII trong tháng 5-2010 và sẽ thông qua Luật này tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII vào tháng 10-2010. Lý do mà Bộ trưởng Lê Doãn Hợp xin lùi thời điểm trình dự án này là một số nội dung của Luật cần được làm rõ như: tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; sự lãnh đạo của Ðảng, quản lý của Nhà nước đối với hoạt động báo chí;  nội  dung  quản    nhà  nước,  nhất là công tác cán bộ báo chí, thẩm quyền bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo báo chí; cung cấp thông tin cho báo chí;  khi báo chí thông tin sai sự thật thì ngoài cải chính, bị xử lý theo pháp luật còn phải bồi thường ra sao về thiệt hại cho tổ chức, cá nhân... Về dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Ban soạn thảo Luật do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phải thể hiện rõ trong Luật là tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, sự quản lý của Nhà nước, đồng thời tạo điều kiện cho báo chí phát huy vai trò của mình để thật sự là công cụ của Ðảng, Nhà nước và nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Thủ tướng nhấn mạnh, vấn đề đặt ra là phải sửa đổi toàn diện Luật Báo chí (sửa đổi) cho phù hợp với giai đoạn mới của cách mạng nước ta.

Về sự cần thiết phải có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh nêu rõ: Hiện nay, tình trạng vi phạm trong việc sử dụng, phát huy giá trị di tích vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi. Nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội còn chưa được gắn kết chặt chẽ với các dự án bảo tồn di tích. Việc triển khai quy hoạch hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020 còn chậm. Tổ chức bộ máy và hoạt động thực tiễn về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể còn có sự lúng túng, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, đoàn thể liên quan... Tình trạng trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, ý nghĩa của di sản văn hóa; pháp luật về di sản văn hóa vẫn còn những quy định chưa cụ thể, chưa phù hợp với thực tế...

Về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Tờ trình của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu báo cáo với Chính phủ nêu rõ quan điểm của Ðảng và Nhà nước ta là giảm tỷ lệ mắc bệnh tật và tử vong, nâng cao sức khỏe, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng giống nòi, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực, hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe đồng bộ từ trung ương đến cơ sở và thói quen giữ gìn sức khỏe của nhân dân, đáp ứng yêu cầu CNH, HÐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, việc ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh là cần thiết.

Tiếp đó, Chính phủ dành nhiều thời gian nghe và cho ý kiến về Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản do Thứ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Cao Viết Sinh báo cáo. Về sự cần thiết xây dựng dự án Luật này, Tờ trình nêu rõ: Một số luật và văn bản hướng dẫn thi hành chưa được ban hành kịp thời, những nội dung không phù hợp với thực tiễn nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung. Nội dung của một số luật văn bản hướng dẫn thi hành chưa phù hợp với thực tế hoặc không thống nhất. Những vấn đề nêu trên đang là những trở ngại cho việc triển khai thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản ở các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua, là mối quan tâm và sự bức xúc của nhiều bộ, ngành, địa phương và nhà đầu tư. Ban soạn thảo đã thống nhất báo cáo với Thường trực Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, phạm vi điều chỉnh của Luật này là: Tập trung sửa đổi, bổ sung những vấn đề vướng mắc, bức xúc nhất trong các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, bao gồm các Luật: Xây dựng, Ðầu tư, Ðấu thầu, Doanh nghiệp, Ðất đai, Bảo vệ môi trường, Phòng cháy và chữa cháy và Nghị quyết số 66/2006/QH 11. Như vậy, còn một số luật, pháp lệnh khác có liên quan đến đầu tư xây dựng chưa xem xét trong Luật này.

Về Tờ trình về dự án Luật Viễn thông do Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp trình bày, cho thấy, trong những năm qua cùng với quá trình phát triển của đất nước, ngành viễn thông Việt Nam là một trong những ngành có bước phát triển rất nhanh và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Với những chính sách tích cực về viễn thông, nhất là sau khi ban hành Pháp lệnh Bưu chính - Viễn thông năm 2002, đã tạo ra hành lang pháp lý để thúc đẩy cạnh tranh, khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp mới tham gia thị trường. Mạng lưới cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông và chất lượng dịch vụ viễn thông ngày càng được hoàn thiện và nâng cao, trong khi giá cước từng bước giảm xuống bằng và thấp hơn mức bình quân của khu vực và thế giới. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai các quy định về viễn thông, đặc biệt khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO, Pháp lệnh Bưu chính - Viễn thông đã bộc lộ một số điểm không còn phù hợp. Vì vậy, việc xây dựng Luật Viễn thông là hết sức cần thiết. Về việc Việt Nam tham gia Công ước La Hay, báo cáo của Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường nêu rõ mục đích nước ta tham gia Công ước là tạo ra cơ sở pháp lý quốc tế đa phương ổn định và lâu dài cho công tác bảo vệ trẻ em được cho làm con nuôi ở nước ngoài; thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước thành viên nhằm bảo đảm quá trình giải quyết cho trẻ em làm con nuôi theo đúng tinh thần nhân đạo, vì lợi ích tốt nhất của trẻ em, ngăn ngừa và chống các hành vi mua bán trẻ em hoặc lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi.

 

(http://www.nhandan.com.vn/)

Các bài viết khác