Vinh quang 40 năm sự nghiệp dạy nghề

09/10/2009

Sáng 8/10, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Tổng cục Dạy nghề đã tổ chức lễ Kỷ niệm 40 năm ngày thành lập (9/10/1969-9/10/2009) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì do Chủ tịch nước trao tặng.

Đến dự có Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Thị Kim Ngân cùng nhiều vị khách mời và đại diện các cơ sở dạy nghề trong cả nước.

Phát biểu tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, trong suốt 40 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự đồng hành của các ngành, các cấp, tổ chức đoàn thể từ Trung ương đến cơ sở, hệ thống dạy nghề nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để xây dựng và phát triển các cơ sở dạy nghề.

Từ 30 trường với qui mô đào tạo 14.000 học sinh, đến nay đã có 367 trường Cao đẳng và Trung cấp nghề, 864 Trung tâm dạy nghề và trên 1000 cơ sở dạy nghề khác. Qui mô dạy nghề tăng nhanh luôn đạt và vượt chỉ tiêu nhà nước giao, hàng năm dạy nghề từ 1-1,5 triệu người trở lên, nâng tỉ lệ lao động qua dạy nghề lên 26%.

Chất lượng được nâng cao, 70% sau khi học nghề có việc làm, có thu nhập ổn định. Nhiều mô hình dạy nghề có hiệu quả, như dạy nghề trình độ cao, dạy nghề cho nông dân, dạy nghề cho thanh niên, dân tộc thiểu số, cho bộ đội xuất ngũ, cho xuất khẩu lao động, cho đối tượng yếu thế... góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, góp phần ổn định xã hội.

 Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cũng chỉ rõ, dạy nghề còn có nhiều bất cập so với yêu cầu tăng nhanh nguồn nhân lực kỹ thuật cao cho phát triển kinh tế xã hội và hội  nhập kinh tế quốc tế; đồng thời hy vọng, Tổng cục Dạy nghề phát huy truyền thống để hoàn thành hơn nữa nhiệm vụ, chỉ tiêu dạy nghề 20006-2010 và tạo điều kiện quan trọng cho chiến lược dạy nghề 2011-2020 của đất nước.

Thực tế cũng cho thấy, những lớp dạy nghề ngắn hạn cho bà con nông dân cũng góp phần định hướng, bổ sung kiến thức giúp bà con nâng cao hiệu quả sản xuất. Bà Phan Thị Hạnh, bản Rừng Dài, xã Tam Tiến, huyện Yên Thế, Bắc Giang cho biết, sau khi được học nghề trong 2 tháng năm 2003, gia đình bà đã mạnh dạn mở rộng sản xuất, áp dụng đúng phương pháp chăn nuôi gia cầm tại gia đình. Từ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đến nay, trung bình mỗi năm gia đình thu về trên 200 triệu đồng.

Còn bạn Nguyễn Văn Hoà, học sinh học nghề Trường Trung cấp nghề Hùng Vương, TPHCM, đạt giải Nhất Hội thi tay nghề quốc gia năm 2008, Huy chương đồng Hội thi tay nghề ASEAN năm 2008, chứng chỉ kỹ năng nghề Hội thi tay nghề Thế giới năm 2009 cho biết, từ việc được gia đình định hướng học nghề và sự cố gắng của bản thân, Hoà vừa được Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đặc cách xét tuyển. Anh Trịnh Quốc Tuấn (SN 1982), nguyên học sinh nghề Hàn khoá trường Cao đẳng nghề LILAMA giờ đã là thợ hàn bậc 5/6, tổ trưởng tổ hàn 6G, Công ty CP lắp máy 10 thuộc Tổng Công ty lắp máy Việt Nam với mức lương 12 triệu đồng/tháng.

Trong chặng đường phát triển, ngành dạy nghề đã có những đóng góp to lớn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc: Nhiều cơ sở dạy nghề đã phát triển nhanh chóng, có trường được Nhà nước tuyên dương là đơn vị Anh hùng; Phong trào thi đua dạy tốt, học tốt trong toàn ngành đã được đẩy mạnh; các hoạt động như Hội thi học sinh giỏi nghề, Hội giảng giáo viên dạy nghề, thiết bị dạy nghề tự làm... đã trở thành hoạt động thường xuyên và mang lại hiệu quả thiết thực.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề khẳng định, bước vào giai đoạn mới, ngành dạy nghề đang đứng trước những cơ hội phát triển mới với nhiệm vụ lớn lao nhưng đầy thách thức để góp phần đưa nước ta chuyển dịch từ một nước nông nghiệp sang một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Đào tạo nguồn nhân lực là một trong những nhân tố đóng vai trò quyết định, trong đó dạy nghề phải đảm nhận đào tạo 60-65% trong tổng số lực lượng lao động./.

 

 

Ngọc Thành

(http://vovnews.vn/)

Các bài viết khác