Người cao tuổi Việt Nam: Pho kinh nghiệm vô giá cho lớp trẻ

08/06/2010

Cùng với việc gìn giữ, phát huy những kinh nghiệm về cuộc sống của người cao tuổi, Đảng, Nhà nước và cộng đồng xã hội luôn dành sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt đối với những người đi trước

Xung kích trong mọi mặt trận

Hiện nay, nước ta có khoảng 8,6 triệu người cao tuổi. Họ là những người con ưu tú đã đem cả cuộc đời mình cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Trong kháng chiến, người cao tuổi khắp nơi hăng hái đi đầu tham gia các tổ chức cách mạng, nuôi giấu, bảo vệ cán bộ cách mạng, động viên con cháu lên đường nhập ngũ, giải phóng đất nước.

Giờ đây, trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước, tuy tuổi đã cao nhưng người cao tuổi Việt Nam vẫn nêu cao gương sáng, đóng góp to lớn trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trên khắp mọi miền đất nước, ở đâu cũng thấy người cao tuổi hăng hái tham gia sản xuất, phát triển kinh tế, tham gia xây dựng Đảng, nêu gương sáng xây dựng đời sống văn hóa… Những người cao tuổi thực sự là tấm gương cho con cháu noi theo, là trụ cột tinh thần trong gia đình, làng xóm, cộng đồng xã hội.

 Với tuổi tác và sự trải nghiệm cuộc sống, người cao tuổi có lợi thế so sánh hơn bất cứ tầng lớp xã hội nào khác trong việc tuyên truyền, vận động con cháu, gia đình và thôn, bản thực hiện các cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa do MTTQ Việt Nam và Hội người Cao tuổi Việt Nam phát động. Bản thân các cụ cao tuổi luôn gương mẫu đi đầu thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, đấu tranh với các thói hưu, tật xấu, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của quê hương.

Người cao tuổi còn có thế mạnh trong việc khuyến khích con cháu, dòng họ thi đua học tập. Đông đảo người cao tuổi là hạt nhân tích cực trong phong trào khuyến học, khuyến tài ngay từ trong gia đình, dòng họ, góp phần xây dựng một xã hội học tập từ cơ sở.

Theo thống kê của Hội người cao tuổi Việt Nam, hiện nay có 64% hội viên Hội khuyến học là người cao tuổi, 72% cán bộ Hội khuyến học các cấp là người cao tuổi, hơn 80.000 người cao tuổi tham gia công tác quản lý, giảng dạy ở các trung tâm cộng đồng cơ sở. Không những thế, nhiều người cao tuổi đã nêu gương sáng làm việc và học tập suốt đời cho con cháu. Thành phố Hồ Chí Minh đã mở 233 lớp sử dụng vi tính cho gần 4.000 người cao tuổi, nhiều cụ tuy tuổi đã cao những vẫn tham gia học tập và tạo điều kiện cho con, cháu nâng cao kiến thức…

Năm 2008, tại Hội nghị toàn quốc người cao tuổi làm kinh tế giỏi lần thứ 2, biểu dương 224.064 cụ làm kinh tế giỏi ở ba cấp xã, huyện và tỉnh. Năm 2010, qua Hội nghị điển hình tiên tiến ở các cấp, có hơn 300.000 cụ được tôn vinh là người cao tuổi làm kinh tế giỏi…

 Trong nhiều năm lại đây, phong trào làm kinh tế của người cao tuổi phát triển rộng khắp trong cả nước. Những thành quả kinh tế mà người cao tuổi đạt được đã khẳng định người cao tuổi là lực lượng lao động quan trọng trong việc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội.

Theo Báo cáo giám sát thực hiện Pháp lệnh người cao tuổi của Ủy ban các Vấn đề Xã hội của Quốc hội, có 70% người cao tuổi dựa vào con cháu, họ hàng và tự lo bằng hoạt động kinh tế bản thân để sống. Đây là một thực tế khách quan nói lên phong trào làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo của người cao tuổi như là một thực tế bức thiết. Thống kê của Hội người cao tuổi Việt Nam cũng cho thấy, số hội viên người cao tuổi làm kinh tế giỏi chiếm tỉ lệ khá cao trong đội ngũ những người làm kinh tế nói chung: Tỉnh Tiền Giang có 30.000/32.396 người cao tuổi làm kinh tế giỏi, chiếm 92,6%; tỉnh Nam Định có 12.145/16.396 người cao tuổi làm kinh tế giỏi, chiếm 74,1%; tỉnh Hải Dương có 11.610/12.145 người cao tuổi làm kinh tế giỏi, chiếm 95,6%....

Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chăm sóc người cao tuổi

Chăm sóc người cao tuổi là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Đảng, Nhà nước luôn quan tâm. Đảng ta khẳng định người cao tuổi là một lực lượng xã hội đông đảo, quý giá trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Báo cáo chính trị tại Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng nêu rõ: Chăm sóc sức khỏe, tạo điều kiện để người cao tuổi hưởng thụ văn hóa, được thông tin, sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc. Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, chiến đấu của người cao tuổi trong xã hội và gia đình. Xây dựng gia đình "Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo".

Năm 1995, ngay sau khi Hội người cao tuổi Việt Nam được thành lập, Ban Bí thư Trung ương đã ra Chỉ thị 59/CT về chăm sóc người cao tuổi nêu rõ: “Việc chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần của người cao tuổi là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội”.

Pháp lệnh về Người cao tuổi cũng khẳng định: Việc chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần và phát huy vai trò của người cao tuổi là trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và toàn xã hội, là thể hiện bản chất tốt đẹp, đạo lý và truyền thống của dân tộc ta.

Thực tế nhiều năm qua cho thấy, các chủ trương, chính sách về chăm sóc người cao tuổi đang ngày được cụ thể hóa, ngày càng đáp ứng tốt hơn những nhu cầu của người cao tuổi. Đời sống vật chất và tinh thần của người cao tuổi ngày càng được nâng cao.

Trong gia đình, phần lớn người cao tuổi có cuộc sống hòa hợp với các thế hệ con cháu. Theo điều tra của Hội người cao tuổi Việt Nam, có đến 80% người cao tuổi sống với con cái trong gia đình. Đây không chỉ là đáp ứng về nơi ở, đáp ứng về đời sống vật chất mà ý nghĩa lớn lao là đáp ứng về đời sống tình cảm, tâm linh của người cao tuổi. Hưởng ứng các cuộc vận động của Hội người cao tuổi các cấp về xây dựng “gia đình văn hóa” và “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, hành năm bình xét có từ 75-90% gia đình công nhận đủ tiêu chuẩn. 

Trong xã hội, phong trào thi đua chăm sóc người cao tuổi được triển khai rộng khắp bằng nhiều hoạt động cụ thể, như: Cuộc vận động xóa nhà tạm cho hộ người cao tuổi nghèo, tham gia vào việc thực hiện chế độ chính sách cho người cao tuổi… Trong năm 2009, các tấm lòng hảo tâm trong và ngoài nước đã ủng hộ xây mới gần 72.000 căn nhà cho hộ nghèo có người cao tuổi; tặng gần 600.000 áo ấm cho người cao tuổi nghèo. Tính đến cuối năm 2009, tổng số Quỹ Chăm sóc Người cao tuổi ở Trung ương là khoảng 5 tỷ đồng, của các địa phương gần 469 tỷ đồng. Từ số tiền này, đã có hàng vạn người cao tuổi khó khăn trong cả nước đã được giúp đỡ, hỗ trợ.

Mới đây, Quốc hội đã thông qua Luật Người cao tuổi. Ngày 1/7 tới, Luật sẽ chính thức có hiệu lực. Phát biểu tại Đại hội thi đua yêu nước “Tuổi cao- Gương sáng” lần thứ II mới diễn ra tại Thủ đô Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng giao nhiệm vụ cho Hội người cao tuổi Việt Nam tổ chức tốt việc nghiên cứu, quán triệt nội dung Luật Người cao tuổi cho cán bộ, hội viên người cao tuổi, tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền những chủ trương, giải pháp nhằm đưa Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, bảo đảm cho người cao tuổi được hưởng đầy đủ các chính sách, chế độ của Nhà nước và được tạo điều kiện để phát huy vai trò của mình với con cháu, với xã hội./.

 

Minh Hòa

(http://vovnews.vn/)

Các bài viết khác