Những bước tiến mới

31/12/2009

Đảm nhận vị trí Chủ tịch đánh dấu 15 năm Việt Nam đồng hành cùng ASEAN và khẳng định vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế

Thủ tướng tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN

(VOV) - Ngày 1/1/2010, Việt Nam chính thức đảm nhận trọng trách Chủ tịch ASEAN, trong bối cảnh ASEAN bắt đầu triển khai hoạt động trên cơ sở Hiến chương ASEAN có hiệu lực và hợp tác ASEAN, cả về nội khối và với các đối tác bên ngoài, đang chuyển mạnh sang giai đoạn mới. Bên cạnh những thuận lợi, Việt Nam cũng sẽ phải giải quyết nhiều thách thức đang đặt ra với “ngôi nhà chung ASEAN”.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thông báo với các nhà lãnh đạo ASEAN rằng Việt Nam xác định trọng tâm ưu tiên trong năm Chủ tịch ASEAN 2010 là: góp phần tăng cường đoàn kết và liên kết ASEAN, hoàn tất việc đưa Hiến chương ASEAN vào cuộc sống, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN; đồng thời mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác giữa ASEAN với các bên đối tác; qua đó, nâng cao vai trò và vị thế của ASEAN.

 

Theo quy định của Hiến chương ASEAN, trong năm làm Chủ tịch, Việt Nam sẽ chủ trì và đăng cai tổ chức một loạt các hội nghị quan trọng của ASEAN và liên quan gồm 2 Hội nghị Cấp cao ASEAN, cùng với các Hội nghị Cấp cao giữa ASEAN với các bên đối thoại (ASEAN+1, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á). Bên cạnh đó còn có gần 10 cuộc Hội nghị cấp Bộ trưởng của 4 Hội đồng ASEAN là Hội đồng Điều phối và 3 Hội đồng Cộng đồng về Chính trị- An ninh, Kinh tế, Văn hóa- Xã hội; nhiều Hội nghị Cấp Thứ trưởng hoặc tương đương. Ngoài khuôn khổ trên, trong năm 2010 theo quy chế luân phiên, Việt Nam còn chủ trì và đăng cai nhiều hội nghị khác của ASEAN, trong đó có Đại hội đồng Liên Nghị viện các nước Đông Nam Á (AIPA) và một số Hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành thường kỳ như Ngoại giao, Quốc phòng, Kinh tế, Tài chính, Lao động.

 

Nhiệm vụ và những mục tiêu đặt ra cho thấy quyết tâm và trách nhiệm rất cao của Việt Nam sẵn sàng đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN. Nhưng rõ ràng để thực hiện được chủ đề mà chúng ta đề ra cho năm 2010 là: “Hướng tới Cộng đồng ASEAN: từ tầm nhìn đến hành động” rất cần nỗ lực của các cơ quan, địa phương.

 

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm nói: “Chúng ta bàn không những về vấn đề kinh tế, văn hóa, mà bàn cả các vấn đề về chính trị, an ninh. Tại hội nghị cấp cao, nguyên thủ các cường quốc đều tham gia, đây sẽ là một diễn đàn của nhiều vấn đề an ninh của khu vực và thế giới vì vậy nội dung của hội nghị rất phong phú và đa dạng, nhiều vấn đề rất hóc búa, đỏi hỏi sự phối hợp rất lớn của tiểu ban Nội dung với các ngành An ninh, Quốc phòng. Kinh tế, Xã hội….”

 

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh cho biết: “Với tư cách là Chủ tịch, ta phải đề xuất một số ý tưởng và sáng kiến, đề xuất một số biện pháp để ứng phó với những diễn biến phức tạp có thể xảy ra. Những đề xuất sáng kiến phải thực hiện như thế nào để chúng ta duy trì được vai trò đầu tàu, vai trò trung tâm của ASEAN, không chỉ trong ASEAN mà trong cả các tiến trình do ASEAN điều phối.”

 

Việc đẩy mạnh hợp tác và tăng trưởng kinh tế tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của ASEAN trong năm 2010. Đây cũng là một trong 3 trụ cột chính của ASEAN trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Việt Nam đảm nhận trọng trách Chủ tịch ASEAN vào thời điểm quan trọng, bởi 2010 là năm đầu tiên ASEAN thực hiện việc giảm thuế xuống mức 0% đối với nhiều mặt hàng tại 6 quốc gia ASEAN (gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan). Việc thực hiện thành công lộ trình này trong năm 2010 sẽ giúp ASEAN thúc đẩy liên kết và hội nhập kinh tế giữa các nước trong khu vực với hơn nửa tỷ người tiêu dùng. Hiện nay, tỉ trọng thương mại nội khối mới chỉ đạt 25% và mục tiêu phải tăng lên 5% đến 10% trong năm 2010. Việt Nam cũng phải góp phần thúc đẩy các thoả thuận của ASEAN đi vào thực tiễn. Theo ông Surin Pitsuwan, Tổng thư ký ASEAN: “Hiện nay, ASEAN có hơn 120 thỏa thuận, thế nhưng chỉ 70% số đó được thông qua và đi vào triển khai”.

 

Cùng với việc thực hiện các thỏa thuận đã đề ra, ASEAN sẽ tập trung xây dựng Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN, nhằm tạo sự liên kết chặt chẽ hơn về hạ tầng - giao thông và công nghệ thông tin, nhất là ở khu vực Tiểu vùng Mekong, từ đó sẽ mở rộng kết nối ra toàn khu vực Ðông Á. Việt Nam và các nước Đông Nam Á cũng sẽ phải chung sức để thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh… Nhằm tạo dựng một cộng đồng chính trị- an ninh ASEAN, Việt Nam sẽ phải góp phần tăng cường đối thoại và hợp tác về các vấn đề chính trị - an ninh, kể cả những vấn đề phức tạp, nhạy cảm để nâng cao hiểu biết và tin cậy giữa các quốc gia; đẩy mạnh việc xây dựng các chuẩn mực và quy tắc ứng xử chung trong quan hệ quốc tế, kể cả cơ chế giải quyết tranh chấp giữa các nước thành viên.

 

Hai năm đảm đương thành công vị trí Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc của Việt Nam giúp chúng ta tự tin và đủ kinh nghiệm đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN như Thứ trưởng thường trực Bộ ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá: “Chúng ta có rất nhiều kinh nghiệm sau hai năm tham gia Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc: Chúng ta phải giữ vững nguyên tắc, đồng thời phải linh hoạt trong cách ứng xử. Thứ hai là chúng ta phải trao đổi, tham khảo với tất cả các nước thành viên để có thể có cách tiếp cận đúng nhất, đảm bảo lợi ích của tất cả các nước đồng thời đảm bảo được mục đích của chúng ta”.

 

Đảm nhận vị trí Chủ tịch đánh dấu 15 năm Việt Nam đồng hành cùng ASEAN. Đó là sự trùng hợp thú vị và nhiều ý nghĩa. Trong khoảng thời gian ấy, Việt Nam đã trở thành thành viên có vị trí và tiếng nói quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề của khu vực. Vị thế đó sẽ càng được khẳng định trong năm 2010 khi Việt Nam hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN để năm bản lề này sẽ trở thành dấu mốc quan trọng trong tiến trình thực hiện mục tiêu xây dựng cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Một ASEAN của Đông Nam Á và vì Đông Nam Á./.

Xuân Sơn

(http://vovnews.vn)

Các bài viết khác