Kỷ niệm 80 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 – 3.2.2010): Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam - thành tựu và kinh nghiệm

02/02/2010

Nhìn lại lịch sử 80 năm của Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi thành lập đến nay, Đảng đã trải qua quá trình đấu tranh đầy cam go thử thách, bất chấp muôn vàn khó khăn, vượt qua sự đàn áp khủng bố ác liệt của kẻ thù, Đảng ta vẫn vững vàng, từng bước trưởng thành và ngày càng lớn mạnh về mọi mặt. Nói về Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra một hình tượng mộc mạc nhưng đầy ý nghĩa: “Có Đảng như người có trí khôn, tàu có bàn chỉ Nam”.

Nói về những thành tựu và bài học kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam, đặc biệt là sự lãnh đạo của Đảng đối với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chúng ta rất đỗi tự hào, vì là một Đảng vừa mới ra đời được 15 năm, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta giành thắng lợi nhanh gọn trong Cách mạng Tháng Tám (1945), phá tan xiềng xích nô lệ hơn 80 năm đô hộ của thực dân Pháp, lập ra Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nước ta - kỷ nguyên độc lập dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội.

 

Sở dĩ Đảng và nhân dân ta làm nên kỳ tích vĩ đại đó, bởi ngay sau khi ra đời, Đảng cộng sản Việt Nam đã sớm biết giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Điều đó có nghĩa là, Đảng cộng sản Việt Nam đã sớm xác định được mục tiêu cách mạng. Mục tiêu đó đáp ứng những đòi hỏi và nguyện vọng cấp bách nhất của toàn thể dân tộc Việt Nam (là độc lập dân tộc), đồng thời mục tiêu đó còn phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của thời đại (tiến lên chủ nghĩa xã hội). Mặt khác Đảng ta đã sớm xác định được đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn. Có thể nói rằng, với Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo (2.1930), những vấn đề cơ bản mang tính chiến lược của cách mạng Việt Nam như: Vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân; xây dựng đảng cầm quyền; xây dựng khối liên minh công nông; vấn đề đoàn kết quốc tế; phương pháp đấu tranh giành chính quyền…đã được giải quyết một cách thỏa đáng và chính xác; cán bộ, đảng viên của Đảng lại được huấn luyện, được thử thách, rèn luyện qua thực tiễn nhiều năm trong phong trào cách mạng, (đi vô sản hóa), đủ năng lực và uy tín chính trị, khả dĩ đảm đương được trọng trách nắm quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Bài học kinh nghiệm quý báu đó, được rút ra từ thực tiễn lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.

 

Nhìn lại thời kỳ tiền khởi nghĩa (trước Cách mạng tháng Tám -1945), đã có nhiều đảng phái mang danh “cách mạng”, nhận được sự giúp đỡ tiền bạc và hậu thuẫn chính trị của các thế lực bên ngoài, như các đảng phái thân Nhật: Đại Việt quốc gia xã hội đảng, Đảng Phụng sự quốc gia, Đảng Đại Việt quốc gia liên minh (ở Bắc Kỳ); Đảng Việt Nam quốc gia độc lập, Tổ chức Nhật - Việt phòng vệ đoàn (ở Nam Kỳ)… Nhưng dường như tất cả các đảng phái đó đều được thành lập một cách vội vã, để rồi tan vỡ nhanh chóng. Bởi một điều cốt yếu là mục tiêu của họ không phải vì lợi ích đất nước, không vì quyền lợi dân tộc, không mảy may nghĩ đến ấm no hạnh phúc của nhân dân, do đó không được nhân dân ủng hộ. Tuy nhiên, cũng có các phong trào và đảng phái yêu nước như: Phong trào Cần Vương, Phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, Phong trào Duy Tân của Phan Châu Trinh… đây là những phong trào, tổ chức yêu nước, với mục tiêu giành độc lập dân tộc, nhưng vì không có đường lối đúng nên đã không thành công.

 

Sau Cách mạng tháng Tám, lại có một vài đảng phái thân Tưởng cũng trương cờ “quốc gia”, “cách mạng”, kéo về Hà Nội nhằm “hôi của” và đòi chia sẻ quyền hành như: Việt Nam Quốc dân đảng (Việt Quốc) của Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh; Việt Nam cách mạng Đồng minh hội (Việt Cách) của Nguyễn Tường Tam, Chu Bá Phượng…Các tổ chức mang danh “đảng chính trị” trên, không xây dựng được cơ sở trong quần chúng, sớm lộ rõ bộ mặt phản động, để rồi nhanh chóng tan rã, tháo chạy theo quan thầy ngoại bang khi đã hết thời.

 

Vậy là, để nắm được quyền lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân, Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ thực hiện mục tiêu, đường lối, phương pháp cách mạng đúng đắn, mà còn thông qua phong trào cách mạng, để tạo dựng uy tín trong nhân dân và rèn luyện năng lực tổ chức, lãnh đạo. Sau nữa, vấn đề chất lượng, uy tín của cán bộ, đảng viên có tính quyết định cho sự thành bại của phong trào cách mạng. Chỉ khi hội tụ đủ các phẩm chất và tố chất đại diện cho một giai cấp tiên tiến nhất, cách mạng nhất, Đảng mới có thể được tất cả các tầng lớp, giai cấp trong xã hội mặc nhiên thừa nhận là người lãnh đạo chân chính duy nhất của cách mạng Việt Nam. “Đảng ta” là tên gọi thân quen, gần gũi của mỗi người dân nước Việt khi nói về Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng đặc biệt chú trọng lãnh đạo xây dựng Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa – nay là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - trở thành một nhà nước của dân, do dân và vì dân. Bằng chủ trương, đường lối, Đảng lãnh đạo và chỉ đạo xây dựng hoàn thiện bộ máy tổ chức của Nhà nước, xây dựng Hiến pháp, hệ thống pháp luật, thực thi chính sách, nhằm gìn giữ chính quyền cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đã động viên được các tầng lớp nhân dân, đoàn kết một lòng, tiến hành hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đi đến thắng lợi trọn vẹn, thống nhất Tổ quốc, đưa non sông về một mối. Trong mỗi một giai đoạn lịch sử, Đảng đề ra đường lối chiến lược phát triển kinh tế xã hội, để trên cơ sở đó, Nhà nước hoạch định chính sách phát triển đất nước, từng bước cải thiện và không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân về mọi mặt.

 

Nói về sự lãnh đạo của Đảng đối với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trước hết phải nói trên nguyên tắc, đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước thông qua Cương lĩnh, đường lối, chính sách của Đảng. Cơ quan QH, Nhà nước, Chính phủ căn cứ vào đường lối chiến lược và sách lược của Đảng để xây dựng Hiến pháp, hệ thống pháp luật; hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội. Tuy nhiên cần hết sức chú ý phát huy vai trò, vị trí lãnh đạo của Đảng, từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội, đây là nhiệm vụ cơ bản, chủ yếu của các cấp ủy đảng. Song, trong việc lãnh đạo xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cần xác định đúng chức năng, vị trí và vai trò lãnh đạo của Đảng, không được để xảy ra tình trạng Đảng làm thay chức năng điều hành, quản lý xã hội của Nhà nước, Chính phủ. Lúc đó, Đảng trở thành cơ quan quyền lực tối cao “siêu Nhà nước” mà thực chất là sa vào tình trạng chuyên quyền. Dù là người lãnh đạo cao nhất, nhưng những cán bộ lãnh đạo của Đảng vẫn phải hoạt động, thực thi nhiệm vụ trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Tóm lại, Đảng lãnh đạo bằng đường lối, chủ trương, thông qua tổ chức của Đảng và cán bộ đảng viên của mình trong bộ máy nhà nước, chứ không bao biện, làm thay. Mặt khác, cũng không được buông lỏng, thả nổi làm suy giảm vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội.

 

Nhìn lại công tác lãnh đạo của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền trong thời gian vừa qua, bên cạnh những thành tựu hết sức to lớn, đã được ghi nhận, Đảng ta vẫn còn những tồn tại, bất cập cần khắc phục, đổi mới. Về mặt thuận lợi:

 

Là Đảng duy nhất cầm quyền, Đảng có trong tay phương tiện, công cụ mạnh mẽ để lãnh đạo toàn xã hội thực hiện mọi đường lối, chủ trương, mục tiêu của Đảng, mà mục tiêu cao nhất là chăm lo đời sống, hạnh phúc của nhân dân, đồng thời xây dựng và bảo vệ chế độ xã hội  - xã hội chủ nghĩa. Điều cần lưu ý, trong điều kiện Đảng ta là đảng duy nhất cầm quyền, phải hết sức đề phòng tư tưởng quan liêu, cá nhân chủ nghĩa, bởi khi có chức vụ trong tay, nếu không xác định tư tưởng vững vàng, con người dễ phạm sai lầm, quan liêu, rời xa nhân dân, chạy theo chức tước, quyền lợi, danh vọng, đặc quyền, đặc lợi, mất dân chủ…Những tệ nạn này không chừa một ai; bất kể ở cấp cao hay thấp, nếu không cảnh giác, không kiên trì rèn luyện, thì đều có thể mắc phải.

Mặc dù trong tình hình hiện nay, còn có nhiều thế lực phản động ở trong và ngoài nước chống phá, xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng, bôi nhọ uy tín lãnh tụ của Đảng, nhưng có thể khẳng định rằng, sự lãnh đạo của Đảng trong 80 năm qua đã được nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới ghi nhận và đánh giá cao, cho nên nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, ủng hộ hoàn toàn đường lối đổi mới của Đảng trong giai đoạn cách mạng hiện nay.

 

Đảng ta có bề dày kinh nghiệm 80 năm lãnh đạo xây dựng chính quyền cách mạng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, từ những bài học thành công và chưa thành công đã được Đảng đúc rút, tổng kết, nâng khả năng lãnh đạo của Đảng lên một tầm cao mới.

 

Đảng ta là một trong số rất ít đảng cộng sản cầm quyền lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội giành được những thành tựu có ý nghĩa quan trọng trong đổi mới, đưa đất nước vượt qua khủng hoảng, tìm con đường thích hợp đi lên chủ nghĩa xã hội.

 

Thế và lực của cách mạng Việt Nam đã mạnh hơn trước rất nhiều, vị thế của Đảng và nhà nước ta trên trường quốc tế được nâng cao.

 

Cùng với những thuận lợi, tình hình trong nước và quốc tế hiện nay cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi Đảng phải nỗ lực đổi mới toàn diện, nhằm nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ mới.

 

Một là, Đảng lãnh đạo tiếp tục đường lối đổi mới: xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong xu thế phát triển chung của thế giới là mở cửa, hội nhập quốc tế. Đây là những vấn đề hoàn toàn mới, Đảng chưa có nhiều kinh nghiệm, vì thế phải vừa tìm tòi, vừa làm vừa tổng kết rút kinh nghiệm, kịp thời điều chỉnh, tránh mắc sai lầm.

 

Hai là, tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường và toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ, làm ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội nước ta, Đảng phải có sự lãnh đạo và chỉ đạo sâu sắc, nhanh nhạy, kịp thời, nhằm cố gắng giảm thiểu thấp nhất những tác hại tiêu cực đối với mọi mặt xã hội. Nếu làm chủ được, chúng ta có cơ hội rút ngắn được khoảng cách với các nước trong khu vực và trên thế giới, đồng thời giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa.

 

Ba là, để làm tốt nhiệm vụ lãnh đạo xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, điều quan trọng nhất là phải phòng và chống được những nguy cơ lớn: sai lầm về đường lối, bệnh quan liêu và sự thoái hóa biến chất của cán bộ, đảng viên. Muốn vậy, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải phấn đấu giữ vững bản chất giai cấp của Đảng, có như thế mới bảo đảm được lợi ích của người lao động và lợi ích của dân tộc.

 

Mọi đảng viên phải phấn đấu giữ vững mục tiêu và lý tưởng của Đảng, đề phòng và chống mọi biểu hiện cơ hội chính trị mà thực chất của bọn cơ hội chính trị là âm mưu xóa bỏ chủ nghĩa xã hội để đưa đất nước ta theo con đường tư bản chủ nghĩa.

 

Có thể nói, nhiệm vụ của Đảng trong việc lãnh đạo xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là vô cùng quan trọng và hết sức nặng nề, Đảng Cộng sản Việt Nam trước sau như một, kiên trì đường lối lãnh đạo xây dựng nhà nước Việt Nam thực sự là của dân, do dân và vì dân; xây dựng nhà nước có đủ phẩm chất và năng lực để đưa đất nước ta vượt qua thách thức, phấn đấu để đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

 

Trước yêu cầu nhiệm vụ đó, Đảng phải tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo đối với Nhà nước, trước hết là thực hiện triệt để những nguyên tắc lãnh đạo của Đảng đối với việc xây dựng Nhà nước. Đồng thời, Đảng phải kịp thời bổ sung lý luận, tổng kết thực tiễn trong công tác lãnh đạo xây dựng nhà nước, nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm thiết thực. Đảng cần tập trung chỉ đạo công tác cán bộ trong hệ thống chính trị nói chung, trong bộ máy nhà nước nói riêng. Phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo và quản lý ở các cấp, vững vàng về chính trị, gương mẫu về đạo đức, trong sạch về lối sống, có trí tuệ, kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn, gắn bó với nhân dân. Nếu làm tốt được những nhiệm vụ đó, chắc chắn chúng ta sẽ khắc phục những tồn tại, bất cập trong việc lãnh đạo xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực sự xây dựng được nhà nước “của dân, do dân, vì dân” như lời Bác Hồ đã căn dặn.

Đỗ Mười

Nguyên Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam

(http://nguoidaibieu.com.vn)

Các bài viết khác