Lễ kỷ niệm cấp Nhà nước 100 năm Ngày sinh Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ

13/07/2010

Ngày 10-7, tại Hội trường Thống Nhất, TP Hồ Chí Minh, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ kỷ niệm cấp Nhà nước 100 năm Ngày sinh Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (10-7-1910 - 10-7-2010), nguyên Quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch QH, Chủ tịch Ðoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng (MTDT) miền nam Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời (CMLT) Cộng hòa miền nam Việt Nam.

Các đồng chí: Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy  TP Hồ Chí Minh; Nguyễn Thị Doan, Ủy viên T.Ư Ðảng, Phó Chủ tịch nước; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên T.Ư Ðảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Huỳnh Ðảm, Ủy viên T.Ư Ðảng, Chủ tịch UBT.Ư MTTQ Việt Nam cùng nhiều đồng chí lãnh đạo khác của Ðảng, Nhà nước đã dự. Cùng dự lễ kỷ niệm, có các đồng chí nguyên là lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, QH, Chính phủ, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; các vị đại biểu QH các thời kỳ; các vị trong Ủy ban T.Ư MTDTGP miền nam Việt Nam; Chính phủ CMLT Cộng hòa miền nam Việt Nam; đại biểu đại diện Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam; đoàn đại biểu TP Hà Nội; các tỉnh: Long An, Lai Châu, Phú Yên, Tây Ninh. Nhiều Mẹ Việt Nam Anh hùng. Ðại diện gia đình Luật sư Nguyễn Hữu Thọ; đại diện Thành ủy, HÐND, UBND, Ủy ban MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân  TP Hồ Chí Minh... đã dự lễ.

Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ sinh ngày 10-7-1910 trong một gia đình viên chức nghèo tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Mới  11 tuổi, ông một mình sang Pháp du học. Sau 11 năm du học ở Pháp, người thanh niên Nguyễn Hữu Thọ trở về với tấm bằng Cử nhân Luật hạng ưu.  Hành nghề luật sư trong những ngày Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bị thực dân Pháp đàn áp, dìm trong bể máu; những tấm guơng hy sinh anh dũng của các chiến sĩ cách mạng đã thức tỉnh lương tâm và trách nhiệm của người trí thức trẻ yêu nước Nguyễn Hữu Thọ. Bằng tấm lòng và kiến thức uyên bác về pháp luật, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã tìm mọi cách có thể để bênh vực quyền lợi cho những người dân bị chính quyền thực dân và tay sai đàn áp, đặc biệt là những tổ chức, cá nhân hoạt động vì mục đích yêu nuớc.

Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ từ một nhà trí thức yêu nước có tinh thần đoàn kết tôn giáo, dân tộc đã đi theo Ðảng xuyên suốt cuộc đời, biết lấy thế mạnh của con người được đào tạo ở nước đi xâm chiếm đất nước mình, cai trị đồng bào mình để đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù. Trước sau như một, dù bất cứ trong hoàn cảnh gian khổ, hiểm nguy cỡ nào, vào tù ra khám, bị lưu đày khổ đau tới đâu, Ông vẫn ngoan cường, kiên trung cùng với dân với Ðảng quyết tâm giành độc lập, tự do cho dân tộc, giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, đóng góp công lao to lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần tăng cường đoàn kết hữu nghị, hợp tác, bảo vệ hòa bình và tiến bộ trên thế giới.

Do có nhiều công lao và thành tích đối với cách mạng, Ông được Ðảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta và nhiều huân chương, huy chương khác; được Nhà nước Liên Xô (trước đây) tặng Giải thưởng quốc tế Lê-nin và Huân chương Hữu nghị Vì sự nghiệp củng cố hòa bình giữa các dân tộc; Nhà nước Cu-ba tặng thưởng Huân chương Ðoàn kết - chiến đấu; Nhà nước Bun-ga-ri tặng giải thưởng Ði-mi-trốp; Hội đồng Hòa bình thế giới tặng thưởng Huân chương Joliot - Curie.

Thay mặt Ðảng, QH, Nhà nước, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đọc diễn văn, nêu bật thân thế, sự nghiệp; những đóng góp to lớn của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ vào sự nghiệp cách mạng của Ðảng và của nhân dân ta.

May mắn được biết Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tương đối sớm và có nhiều năm hoạt động, công tác với Ông trong nhiều giai đoạn khá đặc biệt của cách mạng, trong phát biểu tại lễ kỷ niệm, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình xúc động điểm lại những hoạt động, đóng góp của Luật sư  Nguyễn Hữu Thọ  trong nhiều giai đoạn khác nhau, đặc biệt là các cuộc đấu tranh chính trị công khai vì dân sinh, dân chủ những năm 1949 - 1950, phong trào đấu tranh cho hòa bình, đòi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ thống nhất đất nước năm 1954 - 1955, trên các diễn đàn Hội nghị quốc tế, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước sau này.

Tại lễ kỷ niệm, với lòng cảm phục sâu sắc tấm gương kiên trung, sắt son với nước với dân của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Luật sư Trịnh Thế Duy, đại diện thế hệ trẻ TP Hồ Chí Minh hứa nỗ lực phấn đấu trau dồi đạo đức, chuyên môn, giữ vững lập trường, bản lĩnh chính trị, rèn luyện đạo đức, tác phong, quyết tâm đi theo con đường mà Ðảng, Bác Hồ đã chọn, cống hiến sức trẻ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Cùng ngày, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng và nhiều đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, đại diện nhiều cơ quan, tổ chức và quần chúng nhân dân TP Hồ Chí Minh đã đến dâng hương tại Nhà lưu niệm của gia đình Luật sư, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ.

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm Triển lãm "Luật sư, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ - Một cuộc đời gắn bó với Ðảng, với cách mạng, với nhân dân" tại Nhà Văn hóa Thanh niên, quận 1.

Sáng cùng ngày, Tỉnh ủy, HÐND, UBND, UBMTTQ tỉnh Phú Yên tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ.

Diễn văn tại lễ kỷ niệm do đồng chí Ðào Tấn Lộc, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh trình bày đã ôn lại thân thế, sự nghiệp, cuộc đời hoạt động cách mạng của Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ.

Ngay sau lễ kỷ niệm, UBND tỉnh Phú Yên tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề "Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ với Phú Yên", với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, đại diện lãnh đạo tỉnh Long An, đại diện gia đình, các nhà khoa học thuộc Viện Sử học Việt Nam, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Quân khu  5 và tỉnh Phú Yên. 15 báo cáo chuyên đề được trình bày tại hội thảo tiếp tục khẳng định những công lao to lớn của Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Ðảng, của dân tộc; những hoạt động, đóng góp của đồng chí đối với Phú Yên, quê hương thứ hai của Chủ tịch và những hoạt động của Ðảng bộ, quân và dân Phú Yên liên quan cuộc đời hoạt động của đồng chí.

Trước đó, vào sáng cùng ngày tại Nhà trưng bày lưu niệm, Ban tổ chức các ngày lễ lớn của tỉnh đã tổ chức lễ dâng hương, bày tỏ sự kính trọng, lòng biết ơn của Phú Yên đối với Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ. Ngoài Nhà trưng bày lưu niệm Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, Phú Yên đã dành một con đường lớn ở thành phố Tuy Hòa để đặt tên ông. Tỉnh cũng đã có kế hoạch xây dựng Nhà lưu niệm Luật sư khang trang tại thành phố Tuy Hòa, gắn liền với di tích lịch sử nơi giải thoát Luật sư năm 1961.

Nhân dịp này, Luật sư Nguyễn Thị Dung, con gái út của Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã trao tư liệu và sách tượng trưng để thành lập phòng đọc sách tại Nhà trưng bày lưu niệm Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ ở tỉnh Phú  Yên.

 

(http://www.nhandan.com.vn)

Các bài viết khác