Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 2-2010

05/03/2010

* Tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô * Giá cả, lạm phát cao nhưng không đột biến * Họp báo Chính phủ thường kỳ

Trong hai ngày 2 và 3-3, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 2-2010 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Tại Phiên họp này, Chính phủ đã dành nhiều thời gian xem xét, thảo luận các vấn đề: Tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và hai tháng đầu năm, dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước; Báo cáo đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô, nguyên nhân và giải pháp; Tình hình thực hiện Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 1-2010, Chương trình công tác của Chính phủ tháng 2-2010; Tình hình dự báo và ban hành các văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh; Tình hình Tết Nguyên đán Canh Dần 2010; Báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng tháng 2-2010; Công tác cải cách hành chính tháng 2-2010.

Về tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và hai tháng đầu năm 2010, báo cáo của các bộ: Kế hoạch và Ðầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và ý kiến đóng góp của các thành viên Chính phủ đều cho rằng, mặc dù tháng 2 là tháng Tết Nguyên đán Canh Dần, năm nay chúng ta lại bố trí cho nhân dân nghỉ Tết khá dài (chín ngày), nhưng tình hình kinh tế nước ta vẫn duy trì đà phục hồi tăng trưởng. Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 2 tuy giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước (năm 2009, Tết Nguyên đán rơi vào tháng 1), nhưng tính chung cả hai tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp vẫn tăng 13,6% so với cùng kỳ. Sản xuất nông nghiệp vẫn phát triển thuận lợi. Hoạt động dịch vụ, du lịch tháng 2 khá sôi động trên khắp cả nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong tháng 2 đạt mức tương đương tháng 1, tính chung hai tháng ước tăng 27,4% so cùng kỳ năm 2009. Hai tháng đầu năm, cả nước có khoảng 13 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 29% so cùng kỳ năm 2009, nhưng số vốn đăng ký giảm 10%, chỉ có 46,8 nghìn tỷ đồng.

Ðặc biệt đã xuất hiện những mối lo ngại rất đáng quan tâm, đó là: Cân đối xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục khó khăn, nhập khẩu tăng nhanh. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2-2010 tăng 1,96% so tháng 1-2010, làm cho CPI tăng 3,35% so tháng 12-2009. Mức tăng CPI hai tháng đầu năm và nhất là giá một số nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào như: xăng dầu, điện... sẽ có tác động lớn đến CPI những tháng tiếp theo, cần phải có những biện pháp để quản lý chặt chẽ thị trường, bảo đảm bình ổn giá cả.

Tết Canh Dần 2010 đã được tổ chức vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm. Tình hình an ninh chính trị và trật tự xã hội được bảo đảm. Công tác vệ sinh an toàn được kiểm soát tốt hơn, dịch bệnh được khống chế. Tuy nhiên, tình hình tai nạn giao thông tăng cao hơn Tết năm trước, tội phạm hình sự có xu hướng gia tăng, việc bảo đảm đi lại của nhân dân một số nơi còn chưa tốt, tình trạng uống rượu, bia nhiều, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông có chiều hướng tăng lên; giá cả một số hàng hóa, dịch vụ sau Tết còn ở mức cao.

Phát biểu ý kiến kết luận về kinh tế-xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục có chuyển biến tích cực hơn, dự báo về phát triển kinh tế thời gian tới cũng tích cực hơn. Ðó là điều kiện thuận lợi để chúng ta đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài và khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên, kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều bất trắc, do đó cần theo dõi sát tình hình, không được chủ quan.

Kinh tế trong nước hai tháng qua, nhờ có sự chỉ đạo ráo riết ngay từ đầu năm nên chúng ta đã thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Tình hình kinh tế hai tháng đầu năm là đáng mừng. Sản xuất công nghiệp tăng khá. Sản xuất nông nghiệp thuận lợi. Dịch vụ cũng tăng khá cao. Chúng ta đã tổ chức cho nhân dân ăn Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, tạo được không khí đồng thuận trong xã hội. An ninh chính trị và trật tự xã hội được giữ vững.

Tuy nhiên, CPI hai tháng ở mức cao, cộng với việc tăng giá nhiều mặt hàng thiết yếu đã gây ra sự lo lắng về ổn định kinh tế vĩ mô, về giá cả tăng và lạm phát cao trở lại. CPI hai tháng cao, có nhiều nguyên nhân, nhưng cũng không phải là quá cao có tính đột biến và không nằm ngoài dự báo của Chính phủ. Chúng ta không quá lo lắng, nhưng cũng không thể coi thường mà cần thực hiện quyết liệt hơn những giải pháp mà Chính phủ đã đề ra.

Thời gian tới, cần tiếp tục ưu tiên cho mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu thực hiện cho được mức tăng GDP năm 2010 là 6,5% và các mục tiêu khác đã được Quốc hội thông qua. Ðể thực hiện tốt nhiệm vụ, Thủ tướng yêu cầu tập trung làm tốt một số công việc cụ thể sau:

Một là, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển cả về công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Rà soát lại các dự án đầu tư đối với các dự án đầu tư bằng nguồn trái phiếu và vốn ngân sách, những công trình nào có thể hoàn thành thì tập trung vốn để hoàn thành, công trình nào chưa triển khai hoặc hiệu quả kém, kiên quyết cắt bỏ. Thúc đẩy giải ngân vốn ODA và FDI ngay từ đầu tháng 3.

Hai là, tiếp tục coi bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu. Kiểm soát chặt chẽ việc tăng giá nhất là giá những hàng hóa đầu vào. Kiểm soát lạm phát, không để lạm phát cao trở lại. Giao Bộ trưởng Công thương và Tài chính kiểm soát việc tăng giá xăng dầu, công bố việc không tiếp tục tăng giá điện, giá than cho điện trong năm 2010. Giao Bộ trưởng Tài chính kiểm soát giá những mặt hàng thiết yếu: cước vận tải, xi-măng, sắt thép, phân bón, lương thực, thuốc chữa bệnh, sữa... Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ hoạt động của ngân hàng, nhất là về tỷ giá, lãi suất.

Ba là, đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu. Giao Bộ Công thương thực hiện bằng được chỉ tiêu nhập siêu dưới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Bốn là, thực hiện cho được chỉ tiêu cắt giảm 30% số thủ tục hành chính đã thống kê năm 2009. Ðẩy mạnh việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Năm là, làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Báo chí không góp phần tạo tâm lý hoang mang, hoảng loạn trong xã hội.

Tại Phiên họp này, Chính phủ cũng đã tập trung xem xét: Tờ trình về Ðề án đổi mới và đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế giai đoạn 2010 - 2020 theo hướng nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; Tờ trình về Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội; Tờ trình Báo cáo kết quả thẩm định về báo cáo đầu tư dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc bắc - nam và các tờ trình về một số dự án luật.

* Chiều 3-3, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Họp báo Chính phủ thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Cùng tham dự cuộc họp báo có Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Ðức Thúy, đại diện lãnh đạo các bộ: Tài chính, Công thương, Xây dựng, Kế hoạch và Ðầu tư, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Sau khi thông báo tóm tắt những nội dung chính của Phiên họp Chính phủ thường kỳ, những người chủ trì họp báo đã dành thời gian trả lời về những vấn đề mà các nhà báo quan tâm như: Những biện pháp kiểm soát giá cả tăng cao, ngăn chặn lạm phát cao trở lại; Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội; Vấn đề một số địa phương cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất trồng rừng thời gian qua.

 

 

XUÂN THÙY

(http://www.nhandan.com.vn/)

Các bài viết khác