Tổ chức trọng thể Lễ dâng hương Giỗ tổ Hùng Vương 2009

05/04/2009

Với lòng thành kính, tri ân công đức các Vua Hùng, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và các đại biểu Trung ương, các tỉnh/thành, cùng hàng triệu đồng bào trong nước, kiều bào ở nước ngoài đã dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên, đặt vòng hoa trước lăng Hùng Vương.

Sáng nay (4/4), tại đền Thượng, trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, khu du tích lịch sử Đền Hùng, thuộc xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Thọ đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm Kỷ Sửu 2009.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, các địa phương cùng đông đảo nhân dân khắp nơi trong cả nước và đại diện bà con Kiều bào ở nước ngoài về dự lễ.

Đúng 7 giờ sáng, trong tiếng nhạc lễ, tiếng chuông, trống âm vang gợi nhớ về thuở xa xưa, đoàn dâng hương khởi hành từ sân lễ hội đến cổng đền, qua đền Hạ, đền Trung rồi lên đền Thượng.

Đi đầu là đội tiêu binh rước cờ Tổ quốc, cờ hội và vòng hoa mang dòng chữ "Đời đời nhớ ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước"; tiếp đó là đoàn thiếu nữ trong trang phục áo dài truyền thống màu đỏ thắm mang hương hoa, lễ vật cung tiến và 100 thanh niên, tượng trưng cho 100 người con trai trong truyền thuyết Mẹ Âu Cơ sinh bọc trăm trứng trong trang phục cổ, tay dương cao cờ hội, thể hiện sức sống mãnh liệt của con cháu Vua Hùng.

Trong khí thiêng sông núi và tiếng trống đồng âm vang, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Thọ Nguyễn Doãn Khánh, chủ lễ giỗ Tổ Hùng Vương năm Kỷ Sửu đọc văn tế Giỗ Tổ Hùng Vương, khẳng định ý nghĩa to lớn của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, ngày Quốc lễ của dân tộc; ca ngợi công đức trời biển của các vua Hùng, những người có công dựng nước Văn Lang, nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam; thể hiện tâm tư tình cảm của toàn dân hướng về cội nguồn dân tộc, khích lệ tinh thần yêu nước, củng cố đại đoàn kết dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.

Với lòng thành kính tri ân công đức các vua Hùng, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và các đại biểu Trung ương, tỉnh Phú Thọ, các tỉnh bạn, cùng hàng chục vạn đồng bào trong nước, Việt kiều ở nước ngoài dâng hương tại điện Kính Thiên, Lăng Hùng Vương, đền Trung, đền Hạ và đền Giếng.

Tiếp đó, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và các đại biểu đã tham dự lễ đặt hoa tại bức phù điêu “Chủ tịch Hồ Chí Minh bên sườn núi Nghĩa Lĩnh nói chuyện với chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong” cách đây 55 năm tại Đền Giếng.

Trong tiếng nhạc của bài hát Ca ngợi Hồ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết kính cẩn đặt lẵng hoa dưới chân bức phù điêu, thay mặt nhân dân cả nước bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, khắc ghi lời Người căn dặn tại đây vào ngày 19/9/1954: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".

Trước đó, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và các đại biểu đã tham dự lễ đặt vòng hoa tại bức phù điêu Chủ tịch Hồ Chí Minh bên sườn núi Nghĩa Lĩnh, nói chuyện với chiến sỹ đại đoàn quân tiên phong.

50 kiều bào tiêu biểu về dự Lễ

Sáng cùng ngày, tại thành phố Việt Trì, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có cuộc gặp gỡ thân mật với Đoàn 50 kiều bào tiêu biểu ba thế hệ từ 19 nước trên thế giới về dự Lễ dâng hương Giỗ tổ Hùng Vương năm Kỷ Sửu 2009.

Cùng dự cuộc gặp mặt có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Thanh Sơn; Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Ngô Đức Vượng.

Các đại biểu kiều bào bày tỏ niềm vinh dự và xúc động được về dự lễ Giỗ tổ; cảm ơn Đảng và Nhà nước quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho bà con về với cội nguồn quê hương, được đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của đất nước.

Các đại biểu cũng chia sẻ tâm tư về tình hình đất nước, đóng góp nhiều ý kiến bổ ích với mong muốn nước Việt Nam ngày càng phát triển phồn thịnh.

Bà con kiều bào hứa luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau hòa nhập tốt ở nước sở tại, làm hết sức giáo dục các thế hệ con cháu tiếp nối truyền thống yêu quê hương, gắn bó với quê cha đất tổ; mong muốn Đảng và Nhà nước có những chủ chương, chính sách phát triển văn hóa dân tộc, dạy tiếng Việt dành cho người Việt Nam ở nước ngoài.

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước cùng toàn thể đồng bào trong nước luôn trân trọng tình cảm của bà con kiều bào đối với quê hương; mong bà con luôn hướng về cội nguồn, gắng sức truyền lại cho các thế hệ con cháu truyền thống vẻ vang của dân tộc.

Chủ tịch nước đề nghị bà con kiều bào đẩy mạnh việc dạy tiếng Việt cho con cháu, giáo dục truyền thống văn hóa Việt, lịch sử 18 đời Vua Hùng dựng nước để các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài sau này giữ được những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt Nam.

Cảm ơn những ý kiến thẳng thắn, chân thực của bà con, Chủ tịch nước nhấn mạnh, trên con đường phát triển, đất nước Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, sự chia sẻ, đóng góp ý kiến giúp đất nước của bà con kiều bào là vô cùng đáng quý.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết mong bà con kiều bào gắn bó với nước sở tại, chấp hành tốt luật pháp, lao động chăm chỉ, bởi thành công của bà con kiều bào ở nước ngoài cũng là niềm tự hào chung của dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh đó, bà con kiều bào cần đẩy mạnh việc giải thích, vận động những người còn chưa hiểu đất nước về với cội nguồn. Chủ tịch nước khẳng định: Đảng và Nhà nước không có thành kiến với những kiều bào còn chưa hiểu rõ về đất nước. Mẹ hiền Việt Nam luôn dang rộng cánh tay đón những người con về với Tổ quốc, kể cả những người từng lầm đường, lạc lối.

Sau nghi lễ dâng hương, dòng người đổ dồn về khu vực cổng Đền một cách trật. Từ Đền Hạ lên Đền Thượng, Lăng Vua Hùng khói hương nghi ngút. Hàng vạn con Rồng cháu Tiên thành kính tri ân công đức tổ tiên. Khu vực sân hành lễ, các gian trưng bày hoa quả, các sân khấu biểu diễn văn nghệ thu hút khá đông người xem.

Trước ngày khai hội, ban tổ chức đã có phương án chống ùn tắc giao thông, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho du khách. Mặc dù vậy, dọc quốc lộ 2, xe ô tô đỗ kín hai bên đường. Trên quốc lộ 32 C, các điểm gửi xe đều trở nên quá tải. Lực lượng cảnh sát giao thông cùng quân đội, dân quân xã luôn căng mình để phân luồng xe. Tuy vậy, ách tắc cục bộ vẫn xảy ra tại khu vực Ngã Ba Hàng, quốc lộ 32C nơi rẽ vào Đền Hùng.

Đêm 9/3 (âm lịch) nhiều người không tìm được nhà nghỉ đành phải ngủ đêm tại sân trước cổng đền. Đến 5 giờ sáng, Ban tổ chức đã thu dọn vệ sinh sạch đẹp trả lại cảnh quan cho khu vực lễ hội.

Theo dự kiến, lượng khách về Đền Hùng năm nay đông hơn so với mọi năm. Ông Nguyễn Tiến Khôi, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết: Năm nay, có khoảng trên 3 triệu lượt người về dự hội. Đây là điều mừng nhưng chúng tôi cũng rất lo lắng vì điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế nên khó có thể phục vụ đồng bào được tốt nhất.

Lần thứ hai đến Đền Hùng, bác Nguyễn Văn Hà (62 tuổi, ở Ninh Bình) vui vẻ nói: "Tôi đến Đền Hùng cách đây 3 năm. Lần này, tôi thấy bà con về dự hội đông hơn. Hàng quán được sắp xếp khá gọn gàng, ùn tắc giao thông có xảy ra nhưng không nghiêm trọng. Tuy vậy, vẫn còn một số người bán hàng rong, bán đồ ăn... gây mất mỹ quan khu di tích".

Quy định mới về ngày Giỗ Tổ

Văn bản số 796/HD-BVHTTDL ngày 23-3-2009 của Bộ VH,TT&DL hướng dẫn nghi thức tưởng niệm các Vua Hùng thống nhất trong cả nước.

Theo đó, Lễ Giỗ Tổ được tổ chức hằng năm vào ngày 10 tháng Ba âm lịch với phần lễ gồm 18 chiếc bánh chưng bọc lá dong tươi, buộc lạt màu đỏ cùng 18 chiếc bánh dày có dán chữ phúc và hương hoa, nước, trầu, cau, rượu và ngũ quả. Trang phục hành lễ và nhạc lễ sử dụng theo quy định. Phần hội được tiến hành tùy theo không gian tổ chức, điều kiện và nhu cầu của địa phương. Với những địa phương không có đền thờ Vua Hùng thì trong ngày Giỗ Tổ tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao có nội dung, chủ đề hướng về ngày Giỗ Tổ.

Lễ Giỗ Tổ vào các năm chẵn và năm tròn (số năm có chữ số cuối cùng là 0 và 5) do Bộ VH,TT&DL tổ chức, UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức vào các năm còn lại. Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2009 thí điểm việc góp Giỗ, gồm 5 tỉnh, thành phố tham gia là Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Yên Bái và Thủ đô Hà Nội.

Ngày 10/3 âm lịch là ngày chính Hội, đồng thời cũng là ngày cuối cùng của Lễ hội Đền Hùng năm 2009. Trong ngày sẽ kết thúc các hoạt động phục vụ lễ hội như bế mạc các hội diễn văn hoá văn nghệ, hội trại, các hoạt động thể thao...

Đồng bào cả nước tổ chức Lễ Giỗ Tổ kính vọng Hùng Vương

Ngày 4/4 (nhằm ngày 10 tháng 3 âm lịch), tại Đền thờ Vua Hùng ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND, UBMTTQ và đông đảo các tầng lớp nhân dân bản địa đã thành kính tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ công đức và bày tỏ thành kính tri ân đối với các Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước, từ đó quyết tâm ra sức xây dựng và bảo vệ đất nước như lời Bác Hồ dạy “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Tại Đền thờ Vua Hùng thuộc khu du lịch thác Preen (Đà Lạt), các nghi thức cúng lễ long trọng với lễ vật bánh chưng, bánh dày và nhiều lễ phẩm thể hiện sự kính trọng tổ tiên được tổ chức ở cả đền Trung, đền Thượng và đền Hạ. Khu vực tế lễ nằm trên đỉnh núi cao nhưng từ sáng sớm, hàng nghìn du khách gần xa đã cùng nhau lên núi thắp hương tưởng niệm Quốc Tổ.

Tại Đền Hùng Vương ở Nha Trang, lãnh đạo và các tầng lớp nhân dân đã làm lễ dâng hương tưởng nhớ Quốc Tổ và cầu cho quốc thái dân an. Đền Hùng Vương được xây dựng ở thành phố Nha Trang từ năm 1971. Đây là công trình văn hoá có giá trị với cách xây dựng, trang trí nội thất mang đậm nét tâm linh và truyền thống dân tộc Việt Nam, đồng thời là nơi giáo dục cho con cháu hướng về tổ tiên, biết ơn công lao của các Vua Hùng. Nhân dịp này, Đền Hùng Vương tại Khánh Hòa đã đón nhận bằng di tích văn hoá cấp tỉnh. Cũng thời điểm này, Trường Trung học cơ sở Hùng Vương-trường được vinh dự mang tên các vị Vua Hùng ở huyện Ninh Hoà đã tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ có ý nghĩa kỷ niệm ngày Giỗ tổ Hùng Vương theo truyền thống 10/3 âm lịch hàng năm.

Tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long đã hoàn thành việc xây dựng phòng trưng bày triển lãm chuyên đề “Thời kỳ Hùng Vương qua tư liệu, hiện vật”, mở cửa cho du khách và người dân thăm quan từ sáng ngày 4/4/2009. Tại đây có gần 150 ảnh, tài liệu về thời kỳ Hùng Vương được tập hợp thành chuỗi sự kiện tại phòng trưng bày. Trong đó, bao gồm các hình ảnh, tư liệu, hiện vật nói về cuộc sống, sinh hoạt cùng những dụng cụ lao động, đồ dùng, trang sức và tập tục... của thời kỳ Hùng Vương.

Từ tối 3/4, Sở Văn hóa Thể thao và Du Lịch tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng chương trình giao lưu văn nghệ với đoàn nghệ thuật quần chúng các dân tộc tỉnh Đồng Nai và chương trình biểu diễn văn hóa cồng chiêng, các nhạc cụ dân tộc và trang phục các dân tộc thiểu số miền Đông Nam bộ. Chương trình đã thu hút đông đảo người dân địa phương đến xem.

Sau khi tổ chức Lễ dâng hương và cúng giỗ long trọng, trang nghiêm, các địa phương đều tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, trò chơi dân gian sôi nổi, góp phần đưa Ngày Quốc lễ Giỗ Tổ Hùng Vương thành một ngày hội của đông đảo người dân./.

(http://vovnews.vn)

Các bài viết khác