Người làm công tác dân vận phải có tâm trong sáng

13/10/2009

(VOV) - Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đề nghị phải luôn khắc sâu tư tưởng công tác dân vận, không chỉ bằng lời nói, mà phải bằng việc làm, bằng sự gần gũi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

Nhân kỷ niệm 79 năm ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930), 60 năm ngày Bác Hồ viết bài báo “Dân vận” và 10 năm Ngày dân vận của cả nước, sáng 12/10, tại Hà Nội, Ban Dân vận Trung ương tổ chức tọa đàm trực tuyến về dân vận khéo với 2 điểm cầu Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tham dự buổi tọa đàm.

 

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu tập trung làm rõ tư tưởng, quan điểm toàn diện và sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận từ bài báo “Dân vận” của người, đặc biệt là tư tưởng “dân vận khéo thì công việc gì cũng thành công”. Từ đó, liên hệ với thực tiễn công tác dân vận của Đảng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế gắn với trách nhiệm lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.

 

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và các thế hệ lãnh đạo cơ quan Dân vận của Đảng qua các thời kỳ

 

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định, công tác dân vận không chỉ có từ ngày 15/10/1930, mà trước đó lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các bậc tiền bối đã làm công tác dân vận một cách sâu sắc, hiệu quả. Thông qua việc vào tận nhà máy, xí nghiệp, kể cả trong nhà tù vận động quần chúng, công nhân, tuyên truyền tư tưởng cách mạng, lòng yêu nước. Và xa hơn nữa, hàng ngàn năm về trước, ông cha ta đã làm công tác dân vận. Những Hịch tướng sĩ, Bình Ngô Đại cáo, Hội nghị Diên Hồng… đã huy động được sức mạnh tổng hợp, cổ vũ, thúc giục mọi người dân đứng lên đánh giặc ngoại xâm. Chính vì vậy, dù chúng ta lấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều, nhưng đã làm nên những chiến công hiển hách. Điều đó là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh của dân vận.

 

Chủ tịch nước đề nghị phải luôn khắc sâu tư tưởng công tác dân vận, không chỉ bằng lời nói, mà phải bằng việc làm, bằng sự gần gũi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nói: “Muốn dân vận thành công trước hết phải lắng nghe ý kiến của nhân dân. Thứ hai, người làm công tác dân vận không chỉ viết hay nói giỏi mà phải có tâm trong sáng…”.

 

Ôn lại truyền thống 79 năm qua, bà Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương khẳng định: Với tinh thần “không để sót một người dân nào”, trong những năm qua, nhiều tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp mang tính tập hợp quần chúng rộng rãi, phong phú, đa dạng ngày càng được xây dựng và phát triển sâu rộng trong các đối tượng xã hội. Tỷ lệ quần chúng tham gia các tổ chức đoàn thể nhân dân ngày càng cao. Nhiều phong trào, cuộc vận động cách mạng mang tính quần chúng rộng rãi, thu hút hàng triệu người tham gia, mang lại kết quả to lớn, thiết thực về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại.

 

Bà Hà Thị Khiết cũng khẳng định 60 năm đã trôi qua, nhưng bài báo “dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mãi mãi tỏa sáng với những giá trị to lớn cả về lý luận và thực tiễn cho công tác dân vận của Đảng. Thực hiện lời dạy sâu sắc của Người, trong những năm qua, Ban dân vận Trung ương đã xây dựng kế hoạch thực hiện phong trào “dân vận khéo” và “năm công tác dân vận của chính quyền” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, gắn liền với cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Qua đó, đã nâng cao được chất lượng, hiệu quả hoạt động của công tác dân vận, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội./.

Nguyễn Huy Nam

(http://vovnews.vn)

Các bài viết khác