Đề xuất của QH Việt Nam và sự đồng thuận của các nghị viện thành viên AIPA

25/03/2010

Kinh nghiệm ứng phó với khủng hoảng của Chính phủ các quốc gia ASEAN là gì? Việc hoạch định chính sách, pháp luật đối với mục tiêu phát triển bền vững thời kỳ hậu khủng hoảng ra sao? Vai trò của cơ quan lập pháp trong ứng phó với khủng hoảng kinh tế và giai đoạn hậu khủng hoảng như thế nào? – dưới sự chủ trì của QH Việt Nam, Nghị viện các nước ASEAN vừa gặp nhau tại Đà Nẵng để trao đổi, đề xuất các kiến nghị và giải pháp trong khuôn khổ Hội nghị chuyên đề AIPA “Hậu khủng hoảng tài chính, kinh tế thế giới và phát triển bền vững”.

Từ đề xuất của QH Việt Nam…

 

Tháng 8 năm ngoái tại Pattaya, Thái Lan, Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á 30 (AIPA 30) đã họp trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế lan rộng ở quy mô toàn cầu. Khu vực ASEAN cũng chịu những tác động bất lợi. Lúc đó, Đoàn ĐBQH Việt Nam tham dự AIPA 30 đã nêu sáng kiến tổ chức một Hội nghị khu vực ASEAN để bàn về các biện pháp chống khủng hoảng kinh tế, về chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch; qua đó phát huy vai trò của nghị viện các nước ASEAN trong việc đối phó với khủng hoảng kinh tế. Đề xuất của QH Việt Nam đã được các nghị viện thành viên ASEAN hoan nghênh và nhất trí thông qua bằng Nghị quyết Res 30GA/2009/Eco/04 của AIPA 30.

 

Đề xuất của QH Việt Nam được thông qua tại Pattaya tháng 8 năm ngoái và vừa được cụ thể hóa tại Đà Nẵng vào đầu tháng 3.2010 bằng Hội nghị chuyên đề “Hậu khủng hoảng tài chính kinh tế thế giới và phát triển bền vững” đúng vào năm QH Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch AIPA 31. Hội nghị chuyên đề về hậu khủng hoảng do QH Việt Nam tổ chức nhằm tạo điều kiện cho các nghị sỹ khu vực ASEAN trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động lập pháp, giám sát liên quan tới việc ứng phó với những hệ quả tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính – kinh tế vừa qua, đề xuất các kiến nghị và giải pháp gửi Nghị viện và Chính phủ các nước ASEAN trong việc duy trì và phát huy các mục tiêu phát triển bền vững.

 

Các nghị sỹ đến từ nghị viện các nước ASEAN ghi nhận, nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng là sự mất cân đối vĩ mô của một số nền kinh tế lớn. Giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế thế giới đã qua, nhiều nền kinh tế đã thoát đáy khủng hoảng và từ cuối quý III năm ngoái, một số nền kinh tế chủ chốt đã có tốc độc tăng trưởng dương khá cao. Nền kinh tế thế giới đang có xu hướng hồi phục trong năm 2010. Tuy nhiên, nghị viện các nước phải quan tâm đến các cảnh báo về tốc độ phục hồi chưa vững chắc của nền kinh tế toàn cầu, nhất là các tiềm ẩn đang đe dọa nền kinh tế của nhiều quốc gia như: nguy cơ lạm phát, thâm hụt ngân sách, nợ xấu, các xung đột về xã hội và trình trạng môi trường ngày càng xấu đi… Và như vậy, dường như sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu mới chỉ dừng lại ở sự ổn định tạm thời của khu vực tài chính, dựa vào sự tăng mạnh chi tiêu công của các Chính phủ và sự khôi phục nhu cầu bên trong của các quốc gia. Đại diện nghị viện nước chủ nhà, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Son nhận định, nền kinh tế toàn cầu hiện vẫn đang phải đối mặt với hàng loạt bất ổn lớn: các khu vực sản xuất còn yếu; tình trạng cầu xuất, nhập khẩu thế giới còn rất thấp và mỏng manh; giá vàng biến động bất thường; giá năng lượng và nguyên liệu tăng trong khi nhiều nền kinh tế của nhiều nước vẫn còn suy thoái…Trong bối cảnh này, các nghị sỹ có vai trò quan trọng trong việc ban hành, hoàn thiện hệ thống pháp luật và giám sát việc thực hiện các chính sách nằm ứng phó với khủng hoảng và hậu khủng hoảng của Chính phủ. Hội nghị chuyên đề đã kêu gọi chính phủ các nước thành viên ASEAN chủ động thực hiện nghị quyết của Đại hội đồng AIPA 30 tại Pattaya về Khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu, tiếp tục thúc đẩy trao đổi song phương và đa phương giữa các nước thành viên nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật trong giai đoạn hậu khủng hoảng.

 

…đến mối quan tâm chung của các nghị viện thành viên AIPA

 

Với vị thế lãnh đạo QH của nước chủ nhà, dự và phát biểu tại Hội nghị chuyên đề AIPA “Hậu khủng hoảng tài chính, kinh tế thế giới và phát triển bền vững”, Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh, các nước trong khu vực ASEAN đang từng bước vượt qua thách thức để phục hồi và phát triển kinh tế, tuy nhiên, ở trung hạn, nhiều khó khăn, bất lợi của cuộc khủng hoảng vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của các nước trong khu vực. QH, các cơ quan của QH Việt Nam đã chủ động theo dõi, nắm sát hình hình cuộc khủng hoảng. Các cơ quan của QH đã có những khuyến nghị hợp lý, phối hợp có hiệu quả với Chính phủ để triển khai nhiều giải pháp ứng phó với khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế. Ngay trong thời điểm của cơn bão suy thoái năm 2009, QH Việt Nam đã thảo luận và ra Nghị quyết điều chỉnh mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu chủ yếu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho phù hợp với tình hình mới. Chủ trương được QH Việt Nam thông qua lúc đó là: tập trung cao độ ngăn chặn suy giảm kinh tế, phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động phòng ngừa lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó mục tiêu hàng đầu là ngăn chặn suy giảm kinh tế. QH Việt Nam đã xem xét, quyết định điều chỉnh 4 chỉ tiêu gồm: tốc độ tăng trưởng kinh tế, bội chi ngân sách nhà nước, kim ngạch xuất khẩu và chỉ số giá tiêu dùng. Ứng phó linh hoạt, kịp thời của QH, các cơ quan của QH Việt Nam đã góp phần ngăn chặn suy giảm, phục hồi kinh tế, ổn định đất nước. Cũng tại Hội nghị chuyên đề của AIPA, Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên cho rằng, từ cuộc khủng hoảng kinh tế, đặt ra vấn đề lớn cho các quốc gia là cần chú trọng đến: chất lượng tăng trưởng; chính sách và quản lý dòng chảy tài chính, tiền tệ, ngân hàng; quan tâm nhiều hơn đến giải quyết việc làm, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, hệ quả tiêu cực của quá trình đô thị hóa…

 

Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế đã bị chặn lại. Xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Son đã chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế của nước chủ nhà với các nghị sỹ đến từ 8 nước nghị viện thành viên AIPA. Thứ nhất là: đề cao vai trò điều tiết bằng các biện pháp kinh tế và giám sát của Nhà nước nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là các chính sách tài chính, tiền tệ và chính sách tài khóa; tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao sức cạnh tranh quốc gia, giải quyết hài hòa các  mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường. Thứ hai là cần xây dựng một hạ tầng tài chính vững mạnh nhằm bảo đảm cho các định chế tài chính hoạt động tốt và thị trường tài chính vận hành trôi chảy. Thứ ba là cần tăng cường việc hướng dẫn, giải thích, tuyên truyền, đối thoại nhằm củng cố, duy trì niềm tin trong xã hội.

 

Hội nghị chuyên đề “Hậu khủng hoảng tài chính, kinh tế thế giới và phát triển bền vững” xuất phát từ đề xuất của QH Việt Nam, do QH Việt Nam đăng cai tổ chức tạo một diễn đàn khá cởi mở cho các nghị sỹ AIPA, về một vấn đề thời sự của khu vực ASEAN. Giải quyết những vấn đề thời kỳ hậu khủng hoảng kinh tế - là mối quan tâm chung của các quốc gia, nên các nghị sỹ và nghị viện thành viên AIPA đã khá đồng thuận khi tìm kiếm các giải pháp, đưa ra nhiều đề xuất, khuyến nghị…để ứng phó với khủng hoảng và hậu khủng hoảng kinh tế. Những khuyến nghị và đề xuất này sẽ được gửi tới lãnh đạo Nghị viện các quốc gia và trình Đại hội đồng AIPA 31 sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 9 tới. Động thái này góp phần khẳng định vai trò của QH Việt Nam nói riêng, vai trò của Nghị viện các nước Đông Nam Á nói chung đối với việc tăng cường hợp tác liên nghị viện, thúc đẩy tiến trình xây dựng thành công cộng đồng ASEAN vào năm 2015, đem lại sự ổn định về chính trị và một cộng đồng phồn vinh, thịnh vượng.

Nguyễn Vũ

(http://nguoidaibieu.com.vn)

Các bài viết khác